Ông là Vi Chi, thương binh hạng 4/4 , tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, hiện đang sinh sống tại phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La).
Sinh năm 1928, ông Vi Chi, người con của vùng quê Thanh Ba-Phú Thọ giờ đã gần 90 tuổi. Ở cái tuổi đã gần đất xa trời, nhưng những kỷ niệm về một thời oanh liệt chưa bao giờ phai mờ trong trí óc của người chiến sỹ Điện Biên năm xưa.
Nhập ngũ năm 1946 khi mới tròn 18 tuổi, sau những khóa huấn luyện cơ bản, ông Vi Chi được cấp trên điều động sang nước bạn Trung Quốc đào tạo chuyên ngành pháo binh. Sau đó ông trở về Trung đoàn 367 Pháo binh, trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ từ năm 1953. Ông Chi cho biết: Chiến dịch lúc đầu được xác định phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, nhưng do địch đã tăng cường binh lực và củng cố hệ thống phòng ngự vững chắc, nên Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định chuyển sang thực hiện phương châm “đánh chắc tiến chắc”.
Chiều 13/3/1954, đơn vị của ông Chi được lệnh cùng các đơn vị của bộ đội ta tấn công mở màn cho đợt 1 của chiến dịch Điện Biên Phủ, nhằm đập tan thế trận phòng ngự vòng ngoài của địch ở phía bắc và Đông Bắc. Chiến dịch mở đầu bằng trận Him Lam, tiếp đó tiêu diệt cụm cứ điểm đồi Độc Lập, bao vây, bức hàng cụm cứ điểm Bản Kéo, đánh bại nhiều đợt phản kích của địch. Khí thế của bộ đội ta trong đó có ông lúc đó vô cùng lên cao.
Ông Vi Chi nhớ lại: “Bắt đầu đợt 1 riêng của pháo cao xạ, ngày 13/3 vào buổi chiều bắt đầu phát hỏa. Trận đầu tiên phát hỏa, đơn vị tôi đã bắn rơi 13 máy bay. Máy bay rơi, địch nhảy dù ra, tôi và một đồng chí giỏi tiếng Pháp bắt đầu đi gọi hàng binh, bắt tù binh về lấy khẩu cung. Bộ đội lúc ấy hăng hái, khí thế lắm, không sợ chết gì đâu”.
Trải qua ba đợt chiến đấu trong 56 ngày đêm chiến dịch Điện Biên Phủ, quân ta đã loại khỏi vòng chiến hơn 16.000 tên địch, bắt sống toàn bộ Bộ Chỉ huy tập đoàn cứ điểm do tướng Đờ Ca-xtri chỉ huy; bắn rơi và phá hủy nhiều máy bay, xe tăng, thu toàn bộ vũ khí, đạn, quân trang, quân dụng của địch.
Theo ông Vi Chi: Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội với vai trò chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vô cùng sáng suốt, tài tình khi vận dụng cách đánh hiểm, linh hoạt, hạn chế chỗ mạnh của địch, khoét sâu chỗ yếu của chúng, phát huy thế mạnh của ta để giành thắng lợi: “Sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của Hồ Chủ tịch rất sáng suốt. Gần kết thúc chiến dịch, Bác tặng mỗi cán bộ, chiến sỹ một Huy hiệu Điện Biên Phủ. Và có một bài nói của Bác Hồ tôi rất nhớ, đó là Bác ví ta như con hổ, địch như con voi. Tức là lực lượng của ta rất nhỏ bé, vũ khí thiếu thốn, nhưng ta có quyết tâm cao và có mưu kế. Cứ hôm nay gây thương tích một ít, mai một ít, dần dần voi sẽ yếu đi và chết, hổ sẽ thắng lợi. Tôi rất thấm thía và từ đấy thấy mình trưởng thành”.
Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1955 ông Vi Chi về trường Thông tin quân đội, rồi trường đào tạo cán bộ Quân đội ở Cao Bằng. Năm 1964 đến 1976, ông được cử đi học trường Quân y Tây Bắc, về phụ trách mảng y tế tại 36 xã của huyện Thuận Châu, sau đó đảm nhiệm chức vụ Trưởng phòng Y tế thị xã Sơn La, tỉnh Sơn La, đến năm 1985 mới nghỉ chế độ.
Con sức, còn phục vụ quê hương, về nghỉ, ông tiếp tục tham gia 5 khóa cấp ủy ở tổ dân phố. Tự hào là chiến sỹ Điện Biên, dù ở cương vị nào, ông cũng luôn nêu cao bản chất của người lính, vượt mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, giáo dục con cháu sống có ích cho xã hội. 5 người con của ông hiện đã trưởng thành, cả nhà gồm bố mẹ, con cháu đã có 13 người là đảng viên.
Theo bà Lê Thị Ngỏi, Chi hội trưởng Chi hội cựu chiến binh tổ 1, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La, nơi gia đình ông Vi Chi sinh sống: Ông Vi Chi thực sự là tấm gương sáng về tình đồng chí, đồng đội: “Bác Vi Chi rất hăng hái, nhiệt tình, gương mẫu, bảo ban con cháu chấp hành quy ước, hương ước của tổ, sống tình làng nghĩa xóm. Bác là tấm gương sáng cho con cháu học tập”.
Gần 90 tuổi đời, 50 năm tuổi Đảng, ông Vi Chi được Đảng, Nhà nước, Quân đội trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Kháng chiến, Huy hiệu Chiến sỹ vẻ vang, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Sơn La, cùng nhiều bằng, giấy khen.
Nhưng với ông, phần thưởng lớn lao và vô cùng tự hào là được trở thành chiến sỹ Điện Biên./.