Trong lịch sử nước ta, từ xưa đến giờ người mình trèo non vượt bể sang Tàu cũng nhiều và nhiều người lại được tiến cử làm quan to trong triều. Lý Ông Trọng là một trong số những người như vậy.
Lý Ông Trọng (còn có tên là Lý Thân) quê ở Từ Liêm, thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội). Vào thời Hùng Vương thứ 18, Lý Ông Trọng giữ một chức nhỏ ở huyện ấp.
Với bản tính cương trực, trung hậu, thương dân nên có lần thấy một tên lính huyện đánh đập dân phu dã man, ông đã nổi giận đánh chết tên lính đó và bị triều đình khép tội chết.
Đình Chèm nơi thờ Lý Ông Trọng
|
Nhưng vua thấy ông là người có tài đức, khoẻ mạnh nên không nỡ giết. Sau đó ông bỏ chức, đi cầu học phương xa. Tới nước Tần, ông được Hoàng đế Tần Thuỷ Hoàng rất trọng dụng. Ông làm quan đến Tư lệ hiệu uý. Nhà Tần lúc đó hay có nạn giặc Hung nô. Vua Tần Thuỷ Hoàng sai ông đem quân đi đánh giặc Hung nô ở Lâm Thao. Tiếng thắng trận đồn ầm vang cả Hung nô khiến quân Hung nô từ đấy không dám xâm phạm biên ải nhà Tần nữa.
Khi tuổi già, nhớ quê hương, ông xin được trở về.
Sau khi ông từ trần, vua Tần Thuỷ Hoàng cho là một bậc dị nhân. Sai đúc tượng ông bằng đồng. Tượng to đến nỗi trong lòng tượng có thể chứa được vài mươi người. Hễ ai lay động lên thì kẻ đứng ngoài nhất là Hung nô trông tưởng là ông còn sống không dám xâm phạm.
Triệu Xương đời nhà Đường, khi làm Đô hộ xứ nước ta, sai dựng đền thờ ông.Cao Biền cũng cùng thời ấy, lại sai quân trùng tu miếu thờ và tạc tượng gỗ gọi là tượng quan hiệu uý họ Lý. Đền thờ Lý Ông Trọng hiện ở làng Chèm, thuộc phủ Hoài Đức (nay là Hà Nội).
Ông Đăng Minh Khiêm đời Quang Thiệu nhà Lê (1516 - 1521) vịnh sử, có đề thơ vịnh Lý Ông Trọng rằng:
"Văn võ toàn tài đại trượng phu/Hàm Dương di tượng nhiếp quần Hồ/Vĩnh Khang nhất nhập đàm kinh mộng/Huyết thực Nam thiên tráng đế đô" nghĩa là: "Văn võ gồm tài bậc trượng phu/Hàm Dương thấy tượng rợ Hồ lo/Vĩnh Khang hiển hiện người trong mộng/Huyết thực trời Nam khét tiếng to".
(Theo Bee.net)
Theo Quehuongonline