Ngày 09/11/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trung đoàn không quân 921. Người căn dặn: “Tổ tiên ta từ xưa đã có những chiến công oanh liệt trên sông, trên biển như Bạch Đằng, Hàm Tử; trên bộ như Vạn Kiếp, Đống Đa. Ngày nay ta đã có không quân, chúng ta phải mở mặt trận trên không thắng lợi, trách nhiệm ấy trước hết là của các chú”.
Sau 2 tháng, ngày 03/4/1965, biên đội 4 chiếc đầu tiên gồm các Phi công: Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ, Trần Minh Phương được lệnh xuất kích chiến đấu, với tinh thần dũng cảm, sáng tạo chỉ trong 8 phút biên đội đã bắn rơi 2 chiếc F-8U của Không quân-Hải quân Mỹ trên vùng trời Hàm rồng - Thanh Hoá, lập công xuất sắc, mở đầu trang sử mới của mặt trận trên không. Ngay ngày hôm sau 04/4/1965, biên đội gồm các Phi công: Trần Hanh, Phạm Giấy, Lê Minh Huân, Trần Nguyên Năm lại được lệnh xuất kích chiến đấu trên vùng trời Hàm Rồng - Thanh Hoá và tiếp tục lập công xuất sắc, bắn rơi 2 máy bay F-105D của Đế quốc Mỹ.
Ngày 05/4/1965, Hồ Chủ tịch gửi thư khen ngợi Trung đoàn 921. Trong thư Người viết: “Các chú đã thực hiện được khẩu hiệu đã đánh là thắng, như thế là xứng đáng với truyền thống anh hùng của quân và dân ta”.
Có thể nói, thế hệ những Phi công chiến đấu đầu tiên của Không quân NDVN phần lớn bước lên máy bay từ đồng ruộng, có những người từ những binh chủng khác như pháo binh, bộ binh, văn hoá có những người chỉ có lớp 7- tương đương Trung học cơ sở bây giờ. Theo như Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu- nguyên Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không- Không quân kể lại:
“…Ngày mới thành lập Quân chủng, tôi được Chính phủ ký giấy cho phép đi khắp cả nước để chọn phi công. Đến đâu cũng được các cấp, các ngành ủng hộ…
…Anh Phạm Thanh Ngân (Thượng tướng, nguyên UVBCT, Chủ nhiệm TCCT), nguyên là bộ đội pháo binh. Còn anh Nguyễn Đức Soát (Trung tướng, nguyên Tư lệnh Quân chủng PK- KQ) tôi vào trường học ở Phú Xuyên (Hà Tây) thấy khỏe, đẹp trai, học giỏi, tôi về Quân chủng nói anh em tuyển sinh xuống mà lấy... Còn đến trường Đại học Bách khoa thì đồng chí hiệu trưởng bảo, chọn được ai là cho đi ngay... Tôi nghĩ rằng, Đảng và Nhà nước không nhìn xa trông rộng, không hiểu những yêu cầu, đặc điểm riêng của bộ đội không quân thì không thể có những ưu tiên đặc biệt như thế…”.
Trung Tướng Phạm Phú Thái – AHLLVT, nguyên là phi công tiêm kích của Trung đoàn 921, ông là môt trong những Phi công thiện chiến của Trung đoàn Anh hùng này. Là thế hệ phi công thứ 3 của Quân đội ND VN, ông là một trong những người trẻ nhất trong Trung Đoàn 921 lúc bấy giờ. Mới học xong lớp 8, ông Thái đã trúng tuyển phi công, rồi sang Liên Xô học. Tốt nghiệp với hơn 162 giờ bay ở trường Không quân Liên Xô rồi về nước tập thêm hai ba chục chuyến bay là đã phải vào trực chiến. Nhưng ông vẫn là một trong những phi công lái giỏi nhất và cũng… liều nhất
Lứa phi công ngày đó thông minh, chăm chỉ học hành, thời gian đào tạo vì thế mà rút ngắn từ 4 – 5 năm xuống chỉ còn 2,5 – 3 năm. Khi kể về giai đoạn này, ông thường cười: “ Cậu có biết là khi mình học bay xong, chuẩn bị về nước mới được kết nạp Đoàn đấy chứ” . Đến năm 1968, khi ông (khi đó mới 19 tuổi) bay tham gia bảo vệ đường Hồ Chí Minh thì bị trúng tên lửa của, hỏng máy bay phải nhảy dù xuống Thanh Chương (Nghệ An), ông vẫn là … binh nhất. Những phi công tiêm kích hồi đó hầu như đều thế, chỉ có binh nhất, hạ sĩ, trung sĩ, thượng sĩ nhưng cứ vẫn ra trận, vẫn chiến đấu và hy sinh.
Trung Tướng Phạm Phú Thái ít kể về những trận không chiến của mình, ông hay kể về đồng đội, những số 2, số 3 thường bay cùng ông. Ông từng kể: “…Trong cuộc chiến giữa không quân ta với không quân Mỹ, đối phó với hàng trăm máy bay Mỹ cũng chỉ có một hai chục phi công chứ có nhiều nhặn gì đâu. Có thời kỳ chỉ còn 1 – 2 chiếc máy bay với vài phi công từ mỗi trung đoàn. Đọc tên những phi công thiện chiến khi tham gia đánh lại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của Mỹ thì ở trung đoàn 921 là Phúc, Lanh, Thái, Liêm, Việt, Huy… Ở 927 là Đạo, Soát, Sâm Thư, Nghĩa… cứ thay nhau dẫn dắt đàn em tham chiến. Đến chiến dịch Điện Biên Phủ trên không đối phó với lực lượng hùng hậu của không quân Mỹ cũng chỉ có một phi đội bay đêm với hơn một chục nhân mạng. Ít lắm. Trong khi đó các sân bay thì liên tục bị không quân Mỹ đánh phá theo kiểu hủy diệt. Tóm lại những thời khắc chiến tranh đó, mỗi chuyến xuất kích chiến đấu là một chuyến bay cảm tử, ấy là chưa kể thỉnh thoảng quân ta bắn nhầm quân mình nữa chứ. Nhưng đó là chiến tranh mà!”.
Kí ức oai hùng và bi tráng
Một kí ức buồn vẫn đeo đuổi Trung Tướng Phạm Phú Thái cho mãi đến sau này…Đó là khoảng đầu năm 1970, khi ấy ông ông bay cùng với người phi công liệt sỹ Phạm Thành Nam – một chàng trai đẹp trai, tài hoa, rất mê hội hoạ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, phi đội của ông bay từ biên giới Lào về đến Ninh Bình, Sở chỉ huy dẫn ra thì gặp 4 chiếc F4 chặn đánh lúc nhiên liệu chỉ còn đủ bay về đến sân bay. Ông kể lại giọng rưng rưng: “…Mình cũng bị 2 thằng bám theo, bay trên cao nhìn xuống để chỉ huy cho đồng đội. Đến quả tên lửa thứ 4 thì Nam bị trúng. Chiếc máy bay cháy, rơi chúi vào vùng mây. Gọi mãi không thấy trả lời…”
Sự kiện này, lịch sử chỉ ghi lại được những dòng miêu tả khô khan. Còn nỗi đau thì nó đã thành một vết thương không thể lành trong trái tim ông.
Ông nói: “Những ngày đồng đội liên tiếp hi sinh, bước vào buồng lái cũng thấy kinh, cũng sợ chết chứ đâu phải lúc nào cũng hào hùng. Nào có như bộ binh, còn được vuốt mắt đồng đội. Trên trời mà bị bắn trúng không nhảy dù được là chẳng còn gì cả, nổ như pháo hoa !”.
Có một sự kiện mà ông cũng vẫn còn nhớ rõ, đó là lần bay tiễn đưa Hồ Chủ Tịch, khi Người qua đời. Những vất vả khó khăn khi luyện tập, những quy định khoảng cách, đội hình, về giờ giấc rât khắt khe. Những phi công được chọn đều là những phi công bay giỏi và có kinh nghiệm. Ông và 11 phi công khác đã chuyên tâm luyện tập, những tới phút cuối ông lại không được bay vì …sức khoẻ - hôm đó ông bị ốm. Nhắc lại chuyện này, ông vẫn tỏ rõ sự tiếc nuối…
Trong cuộc đời chiến đấu của Ông, trận không chiến ngày 27/6/1972 được nhắc đến nhiều nhất, khi 2 phi đội bay thuộc Trung đoàn không quân tiêm kích 927 là Bùi Đức Nhu, Nguyễn Đức Soát, Ngô Duy Thư và Trung đoàn 921 là Phạm Phú Thái, Bùi Thanh Liêm đã đồng loạt bắn hạ 5 máy bay F-4E của Không quân Mỹ. Ông chỉ nói về trận đó như sau: “Trận đó không thể quên được vì hôm đó bầu trời Sơn La trong lắm, nhìn rõ từng chiếc máy bay địch bị bắn cháy, cắm đầu rơi xuống như một đống rơm cháy ngùn ngụt. Đẹp!”
Và để kêt luận, ông tủm tỉm cười: “Bây giờ, khi cuộc chiến càng trôi sâu về quá khứ thì mình càng thấy thắng lợi của cuộc chiến chống lại chiến tranh phá hoại của Mỹ càng ý nghĩa, đặc biệt là tác chiến phòng không, Từ bấy đến nay trên thế giới đã có mấy ai bắn rơi được máy bay Mỹ, bắt sống được phi công Mỹ?”
Khi đã rời xa quân ngũ, khi nào rảnh, ông lại về quê. Về với vườn cây, về với ngôi nhà của cha ông. Lịch sử dòng tộc Phạm Phúc cũng rất vẻ vang. Nhiều người họ Phạm Phúc đã giác ngộ cách mạng sớm. Những năm 1925, 1927 đã tham gia Thanh Niên cách mạng Đồng chí Hội. Có thể kể tới các ông Phạm Quang Lịch- Bí thư tỉnh uỷ Thái Bình (1931-1932), con là Phạm Bái- cũng là Bí thư tỉnh uỷ Thái Bình, uỷ viên Ban chấp hành TW Đảng, chủ tịch Hội Nông dân tập thể; ông Phạm Thuần, em con chú ruột của ông Phạm Quang Lịch, chủ tịch UBHC tỉnh Phú Thọ.v.v. Có hai anh hùng: Anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Dòng họ đóng góp 127 liệt sỹ, có 6 bà mẹ VN anh hùng.
Lần nhẩy dù thứ 2:
Từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1972, quân Mỹ định dùng không quân mở chiến dịch Linebacker 1đánh ra miền Bắc để buộc ta phải theo các điều kiện của chúng ở Hội nghị Paris. Đầu tháng 10 năm 1972, đế quốc Mỹ mở những đợt tập kích rất lớn vào Hà Nội, những khu vực trọng yếu đều bị đánh, cầu Long Biên chỉ một đợt đánh đã sập nhịp thứ hai ở bờ phía Bắc, cầu Hàm Rồng, Phủ Lạng Thương đều bị đánh sập chỉ một đợt tấn công. Trong những đợt ném bom này, bom đạn Mỹ đã đánh vào dân thường, đánh kho xăng, đánh nhà máy điện... Dường như để gây sức ép mạnh đối với quân và dân miền Bắc. Ngày 15 tháng 10 bọn Mỹ rục rịch đánh lớn. Tin tình báo được phổ biến từ sáng sớm... sẽ có đợt hoạt động của không quân Mỹ đánh vào các vị trí ở phía Bắc Hà Nội. 13 giờ biên đội Thái- Sang cất cánh và gặp địch trên vùng trời Tuyên Quang. Thoạt đầu, bọn Mỹ có 12 chiếc F-4 không chiến với biên đội của Thái. Nhưng, chỉ một lúc sau số lượng tiêm kích địch tăng gần gấp đôi. Phi công Sang mất đội hình bay về. Tên lửa địch giăng khắp bầu trời. Còn một mình, Phạm Phú Thái cơ động, chớp thời cơ bắn rơi một chiếc F-4, ông kéo máy bay lên cao, chuẩn bị thoát ly bay về. Lúc này độ cao Mig-21 là 8.000 mét, Phạm Phú Thái làm động tác úp máy bay, động tác khá mạnh. Nhưng, bọn Mỹ dùng tên lửa có điều khiển bắn trúng khi chiếc Mig của ông, khi vừa chuyển động cắm xuống. Máy bay mất điều khiển, rơi rất nhanh, ông kéo dù ở độ cao 4.000 mét... chiếc dù màu vừa mở, Phạm Phú Thái nhìn thấy nhiều chiếc F-4 bổ nhào, những loạt đạn từ những chiếc máy bay của Mỹ bắn vào dù đang hạ dần độ cao. Ông đưa hai tay kéo dù, thu hẹp diện tích nhằm làm cho dù rơi nhanh. Nhưng cánh tay trái đã gãy, chỉ còn tay phải kéo dù, bọn Mỹ liên tục dùng súng bắn dữ dội vào chiếc dù, bị bắn rách chiếc dù tròn bây giờ thành méo, tốc độ rơi rất lớn vướng vào bụi tre, người Ông treo lơ lửng. Nhân dân, dân quân chặt tre, dùng thang, câu liêm kéo ra... Khi tỉnh lại, ông thấy toàn thân đau nhức ê ẩm, ông đang nằm trên một cánh cửa gỗ, trong một lớp học nhỏ với mấy bộ bàn ghế. Đến chiều tối, dân quân, công an ở đó chuyển ông ra đường lớn, và may mắn gặp được xe của Thông tấn xã Việt Nam đi lấy tin, nhờ chở lên huyện đội, và sáng hôm sau thì trực thăng của Quân chủng lên đón. Sau khi tỉnh dậy, ông hỏi lại thì Sở chỉ huy chỉ nói địa điểm đó là huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Ông bị thương gãy tay trái vào viện ngày 15 tháng 10 năm 1972, trở thành phi công thương binh lần thứ hai ... Và tại viện quân y, Đại tá Đào Đình Luyện, Tư lệnh không quân vào thăm đã nói : “…Hôm nay không quân ta đã hạ 2 chiếc, chiếc thứ 3.999 là chiếc F-4D cắm đầu xuống một xã gần huyện lỵ Thanh Sơn. Còn chiếc thứ 4.000 đang đề nghị công nhận cho Thái, đó là chiếc F-4H rơi trên một cánh đồng thuộc huyện Sơn Dương!”
Năm 2010 Đ/c Phạm Phú Thái được phong tặng phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Vĩ thanh
Giờ ông đã nghỉ hưu nhưng kí ức của một thời máu lửa luôn hiện hữu trong ông. Các thành phần đảm bảo cho chuyến bay đều có những chiến công thầm lặng nhưng to lớn. Thiếu một thành phần là trận đánh không thể thành công. Ông nhớ tới các anh em thợ máy, các anh chị em nuôi quân là những người gần gũi với phi công các ông hàng ngày, họ thương xót những chàng phi công trẻ lắm. Cảnh thợ máy cầm cần dắt đứng đợi máy bay của mình ở sân bay mà mãi không thấy về, ngậm ngùi vào hầm trực, lúc sau lại ra ngóng... Cảnh các chị nuôi thấy cuối ngày trực, chỉ thấy xách thùng bay không, mà chẳng thấy người về theo là oà khóc hàng loạt... là hình ảnh thường trực trong kí ức của ông. Thật thiếu sót quá lớn nếu như ai đó "bỏ quên" những thành phần ấy.
Ông nhớ cô gái mặc chiếc áo nâu, tóc tết đuôi sam dài đã kê đùi cho ông ngủ khi bị rơi máy bay ở Diễn châu – Nghệ An. Nhớ những bà mẹ, những cụ lão dân quân mang trứng, mang gà đến cho ông bồi dưỡng ở Diễn Châu. Nhớ cái bụi tre đã đỡ ông khi ông nhẩy dù từ độ cao 4000m trong cái ngày 15-10-1972. Nhớ cái cửa lớp học của trường tiểu học Tuân Lộ - Sơn Dương được dỡ ra làm cáng cho ông. Và để đi tìm lại cái kí ức ấy, ông phải mất gần 40 năm mới tìm lại được nơi mình nhẩy dù tại Sơn Dương - Tuy ên Quang!
Để tri ân những người đã cứu giúp mình trong hai lần bị thương, ông đã nhiều lần quay trở lại Nghệ An và Tuyên Quang thăm hỏi tặng quà bà con. Năm 2012, Trung tướng Phạm Phú Thái cùng với đại diện Quân chủng Phòng không – Không quân trao tặng nhà tình nghĩa cho cụ Hoàng Thị Lâm ở xã Tuân Lộ. Ông lại kết hợp với NXB Kim Đồng tặng một thư viện cho trường tiểu học Tuân Lộ , Sơn Dương, Thái Nguyên, một phòng máy vi tính, … Và trong suốt ba năm nay, năm nào ông cũng lên thăm, tặng quà, tặng sách cho nhà trường. Với một tình yêu của người lính xuất thân từ nhân dân - ông thấu hiểu những thiếu thốn, khát khao của trẻ em nông thôn vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, niềm mong mỏi lớn nhất của ông là được nhìn thấy các em nhỏ đến trường với nụ cười hồn nhiên trên môi. Đó cũng là cách để người đàn ông anh hùng này tri ân với đời, với cuộc sống, với những vùng đất như Diễn Châu, như Sơn Dương- Tuyên Quang, những nơi đã cưu mang và giúp đỡ ông trong cuộc chiến khốc liệt xưa.
Anh Chi
----------- Phi công học tại Liên Xô Hình ảnh các đồng đội
Chụp với đồng bào Sơn Dương
Về lại Sơn Dương
Người Thầy dạy bay
|