Đây là chủ đề của tuần trưng bày sách sẽ diễn ra từ 29/2 - 11/3, tại thư viện cafe Đông Tây, Cầu Giấy, Hà Nội. Bùi Giáng là một thi sỹ kỳ dị trong nền văn học Việt Nam.
Nhà thơ Bùi Giáng
Ông kỳ dị trong lối sống, trong các tác phẩm, trải rộng từ tiểu luận, khảo cứu triết học, văn học, đến dịch tiểu thuyết, kịch và một cõi mênh mang có tên “thơ Bùi Giáng”. Một trong những bí ẩn lớn nhất trong cuộc đời cũng như văn nghiệp của Bùi Giáng đó là việc người ta không thể hiểu, vì sao một con người rong chơi suốt tháng ngày lại có thể để lại một gia tài chữ nghĩa đồ sộ đến vậy? Chỉ biết rằng trong suốt 73 năm sống trên “cõi tạm”, ông đã để lại hàng ngàn trang viết, với vô số tác phẩm. Thậm chí, người ta còn cho rằng có hẳn một nhà xuất bản (An Tiêm) được thành lập chủ yếu để ưu tiên xuất bản các tác phẩm của Bùi Giáng trước các tác giả khác!
Bộ sưu tập các tác phẩm của Bùi Giáng được trưng bày lần này, là một cố gắng nhằm tập hợp các tác phẩm của Bùi Giáng, được xuất bản cả trước và sau năm 1975, cho thấy một diện mạo của thi sỹ kì dị qua các tác phẩm của ông. Ở đây, có những tác phẩm đánh dấu các cột mốc quan trọng trong cuộc đời Bùi Giáng, như các bản in lần đầu tiên của thi phẩm Mưa nguồn, hay bản dịch tiểu thuyết Hoàng tử bé… Cũng có những tác phẩm cực hiếm chỉ in với số lượng rất ít (200 bản), như tuyển tập thơ Chân trời văn nghệ, hoặc bản dịch một cuốn truyện… chưởng của tác giả Ngọa Long Sinh, mà Bùi Giáng mới chỉ dịch tập 1, là Kim kiếm điêu linh! Với trên 110 cuốn sách (có tác phẩm gồm nhiều bản với nhiều lần xuất bản khác nhau) được trưng bày trong dịp này, có thể nói, đây là bộ sưu tập lớn nhất các tác phẩm của Bùi Giáng được công bố chính thức cho đến nay. Cuộc trưng bày được thực hiện dựa trên bộ sưu tập của nhà báo Yên Ba và một sỗ thành viên khác của Diễn đàn sachxua.net.