Âm nhạc của Nguyên Lê, khởi nguồn từ rock, funk và jazz, tiếp thêm cảm hứng từ âm nhạc truyền thống Á và Phi châu, là hiện thân cho bức tranh ghép đa âm sắc, như chính nơi anh sống và sáng tác, thủ đô nước Pháp, làm khuấy động không gian jazz và World Music nơi đây. Đó là một phong cách âm nhạc "cộng sinh hoàn hảo giữa các nền văn hóa. Xuyên thời gian, vượt biên giới".
Ảnh: Jean Ber
|
Khởi nguồn tri thức
Anh học song song ba ngành cùng một lúc, triết, nhạc và nghệ thuật thị giác. Chỉ từ khi anh quyết định chọn âm nhạc thì triết học đi theo từng bước đường âm nhạc. Lựa chọn thể nhạc này, tìm kiểu phối khí kia, muốn truyền tải thông điệp gì, cần thể hiện cảm xúc ra sao hay muốn đưa mình và thính giả đi đến đâu, khám phá vùng âm nhạc nào... tất cả những câu hỏi mang tính tư duy này trở thành một “thao tác vận hành” mỗi khi anh bước vào một sáng tạo mới, “gần như của một người làm khoa học với hai câu hỏi thường trực làm vì mục đích gì và làm như thế nào”.
Sinh trưởng trong một gia đình trí thức, lớn lên cùng kiến thức và sách vở của cha mẹ phủ kín các bức tường, anh thừa nhận thừa hưởng, “một cách vô thức”, từ cha - học giả Lê Thành Khôi, tác phong của một nhà trí thức. “Nếu tôi theo thuyết thống nhất thế giới giống cha thì có lẽ do tôi luôn bị cuốn hút bởi những nền văn hóa mới lạ và chỉ thỏa mãn khi khám phá chinh phục những miền âm nhạc mới”. Không khí gia đình học thức và cởi mở ấy cộng với phương pháp giáo dục “không ép buộc, lắng nghe sở thích của con và tôn trọng lựa chọn của nó” như cha mẹ anh tâm sự, Nguyên Lê lớn lên như những cậu bé con nhà trung lưu giữa thị thành Paris. “Hồi đó, tôi chẳng quan tâm đến nguồn gốc của mình, đến Việt Nam hay văn hóa Việt, mà chỉ thích giống tụi bạn, nghe, đọc, học, chơi những thứ thời thượng của văn hóa phương Tây vào thập niên 1960-1970”. Tuổi thơ lớn lên trong một khu phố quần cư đa sắc tộc như là dự báo về sự giao thoa âm nhạc cho sự nghiệp sau này. “Tôi mất dần khả năng nói tiếng Việt khi đến trường. Hằng ngày, chơi cùng lũ bạn hàng xóm, gốc gác từ nhiều phương trời Á, Bắc Phi, Phi đen, Trung Đông..., chúng tôi chẳng nhận thấy sự khác biệt gì ở nhau”. Có lẽ sự hòa nhập với các nền văn hóa đã diễn ra trong anh tự nhiên từ hồi đó.
Sáng tạo là về nguồn
"Tôi có thể trò chuyện bằng âm nhạc với Việt Nam. Nếu tôi là niềm tự hào của người Việt và là đại diện của nhạc Việt trên thế giới thì đó là phần thưởng lớn dành cho tôi"
|
1991 là năm đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp của Nguyên Lê, không chỉ bởi đĩa nhạc cá nhân đầu tiên ra đời ghi dấu tên tuổi một nghệ sĩ mà chính sự ra đời này thôi thúc anh tìm kiếm tư duy sáng tác riêng để có thể “tự định nghĩa mình trong âm nhạc và khái niệm hóa sáng tạo của mình”. Những khúc nhạc ngẫu hứng mang âm hưởng của âm nhạc truyền thống Việt Nam hay Á châu điểm xuyết đâu đó trong album đầu tay. Nhưng đó chỉ là những thử nghiệm vì anh muốn đi đến tận cùng trong tư duy sáng tạo để giải đáp cho mình câu hỏi “Đâu là bí ẩn của âm nhạc Á châu?” “Đâu là linh hồn trong nhạc Việt?”. Khi đạt độ chín về kỹ thuật trình diễn ghi ta và am hiểu về jazz, hành trình tìm về nguồn, “ý thức và tự nguyện”, mà sau này anh gọi đó là tìm cho mình “Việt tính trong âm nhạc”, được Nguyên Lê vạch ra. “Đối với tôi, tìm được bản sắc cho riêng mình thì không có cách nào hay bằng tìm về nguồn gốc”. Anh bắt đầu tìm hiểu nhạc lý truyền thống Việt Nam, học chơi các nhạc cụ dân tộc qua bậc thầy như GS Trần Văn Khê hay bạn đàn Hạo Nhiên, hiểu giai điệu dân ca ba miền qua bạn diễn Hương Thanh...
Và đĩa nhạc Tales from
Vietnam (1996) chính là lời giải đáp cho câu hỏi đâu là bản sắc Nguyên Lê và đích đến trong hành trình về nguồn. Đủ tự tin và kinh nghiệm, anh làm một chuyến du hành về tuổi thơ qua âm hưởng những khúc hát mẹ từng ru cho anh nghe. Về với nguồn cội là “sáng tạo ra một thứ folklore tưởng tượng mang dấu ấn của những giao thoa đương đại”. Công trình này, mà có nhà phê bình coi là kiệt tác, thể hiện nội lực sáng tạo đầy cá tính và đến bất ngờ đưa thính giả vào một “miền âm nhạc Nguyên Lê”.
Việt tính trong âm nhạc
20 năm sau, chỉ tính riêng những nhạc phẩm lấy cảm hứng từ âm nhạc truyền thống, anh hoàn thành 6 đĩa nhạc. Nguyên Lê khẳng định đã tìm thấy cho mình Việt tính trong âm nhạc ở hai bình diện: soạn nhạc và chơi đàn. Với anh, “viết nhạc là một quá trình lao động lý trí đặt trong một không gian ảo và lý thuyết khi chưa được trình tấu”. Khi những bản soạn hay bản phối được trình diễn thì chúng được đánh giá là tạo nên âm sắc Việt trong nhạc jazz. Kỹ thuật chơi đàn của nhạc sĩ là Việt hóa ghi ta điện tử, một nhạc cụ hoàn toàn của phương Tây, bằng cách chơi trên những nốt luyến và phân nhịp thường gặp ở những nhạc cụ truyền thống. Để giải quyết sự không tương hợp giữa thang âm Việt và phương Tây, anh “uốn” nốt bằng cách sử dụng “ngón rung đặc biệt rất nhanh” hay cách “vuốt dây” ở một phần tư cung, tạo nên sắc âm Việt cho ghi ta. Ngón đàn kỳ tài này tạo nên trường phái của riêng Nguyên Lê khiến các nốt nhạc truyền thống Việt và nhịp - âm điệu jazz hòa hợp một cách huyền bí. Nhìn từ phương Tây, âm nhạc của anh “tinh tế, trí tuệ, có một cái gì đó rất Viễn Đông”. Ở anh, kế thừa truyền thống không chỉ là sở hữu mà còn là tiếp nhận kinh nghiệm của quá khứ để sử dụng trong hiện tại, biến nó trở thành ngôn ngữ của chính mình “vừa sáng tạo vừa riêng tư”.
Bây giờ, “tôi có thể trò chuyện bằng âm nhạc với Việt Nam. Nếu tôi là niềm tự hào của người Việt và là đại diện của nhạc Việt trên thế giới thì đó là phần thưởng lớn dành cho tôi”.
“Hồn phách” Nguyên Lê
Không chỉ làm nên Việt tính trong jazz, Nguyên Lê còn là bậc thầy giao thoa âm nhạc Phi-Á-Âu-Mỹ. Sáng tạo không ngưng nghỉ, trung bình mỗi năm một đĩa nhạc, Nguyên Lê sản xuất trên 20 đĩa CD với đủ vai trò: soạn, phối, thu và diễn. Vẫn trên đà phóng khoáng và tinh tế của jazz, anh tụ hội những đặc tính âm nhạc khác nhau đến từ nhiều nền văn hóa để tinh chế ra một thứ ngôn ngữ âm nhạc mà có người gọi là “World Jazz”. Thuần thục và điêu luyện, cách chơi của anh đạt đến độ sâu lắng và trữ tình, chạm đến linh hồn của âm nhạc. Thính giả có thể cảm nhận “một vài nốt nhạc đến từ phương xa bỗng rơi một cách diệu kỳ vào giữa hai điệp khúc jazz phức hợp, nhanh, sắc như một đường võ mà chưa một ai trước anh chơi được như vậy”.
Liệu có một “phương pháp Nguyên Lê” không? “Phương pháp thì không nhưng khái niệm thì có, nó là một điểm nhìn mang tính sắc tộc xuyên suốt, cái đó vô cùng tự nhiên trong tôi, tôi chỉ đưa cảm xúc của mình vào những khúc nhạc và tôi biết mình sẽ đi về hướng nào. Khi bạn thấu hiểu truyền thống thì bản sắc của bạn sẽ vận động, như vậy sự hợp nhất giữa truyền thống và đương đại nằm bên trong bạn tự lúc nào”.
Không đến Mỹ, quê hương của jazz, nhạc sĩ chọn Paris để lập nghiệp vì đây là thủ đô âm nhạc thế giới hội tụ các nghệ sĩ đến từ nhiều châu lục. Nơi đây, anh vừa thừa hưởng sự phong phú của các nền âm nhạc vừa góp phần tạo ra “sự đa dạng cho văn hóa Paris đương đại”. Nguyên Lê kế thừa, hiện đại hóa và sáng tạo ra chính mình. Cá tính âm nhạc Nguyên Lê được giới âm nhạc quốc tế công nhận mang tầm triết lý, vừa uyên bác vừa huyền diệu. Như một thành tố của văn hóa, chất trí tuệ trong âm nhạc anh hiện thân cho một vài trào lưu tư tưởng phương Tây từ mấy thập niên qua như đa văn hóa, toàn chủ văn hóa hay thống nhất thế giới. Sau khi CD Songs of Freedom (2011) ra đời, Nguyên Lê được coi là một huyền thoại với kiểu “biến tấu” con chữ “Lêgende”.
Bản chất jazz tương đồng với “thể tạng” Nguyên Lê, “hòa quyện giữa tự do, ngẫu hứng, cảm xúc với trí tuệ trong phức hợp của hòa âm và nhịp điệu”. Như anh nói, “Jazz là viễn du”: nhạc sĩ đưa đông sang tây, nối nam lên bắc, đưa ngoại biên vào trung tâm, làm nên thứ tổng phổ tương tác trong những khác biệt.
Nguyên Lê tên thật Lê Hồng Nguyên, sinh năm 1959, con trai học giả Lê Thành Khôi. Nguyên Lê tự học nhạc từ năm 15 tuổi và thành danh với jazz, được đánh giá là một trong những nhạc sĩ jazz sáng tạo nhất thế giới hiện nay. Anh được trao tặng Huân chương Quốc công bậc Hiệp sĩ (2011), giải thưởng Django Reinhardt của Nhạc viện Jazz. Anh tham diễn buổi hòa nhạc nhân Ngày quốc tế nhạc jazz lần đầu tiên UNESCO khởi xướng năm 2012.
|
(Theo Thanh niên)
|