ảnh minh họa
Bà Võ Thị Thắng sinh ra tại xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, Long An. Năm 1968, trong một lần ám sát hụt một tên mật thám, bà bị bắt, bị tòa tuyên án 20 năm khổ sai. Đáp lại lời hả hê tự đắc của thành viên Hội đồng xét xử: "Vậy là cuộc đời cô nữ sinh kể từ đây chôn vùi trong khám tối", bà Thắng đanh thép vặn lại: "Liệu chính quyền các ông có tồn tại đến 20 năm để cầm tù tôi không?". Và nụ cười rực rỡ, hiên ngang của cô nữ sinh trẻ tuổi đã được một phóng viên người Nhật kịp ghi lại.
Bức ảnh “Nụ cười chiến thắng” với câu nói ngắn gọn, đanh thép của cô gái miền Nam, nữ sinh trường Gia Long Võ Thị Thắng đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều sáng của văn nghệ sĩ trong nước và ngoài nước lúc bấy giờ. Đúng như câu nói của bà, chỉ 5 năm sau, lính Mỹ phải xách va li về nước. Ảnh chụp vào tháng 3/1973 tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo tinh thần bản Hiệp định Paris, kẻ địch buộc phải trao trả những người yêu nước bị chúng bắt, cầm tù. Người sinh viên yêu nước, chiến sĩ biệt động thành Võ Thị Thắng với “Nụ cười chiến thắng” nổi tiếng tại phiên tòa năm 1968 nằm trong nhóm cuối cùng của chiếc máy bay trao trả tù binh. Bà Thắng là người thứ 3 từ phải sang.
Bà Võ Thị Thắng (bìa phải) cùng các bạn tù chính trị nữ trong đợt trao trả tù binh tại Lộc Ninh tháng 4/1974.
Biên tập viên Hương Tuấn Vũ của Đài Giải phóng đã phỏng vấn Võ Thị Thắng khi bà vừa được thả tại sân bay Lộc Ninh năm 1974.
Bà Võ Thị Thắng được trao trả ở chính sân bay Lộc Ninh ngày 7/3/1974, trong đợt trao trả cuối cùng theo Hiệp định Pa-ri, mặc dù phía đối phương vẫn gây ra không ít khó khăn và trở ngại cho cuộc trao trả này.
Và sau này, khi ở cương vị là Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, bà Võ Thị Thắng vẫn luôn thể hiện khí phách "dám nghĩ dám làm" của một người con gái gan dạ năm xưa.
Vào lúc 8h20 phút sáng 22/8, bà Võ Thị Thắng, người phụ nữ có “Nụ cười chiến thắng” nổi tiếng, sau một thời gian lâm bệnh nặng đã qua đời tại TP.HCM, hưởng thọ 69 tuổi. "Nụ cười chiến thắng" của bà sẽ luôn sống mãi trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam.