Nguyễn Văn Hiếu quê ở Định Tường, Gia Định, tiếng là con của quan Cẩm y Chưởng vệ là Nguyễn Văn Đán nhưng nhà rất nghèo, thuở thiếu thời, ông từng phải đi cắt cỏ thuê để kiếm sống.
Năm Ất Tị (1785), ông theo Võ Tánh để phò Nguyễn Phúc Ánh, được Nguyễn Phúc Ánh tin dùng, phong mãi tới chức Tả doanh Đô thống chế, tước Lương Năng Bá. Nguyễn Văn Hiếu mất năm Gia Long thứ mười bốn (1815), thọ 69 tuổi.
Sinh thời, Nguyễn Văn Hiếu có tiếng là thanh liêm. Đức thanh liêm của ông được sách Đại Nam chính biên liệt truyện (Sơ tập, quyển 16) chép lại như sau:
“(Nguyễn Văn) Hiếu là người thanh liêm và quả quyết, cho hay nhận vật gì cũng đều thận trọng. Ông thường nghiêm cấm người nhà không được tự ý giao thiệp với người ngoài. Tết nhất hàng năm, ai biếu gì cũng chối từ, nhà quan mà xơ xác, lương bổng năm nào chỉ đủ chi dùng cho năm đó, chẳng dư dả gì. Phu nhân của ông thường đem việc này nói với ông, ông cười đáp rằng:
- Phu nhân không còn nhớ thuở còn đi cắt cỏ ư ? Cái ăn cái mặc giờ đây gấp đôi gấp năm ngày xưa, vậy mà còn muốn lấy của bất nghĩa để làm giàu ư ?
Phu nhân từ đó không còn nói đến chuyện lợi lộc nữa. Nguyễn Văn Hiếu tuy là quan võ nhưng lại có phong độ của Nho gia, cho nên, các tân khoa đều tới yết kiến. Ông thường tiếp đãi ân cần và hay nhân đó dặn rằng:
- Khổ công đèn sách mười năm mới có được ngày nay, xin mừng cho các bạn hiền. Ngày khác có ra làm quan, cũng nên sống như thuở nghèo khổ, chớ nên xa xỉ, vì như thế thì trước là hạ nhục thân danh, sau là uổng công kén chọn nhân tài của triều đình.
Khi làm quan, (Nguyễn Văn) Hiếu có nhiều đức tốt, được nhân dân rất yêu. Bọn lại dịch nếu làm điều không phải là ông nghiêm trị, khiến chúng rất sợ. Trong hạt có lắm trộm cướp, ông thân đem quân đi bắt. Bọn cướp răn bảo nhau rằng:
- Quan Trấn thủ nhân hòa, ấy là Phật sống, bọn ta nên kính cẩn mà lánh đi.
Ông tới đâu, bọn trộm cướp lánh xa đến đó. Năm Minh Mạng thứ hai (tức năm 1821 - NKT), Thánh Tổ Nhân Hoàng đế đi tuần du ở Bắc, nghe biết (Nguyễn Văn) Hiếu trị dân có tiếng tốt, liền cho triệu vào Thăng Long, cho thăng vượt cấp, thưởng cho một ống nhòm mạ vàng, một thanh gươm mạ vàng và một khẩu súng có nạm chữ vàng.
Năm thứ tư (tức năm 1823 - NKT) ông nhận chức Trấn thủ Thanh Hoa. Một hôm, có viên Thổ ti đem lễ vật rất hậu đến xin yết kiến, ông ôn tồn khước từ và sai mang về. Người đấy tớ ở dưới bếp biết được liền lẻn cửa sau ra, dọa nạt (viên Thổ ti) và nói dối là (ông) sẽ lấy một nửa. Việc bị phát giác, ông giận lắm. sai đem chém đầu ngay, bạn đồng liêu can ngăn mấy cũng không nghe. Chém xong, ông xin chịu tội với triều đình. Vua cho là (Nguyễn Văn) Hiếu tự tiện giết người, phạt ông phải giáng ba bậc nhưng vẫn cho lưu nhiệm chức cũ.
“…Năm thứ 10 (tức năm 1829 - NKT), vì già lại bệnh, ông xin được nghỉ chức, Vua cho y, lại còn cấp lương nguyên năm, nhưng rồi bệnh khỏi, ông vào hầu. Vua hỏi han hồi lâu rồi cho ông giữ chức Đô thống, Trấm thủ Nghệ An. (Nguyễn Văn) Hiếu biết rằng, bạn đồng liêu, hễ bắt được bọn trộm cướp, tra khảo mà chúng nhận, nếu sau thấy là chúng khai chưa hết thì lại tra khảo tiếp bèn nói:
- Chúng vì cùng khổ mà gian tà, cũng phải đục tường khoét vách gian nan lắm mới lấy được của. Nếu đã đem lòng thành thực mà nhận tội, chiếu luật xét xử thấy đã có thể đủ trừ được tội, thì việc gì cứ phải tra xét thêm nữa ? Như nha môn xét hỏi án ngục, ngày ngồi tựa gối ở nhà cao, coi thường văn luật để kiếm cớ thu tiền, không khó nhọc mà vẫn được của, thì sự cướp ấy còn tệ hại hơn.
Bạn ông nghe lời ấy thì sợ lắm.”
Lời bàn:
Có những người vợ nhân hậu và đảm đang, trong thì tế gia giỏi giang, ngoài thì giúp chóng làm nên sự nghiệp, lưu tiếng thơm cho muôn thuở. Tuy nhiên, cũng có những người vợ thiển cận, trong thì gia giáo coi thường, ngoài thì vì tham mà thôi thúc chồng nhúng tay vào tội, để tiếng xấu đến muôn đời. Cho nên, không biết tỉnh táo nhắc nhau dừng lại đúng chỗ phải dừng lại, thì dẫu có nặng tình bao nhiêu, đạo nghĩa vợ chồng cũng chẳng trọn. Như người vợ của Nguyễn Văn Hiếu, nếu chồng bà không phải là bậc thanh liêm, thì sự thể sẽ ra sao, không nói cũng rõ rồi.
Ở đời, chớ sợ người không biết tới ta mà chỉ sợ ta không xứng để được người biết tới mà thôi. Nguyễn Văn Hiếu làm quan, đến cả bọn bất lương cũng phải kính sợ mà lẩn tránh, người đời sao lại có thể không biết tới ông được ?
Bất chấp can ngăn, quyết chém tên đầu bếp dối trá và tham lam, tội tự ý giết người của ông tất nhiên là không thể bỏ qua được, nhưng người tốt khác với bức tượng tốt chính là ở chỗ này, nặng lời trách cứ ông, ắt cũng không phải lẽ.
Ngẫm lời ông tâm sự với bạn đồng liêu, thấy ông quà lả bậc giàu cả nhân lẫn trí. Sử chép lại lời ấy của ông, chí lí thay !
(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần )
|