Trang chủ Liên hệ       Thứ bẩy, Ngày 23/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người > Con Người Việt Nam >
  “Nắng Mai” ở Võ Nhai “Nắng Mai” ở Võ Nhai , Người xứ Nghệ Kiev
 

Có nằm mơ, những người đàn bà người Tày, người Dao không học thức, không việc làm, lam lũ chịu đựng những ông chồng nát rượu ở thị trấn Đình Cả (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) cũng không dám mơ một ngày sẽ trở thành xã viên có thu nhập ổn định của hợp tác xã vệ sinh môi trường Phú Cường. Cái đòn bẩy đưa hợp tác xã (HTX) từ tình trạng hoạt động không hiệu quả, nợ lương xã viên, thành một HTX lớn mạnh, nền nếp cũng như “cứu cánh” của những người đàn bà đau khổ nói trên chính là Ngô Thị Mai - cô chủ nhiệm người dân tộc Tày. Họ nói tên cô như người. Cô là “ban mai”, là ánh nắng sớm mang đến sự đổi thay cho cả thị trấn...


Niềm vui trên gương mặt những nữ xã viên người Tày, người Dao bên người chủ nhiệm mà họ rất mực yêu quý và biết ơn. Ảnh: Giang Thùy Linh
Niềm vui trên gương mặt những nữ xã viên người Tày, người Dao bên người chủ nhiệm mà họ rất mực yêu quý và biết ơn. Ảnh: Giang Thùy Linh

Hỏi nhà chị Mai, bà bán vải người Dao ở ngã ba nhiệt tình chỉ đường và tranh thủ kể: “Cô Mai chủ nhiệm ở đây ai mà chả biết. Cô ấy xinh, hiền mà làm được ối việc tốt đáo để đấy. Đã thế, chồng làm giám đốc nhé, hai đứa con lại đang học đại học”. Một bà khác kể thêm rằng, trước kia chị Mai làm kế toán cho một DN, mở thêm cửa hàng buôn bán đồ gia dụng. Cuộc sống của chị chắc sẽ nhẹ nhàng như thế mãi nếu chị không được giao nhiệm vụ phụ trách HTX vệ sinh môi trường của thị trấn, lúc này đang gặp khó khăn lớn về tài chính, có nguy cơ tan rã. Mặc mọi người can ngăn là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, chị Mai hăng hái nhận nhiệm vụ, rồi từng bước vạch kế hoạch, vực dậy các hoạt động cho HTX...
Cuộc chiến chống rác thải

Chị Mai để lại ấn tượng tốt với người đối diện bởi sự vô tư, nghĩ suy giản dị, không câu nệ. Dường như, chị không coi những khó khăn là vấn đề đáng để bận tâm. “Ôi trời, người dân họ không chịu nộp lệ phí thu gom rác thải, rồi có người còn rình ban đêm đổ trộm rác vào thùng của HTX. Có những lúc mình chán lắm. Ai cũng lắc đầu bảo mình, thôi, bỏ đi. Tưởng là bỏ cuộc cơ đấy. Thế mà rồi lại đâu vào đấy cả” - chị kể về những ngày đầu khó khăn khi tiếp quản HTX vệ sinh môi trường Phú Cường.

Chị rùng mình nhớ lại cảnh những đống rác khổng lồ cứ ùn tắc, bốc mùi xú uế trên các con đường của thị trấn, nhất là khi trời mưa, nước cống rãnh đen ngòm đem theo rác, nylon đổ hết về suối. “Mình nhớ, lúc đó ông xã mình bảo, anh đồng ý để em làm chủ nhiệm chỉ vì anh sợ bẩn thôi đấy”. Được chồng động viên như thế, chị Mai càng quyết tâm phải “đánh bật” rác ra khỏi môi trường sống - điều mà trước nay chưa ai làm được ở thị trấn miền núi heo hút này. Chị dành nhiều thời gian nghiên cứu luật môi trường, học tập các mô hình ở các địa phương khác rồi tham mưu cho huyện, đưa luật môi trường vào hương ước của các bản, các làng.

Chị Mai nhớ lại: “Mới đầu, tôi phải trực tiếp cùng các xã viên đi từng bản, gõ cửa từng nhà vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu. Nhiều nhà chả muốn tiếp mình đâu”. Rồi chị quyết dùng hành động để làm thay đổi suy nghĩ của họ. Bây giờ, phố xá đã sạch tinh tươm, chị Mai tự hào đưa tôi “tham quan” khắp nơi. Chị còn bì bõm vượt đường đất đỏ lầy lội, trơn thuồi luội, kéo tôi lên tận khu tập kết rác thải sâu tít trên núi cao để khoe công trình xử lý rác đang sắp hoàn thành. Mùi xú uế bốc lên nồng nặc, tôi bịt mồm, bịt mũi đến ngạt thở, chị Mai thì cứ xăng xăng kể: “Tất cả rác thải của trung tâm huyện và các xã lân cận đều tập kết về bãi rác Hùng Sơn này để xử lý. Cô xem, chừng này rác có thể vùi lấp cả thị trấn Đình Cả ấy chứ”.

Rồi chị kéo tay tôi đến bên dòng suối trong vắt chảy ngang qua trước cửa nhà mình. Bất ngờ chị thả cả chân lẫn đôi giày mới tinh lấm lem bùn đất xuống suối rồi cười lớn: “Cách đây không lâu, con suối này bị ô nhiễm nặng và mùi thối của nó là ác mộng đối với người dân ở đây. Tuy nhiên, từ ngày HTX vệ sinh suối thường xuyên, giờ nước suối trong và mát lắm, cô thử đi...”.

“Mình không có gì cho các chị ấy ngoài công việc”

Chỉ một thời gian ngắn là HTX vệ sinh môi trường Phú Cường đi vào nền nếp và dần ổn định. Nhưng điều chị Mai trăn trở nhất vẫn là thu nhập của công nhân quá thấp, không bù lại được những khó khăn khuya sớm của họ. Hằng ngày, họ dậy từ 3h sáng, đi khắp các đường phố, ngõ ngách, bản làng để thu gom rác thải sinh hoạt. Nửa đêm canh ba đang yên giấc, chị Mai bỗng giật mình nghe tiếng chổi quẹt quẹt, tiếng đẩy xe thùng rổn rảng, chị lại trằn trọc không ngủ được, nghĩ thương những người công nhân của mình.

Suy đi tính lại, bàn bạc với chồng, chị Mai quyết định bỏ tiền túi đầu tư vào dây chuyền sản xuất gạch không nung - một loại gạch đang được khuyến khích sử dụng, vì dây chuyền sản xuất an toàn với môi trường, tạo điều kiện cho các xã viên được làm việc, có thu nhập ổn định. Chị Dinh - xã viên của HTX - xúc động kể: “Mai coi chúng tôi như chị em, như gia đình của mình. Những hôm chồng con vắng nhà, cô ý lại đi chợ, mang thức ăn xuống xưởng gạch, nấu cơm ăn chung với chúng tôi”.

Những viên gạch đều đặn được làm ra bởi những bàn tay nứt nẻ, thô ráp của các chị công nhân cứ như có một sự thu hút lạ với khách hàng. Chị Dự - xã viên đang làm gạch - khoe: “Chủ nhiệm của chúng tôi năng động lắm nên người ta cứ đặt hàng suốt, chúng tôi làm không hết việc. Ngày trước đói nghèo, cơm không có mà ăn, giờ chúng tôi được hưởng mỗi người “2 lương” nhé, chưa bao giờ tôi nghĩ mình có thể đi làm ra tiền được như thế này”.

Công việc ở xưởng gạch thuận lợi, thu nhập của công nhân tăng lên trông thấy. Cuộc sống của họ vì thế mà ổn định và no đủ. Chị Mai vừa xăng xái đi kiểm tra từng viên gạch thành phẩm, rồi lén nhìn sang những người chị em thật thà, quê mùa của mình mà mỉm cười hiền hậu: “Mình không có gì cho các chị ấy ngoài công việc...”.

“Các chị ấy đau, tôi ăn cơm cũng không thấy ngon”

8 nữ xã viên của chị là những người đàn bà hiền lành, chịu thương chịu khó, chiều chồng thương con, nhưng số phận của họ lại thật éo le. Người thì bị chồng đánh đập tàn nhẫn, cầm cẳng chân lôi xềnh xệch từ trên giường xuống, bầm giập tím tái cả người. Chị thì nai lưng gánh vác mọi việc lớn nhỏ trong gia đình, trong khi ông chồng chỉ suốt ngày ngồi một xó nhà với chai rượu.

Có chị đi làm đầu tắt mặt tối, về đến nhà không thấy chồng đâu lại xổ đi tìm, tìm thấy rồi, lại còng lưng cõng chồng về nhà, vì anh ta say không còn nhớ đường về nữa. Có chị phải đi ở nhờ nhà người quen, vì chồng say rượu đốt trụi thùi lụi cả mái nhà gianh... Tâm sự với tôi, các chị người thì khóc thút thít, người thì mặt đỏ tía tai vì xấu hổ. Một chị xã viên tên là Mai buồn rầu nói: “Đằng sau quần áo đẹp này là vết tím, vết bầm. Chỗ nào không che đậy được thì đành chịu thôi”.

Nghe vậy, chủ nhiệm Ngô Thị Mai bức xúc nói lớn: “Đàn ông uống rượu tối ngày, đàn bà làm việc nuôi gia đình, nó gần như là cái lệ ở các xã miền núi. Chồng đã không chia sẻ được gánh nặng kinh tế, lại còn hành hạ về tinh thần. Các chị ấy đau, tôi ăn cơm cũng không thấy ngon”. Chị bảo, đời sống vật chất cho công nhân của mình, đến thời điểm này thì chị lo được, nhưng chính đời sống tinh thần của họ thì giống căn bệnh nan y, chữa không dứt được... Chị Thủy - xã viên của HTX -tiếp lời: “Nói vậy thôi chứ từ ngày tham gia vào các hoạt động của HTX, được giao lưu trong các hoạt động xã hội cùng cô Mai, chúng tôi thấy hiểu biết, mạnh dạn và yêu đời hơn trước rất nhiều...”.

Năm nay đã hơn 40 tuổi, nhưng chị Mai vẫn đi học đại học quản lý kinh tế và trung cấp chính trị. Chị học mãi vì lý do: Nếu không có trình độ và hiểu biết thì không có cách nào giúp được người phụ nữ thoát khỏi nghèo đói, vất vả và những hệ luỵ từ tập quán lạc hậu của đồng bào miền núi. Hiện nay, chị Mai là Chi hội phó Chi hội Phụ nữ phố Đình Cả, Uỷ viên Ban chấp hành Hội Phụ nữ huyện Võ Nhai, Uỷ viên Ban chấp hành Vì sự tiến bộ phụ nữ Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên. Vừa rồi, HTX vệ sinh môi trường Phú Cường thành lập chi bộ Đảng và Công đoàn cơ sở. Chị Ngô Thị Mai được bầu làm Bí thư chi bộ và chủ tịch Công đoàn. Đây là tổ chức Đảng và Công đoàn khối doanh nghiệp tư nhân đầu tiên ở huyện Võ Nhai được thành lập từ trước đến nay.

Đạt được nhiều thành tích, lại có tấm lòng đáng quý là vậy, thế mà chị Mai lại rất khiêm tốn: “Việc mình làm được nó vô cùng nhỏ bé thôi, có gì đáng nói đâu. Nếu không có sự giúp đỡ của chính quyền huyện, thị trấn, chắc mình không thể làm nổi đâu...”.

Lời bình: Tác giả không “công khai” thu nhập hằng tháng của các chị công nhân của HTX Phú Cường, nhưng người đọc vẫn nhận ra sự “ổn định” của họ trong cuộc sống qua từng lời thoại của các chị với tác giả. Đó là cái “khéo” của người viết vậy. Chị Mai cũng không “cứu” những người phụ nữ trong phóng sự này khỏi cảnh bần hàn bằng công việc dọn rác, mà đã giải thoát cho họ bằng chính cái lò gạch do chị đầu tư bằng tiền túi của mình, một lối rẽ bất ngờ của tác giả khi dựng chân dung nhân vật. Nhưng điều neo lại với người đọc lại là chuyện “dọn rác” của họ với những cách làm không giống ai của chị chủ nhiệm, như chuyện đưa vào hương ước chẳng hạn. Dọn rác để làm sạch thị trấn, dọn luôn “rác” trong gia đình mình - những ông chồng nát rượu - giỏi thay!


  Các Tin khác
  + 7 điều tuyệt diệu khiến bạn luôn tự hào khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam (11/08/2024)
  + Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/07/2024)
  + Ai là người đặt tên đất nước ta là Việt Nam: Ý nghĩa là gì? (30/06/2024)
  + Hình ảnh thiêng liêng lễ diễu binh ở Thị trấn Trường Sa (08/06/2024)
  + Trường Sa luôn đặc biệt từ những điều nhỏ nhất (26/05/2024)
  + Thế trận Đường Trường Sơn góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch mùa Xuân 1975 (18/05/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/2024)
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
  + Hiệp định Paris - thành quả đấu tranh kiên cường, bất khuất và hy sinh to lớn của quân dân Việt Nam (17/01/2023)
  + Cánh đồng Tà Pạ đẹp lạ như phim, dân mạng đang “phát sốt” tìm xem ở tỉnh nào của miền Tây (23/12/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 65113631

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July