Đó là khi mẹ tất bật ra đồng từ khi gà chưa thức...
“ …Những trưa tháng 6
nước như ai nấu, chết cả cá cờ
cua ngoi lên bờ, mẹ em xuống cấy…”
Chắc hẳn những câu thơ, câu hát thân quen đó vẫn còn vang vọng trong trái tim mỗi người, những người của “thế hệ trước”. Cho tới tận bây giờ những câu hát ấy vẫn được vang lên trong tiếng ru của bà, của mẹ trong những buổi trưa hè. Nơi miền quê xa xôi ấy vẫn có những cánh đồng bát ngát, vẫn có tiếng sáo diều của trẻ chăn trâu. Và chắc hẳn ai cũng nhớ…
Từ bao đời nay, cứ mỗi độ tháng 6 âm lịch, khi cái nắng chói chang của mùa hè nhuộm vàng óng trên những cánh đồng, đó là khi bà con nông dân Bắc bộ lại tất bật chuẩn bị cho việc gieo cấy vụ mùa mới.
Mẹ thì tất bật với những gánh mạ từ khi gà gáy, còn cha thì luôn miệng: “vất!”, “diệt!” để lái con trâu cho đường bừa thêm thẳng. Xa xa đâu đó là tiếng cười đùa của lũ nhóc, chúng cũng ra đồng phụ giúp gia đình việc be bờ, nhặt cỏ. Những hình ảnh đó đã đi sâu vào tiềm thức mỗi người dân Việt Nam và là đại diện cho hình ảnh về làng quê Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Ngày nay, hình ảnh con trâu, cái cày, cái bừa... đã được thay thế bằng máy móc hiện đại. Nhưng những hình ảnh về người cha, người người mẹ ngoài đồng thì mãi mãi không thể thay thế. Đâu đó vẫn phảng phất mùi mồ hôi pha lẫn mùi bùn nồng nồng ấy. Nó khó tả và khiến ta nhớ mãi… Khi đó hình ảnh về làng quê Việt Nam càng trở nên đậm nét.
Ngày nay, khi những miền quê tất bật vào vụ, cũng là lúc kỳ thi đại học bắt đầu. Những người cha, người mẹ đã từng tất bật nay lại thêm lo toan bộn bề.
Để tôi kể bạn nghe chuyện quê tôi vào vụ…
...là khi bố tỉnh giấc sau buổi cày mệt nhọc, giúp mẹ những nắm mạ đẫm sương đêm...
Khi cái nắng chói chang bắt đầu ló rạng...
...là khi chồng cày, vợ cấy...
...là khi quê hương còn nâu màu đất....