Không phải ai cũng biết cuộc đời như một câu chuyện “cổ tích” của Ni trưởng trụ trì Thích Đàm Ánh.
Ni trưởng Thích Đàm Ánh đã 87 tuổi nhưng vẫn còn khỏe và không quên làm từ thiện
|
Nhiều người biết đến chùa Phụng Thánh (phố Khâm Thiên, Hà Nội) nhưng không phải ai cũng biết cuộc đời như một câu chuyện “cổ tích” của Ni trưởng trụ trì Thích Đàm Ánh
Tuổi thơ “xưa nay hiếm”
“Khi mới sinh ra, tôi như một cục thịt tròn vo, màu tím, suýt bị chết ngạt vì nhau thai cứ quấn chặt quanh cổ. Bà ngoại quả quyết tôi là con “cầu tự” ở chùa Hương nên đã không cho tôi nằm trên chiếu vì chiếu để đít người ta ngồi, phải tìm thợ mua gỗ đóng ván cho tôi. Kỳ lạ thay, ván vừa đóng xong, tôi đang tím đen liền đỏ hỏn. Từ đó mọi người gọi tôi là bé Đỏ” - Ni trưởng Đàm Ánh kể lại.
Sinh ra được mấy tháng thì bố mẹ bé Đỏ bỏ nhau. Bố đi theo người đàn bà khác còn mẹ bỏ đi biệt xứ, bé Đỏ từ ấy sống với bà ngoại. Có những đêm bé Đỏ khát sữa, bà phải bế cháu đi khắp làng xin sữa nhưng Đỏ nhất định không chịu “bú chực”.
Bà ngoại chỉ biết chẻ mía ra đun lấy nước ngọt cho bé uống. Rồi khi bé không ăn cháo, bà nhai gạo sống trong nước mắt để mớm cho đứa bé vừa sinh ra đã phải xa cha mẹ.
Ngay từ khi lọt lòng mẹ, bé Đỏ đã không ăn được đồ mặn. Cứ ăn đồ mặn là bé bị ốm sốt miên man. Bà ngoại sợ hãi liền bế cháu lên chùa gần nhà, hàng ngày chỉ là cháo trắng với nước cơm. Cô bé biết ăn chay từ ngày ấy.
Năm lên 5 tuổi, mẹ bé Đỏ bỗng dưng trở về và mang bé lên Lạng Sơn cho vào ở một nhà địa chủ. Không cam chịu cảnh ở nhà người, bé quyết tâm chạy trốn. Bé Đỏ vốn thông minh, nhanh nhẹn nên trong một lần người ta chở mía xuống Bắc Giang bán, bé Đỏ nhảy lên xe trốn sau một đống mía.
“Tôi cứ nấp sau đống mía, đến lúc gần về nhà bà ngoại thì lại tình cờ gặp bà hàng xóm cứu tôi năm nào đưa tôi về nhà bà ngoại” - Ni trưởng Đàm Ánh cho hay.
Sống với bà ngoại được ít ngày, thương cháu nhưng bà đành phải gửi bé Đỏ nương nhờ nơi cửa Phật, xuống tóc đi tu và trở thành tiểu Thích Đàm Ánh, tu ở một ngôi chùa tại Bắc Giang.
Có duyên kiếp với nhà Phật sau bao thăng trầm, từ năm 1974, tiểu Đàm Ánh đã trở thành Ni trưởng trụ trì chùa Phụng Thánh.
... và trở thành đệ nhất nấu cỗ chay
Nói đến cỗ chay ở Hà Nội trong những ngày lễ của Phật giáo như Vu Lan, Phật Đản, rằm tháng Giêng... Phật tử gần xa ai cũng nghĩ đến tài nấu ăn bách nghệ của Ni trưởng Thích Đàm Ánh. Người luôn thể hiện tài năng của mình qua việc chế biến món cỗ chay “riêng và độc” mà không ai có.
Ngoài việc nấu cỗ chay trong các Phật sự, Ni trưởng Thích Đàm Ánh còn làm tiệc chay cho khách hàng để lấy công đi làm từ thiện.
|
Theo quan niệm đạo Phật thì ăn chay là để trưởng dưỡng lòng từ bi, loại bỏ tham, sân, si... Vì vậy, mỗi món ăn chay do Sư cụ tạo nên luôn mang những nét đặc trưng, hấp dẫn và lôi cuốn người ăn. Đặc biệt là nếu mâm cỗ mặn có món gì thì mâm cỗ chay cũng có món đó.
Nhân chuyến thăm chính thức nước ta của cố Thủ tướng Gandhi, đoàn có đề nghị muốn được thưởng thức một bữa tiệc chay mang đậm phong cách Việt. Sư cụ Đàm Ánh được nhà nước Việt Nam ủy thác làm việc này. Bữa tiệc đó được bà Thủ tướng Ấn Độ hoan hỷ và tán thán khi thưởng thức món cốm, thịt gà làm từ măng và cá sốt chua ngọt chế tác từ hoa chuối.
“Bao nhiêu năm nấu cỗ chay, món nào cũng đã từng làm nhưng bữa cỗ do chính tay mình làm nhân buổi chiêu đãi đoàn khách cấp cao Ấn Độ tới Hà Nội vẫn là kỷ niệm đi suốt cuộc đời tôi” - Sư cụ Thích Đàm Ánh vui vẻ chia sẻ.
Từ năm 1974 đến nay, Ni trưởng Thích Đàm Ánh làm trụ trì chùa Phụng Thánh. Ngoài việc tụng kinh niệm Phật, trông coi tu sửa chùa, Ni trưởng Đàm Ánh còn tích cực tạo ra của cải vật chất để làm từ thiện khắp nơi với số tiền hàng tỷ đồng.
Với những việc thiện đã làm, năm 2006 Ni trưởng Thích Đàm Ánh đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba, được trao chứng nhận và vinh danh Tấm lòng vàng 250 lần.
|
Theo Bee
|