Viết tặng chú - Liệt sĩ ĐINH NGỌC DOANH
QĐND Online - Ngay từ tấm bé, hình ảnh chiếc ba lô bộ đội đã in vào tâm trí của tôi. Đó là chiếc ba lô của chú - người lính đảo xa rất ít được về thăm nhà. Nỗi nhớ quê hương đầy ắp của chú được gói ghém vào những lá thư gửi về cho ông bà và trong đó chú cũng dành riêng cho tôi cả một khoảng biển trời bao la. Chú thường kể về cuộc sống thiếu thốn trên đảo, về hình ảnh người lính hải quân oai phong canh biển giữa mênh mông trùng khơi với những bông hoa muống biển tím biếc, cụm san hô đỏ và cả đàn Hải Âu trắng làm bạn... Sau này đi học, biết đọc, biết viết tôi thường đọc đi đọc lại rất nhiều lần những lá thư ấy.
|
Chú Đinh Ngọc Doanh và con gái trong lần về phép trước lúc hy sinh tại đảo Gạc Ma năm 1988.
|
Trong sâu thẳm ký ức, khi tôi khoảng 4-5 tuổi, đó là lần về phép đầu tiên của chú, tôi thường được chú cõng trên lưng hoặc công kênh lên trên vai mỗi khi đi chơi thật là thích...
Vào một buổi chiều nắng dát vàng trên con đường làng quê năm 1987 khi chú được về phép. Chú mang theo hai chiếc ba lô, bên trong đựng bao nhiêu là quà, nào là xoài Nha Trang, chôm chôm, măng cụt, những túi kẹo Hải Hà và cả bánh xà bông thơm mà tôi chưa từng nhìn thấy. Thật sung sướng biết bao khi tay cầm nắm kẹo đi khoe với lũ trẻ hàng xóm là “quà của chú tớ đấy!”. Cái tuổi vô tư của trẻ thơ tôi đâu biết rằng, đó là lần cuối cùng tôi được gặp chú, được ăn quà của chú.
Tháng 3, hoa gạo đỏ rực góc trời làng quê tôi cũng là lúc trên đài báo đưa tin về cuộc xâm lấn của Trung Quốc trên cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao... Cả gia đình nín lặng từng ngày, từng giờ theo dõi tin tức về nơi đảo xa. Ngày 14-3-1988, cả gia đình tôi lặng người đi khi nghe đài đọc tên liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh, quê Ninh Khang (Hoa Lư, Hà Nam Ninh) trong danh sách các chiến sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Tuổi thơ tôi chưa từng chứng kiến sự mất mát, nhưng tôi thấy đau lắm nơi con tim. Một niềm hy vọng: Có thể sóng đánh trôi dạt chú vào đâu đó và một ngày chú sẽ trở về... Nhưng niềm hy vọng mong manh ấy của tôi không bao giờ thành hiện thực khi chú tôi cùng 63 liệt sĩ khác đã vĩnh viễn nằm lại nơi biển đảo xa xôi...
Chiếc ba lô, “gia tài” của người lính được gửi về gia đình. Mỗi lần nội nhớ chú lại nhìn chiếc ba lô và khóc. Dường như nỗi đau đã làm cạn kiệt sức chịu đựng của nội khi nội có 4 người con trai đi bộ đội thì 2 người hy sinh (một bác hy sinh ở chiến trường miền Nam). Rồi một ngày nội mang chiếc ba lô của chú thả xuống khúc sông trước cửa nhà. Mãi sau này tôi mới hiểu tại sao nội hay ngồi lặng lẽ trên bến sông lúc chiều tà như gửi cả nỗi niềm thương nhớ chú theo dòng nước nhỏ. Chiếc ba lô - đó là vật gắn liền với đời lính. Chính vì thế, tôi đã coi chú là thần tượng và yêu bộ đội, tôi cầu mong rằng bộ đội thời nay không bao giờ còn phải đổ máu nơi chiến trường như thế nữa.
Mỗi khi trên đài phát đi những ca khúc về Trường Sa thân yêu, tôi lại nhìn thấy chú mặc bộ quân phục hải quân đứng ở mũi tàu đang lướt sóng tươi cười vẫy gọi tôi. Và đâu đó trong sâu thẳm, tôi lại trào dâng niềm yêu thương gửi về biển.
Cháu gái ĐINH THỊ MINH
GP. Bank Ninh Bình
Nguồn QDND.VN
|