(Dân trí) - Mẹ già, con thơ, kinh tế gia đình đang khó khăn… nhưng anh Nguyễn Hoàng Sa vẫn sẵn sàng gạt hết mọi lo toan, hăng hái đăng ký ra Hoàng Sa, cùng các chiến sĩ, ngư dân bảo vệ mảnh đất nơi cha anh đã ngã xuống trong trận hải chiến 1974.
Kiên định thủy chung với chồng
Vào những ngày toàn dân hướng về Hoàng Sa, PV Dân trí có dịp đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Lựa – một góa phụ 40 năm thờ chồng là tử sĩ Nguyễn Thành Trọng (một trong 74 tử sĩ Việt Nam Cộng hòa đã hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974) sống tại ấp Thới Khánh, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai TP Cần Thơ.
Vừa gặp chúng tôi, bà Lựa hỏi thăm: “Trung Quốc rút giàn khoan chưa cháu?”. Sau câu hỏi đầy tính "thời sự", bà Lựa chia sẻ nhiều suy nghĩ về hành động Trung Quốc ngang ngược xâm chiếm lãnh thổ của Việt Nam. Bà kể: “Cách nay đúng 40 năm, chồng tôi và các chiến sĩ khác không thể chấp nhận hành động xâm chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc nên đã chiến đấu quyết giành lại mảnh đất giữa trùng khơi của Tổ quốc. Dù trận chiến ấy thất bại nhưng cho thấy rằng, từ đời nào chúng ta đã không nhân nhượng, quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ lãnh thổ của đất nước”.
Bà Nguyễn Thị Lựa – vợ tử sĩ Nguyễn Thành Trọng đã hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974.
Ngày nào bà Lựa cũng nghe ngóng thời sự về tình hình biển Đông. Trong đôi mắt nhăn nheo đã mờ vì tuổi tác vẫn ánh lên những tia sáng sắc sảo. “Hoàng Sa là lãnh thổ của Việt Nam. Các bạn trẻ hãy kiên định, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, một lòng đoàn kết và sẵn sàng lên đường bảo vệ Tổ quốc khi đất nước cần”, bà nhắn nhủ lớp trẻ.
Khi chồng bà Lựa hy sinh trong trận hải chiến 1974, bà vừa tròn 20 tuổi và đang mang trong mình giọt máu của chồng, sau này sinh ra được bà đặt tên Nguyễn Hoàng Sa. Tuổi xuân đang phơi phới, người chồng vĩnh viễn ra đi, gánh nặng gia đình đổ lên vai nhưng vì yêu chồng, thương con, bà Lựa kiên định thủy chung, ở vậy suốt 40 năm qua, một mình nuôi con khôn lớn.
Nói về cái tên Nguyễn Hoàng Sa của người con trai, bà Lựa chia sẻ: “Chồng tôi đã hy sinh trên mảnh đất Hoàng Sa, lúc đó tôi đau đớn tột cùng và muốn mình nhớ mãi sự hy sinh của chồng nên tôi đã đặt tên cho đứa con đầu lòng mà anh Trọng chưa kịp gặp mặt là Nguyễn Hoàng Sa. Đồng thời, qua cái tên, tôi cũng nhắc nhở con biết đến mảnh đất Hoàng Sa là của đất nước Việt Nam và bằng chứng là cha nó cùng các chiến sĩ khác đã ngã xuống để bảo vệ mảnh đất đó”.
Sẵn sàng lên đường khi Tổ quốc cần
Người con trai Hoàng Sa chia sẻ: “Trước đây ít ai để ý đến cái tên của tôi, nhưng từ ngày Trung Quốc ngang ngược đặt giàn khoan Hải Dương – 981 ở thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của nước mình, đi đâu, anh em bạn bè đều hỏi thăm, bàn tán về tình hình biển Đông với một tâm trạng chung “hết sức sốt ruột”. Tôi dù tuổi đã lớn nhưng cũng như anh em sẵn sàng lên đường bảo vệ tổ quốc đến cùng”.
Anh Hoàng Sa mang cái tên nhắc nhở đến sự hy sinh của lớp người đi trước để bảo vệ vùng biển đảo quê hương
Mấy năm qua, gia đình anh Hoàng Sa sống tạm nhờ vào quán kinh doanh ven đường. Gần đây kinh tế khó khăn, anh cho biết sẽ chuyển sang thu mua ve chai. Nhưng anh một lần nữa khẳng định: “Tính là tính vậy, nhưng khi Tổ quốc gọi là tôi gạt hết mọi chuyện, lên đường ngay!”.
Nguyễn Hành
|