Lịch sử Việt Nam đã ghi nhận nhiều cuộc hải chiến, đối đầu chống giặc ngoại xâm oai hùng và bi thương trên biển.
Nhưng, những cuộc đối đầu trực diện khi thực hiện chấp pháp bảo vệ chủ quyền trên vùng biển Hoàng Sa của lực lượng kiểm ngư và cảnh sát biển Việt Nam với các tàu hải cảnh, hải giám, ngư chính, hộ vệ tên lửa Trung Quốc trong suốt hơn 20 ngày qua là những "trận đánh" kỳ lạ nhất mà tôi được biết.
“Anh ra muộn mất rồi…”
Sau khi “chuyển quân” sang tàu 763 được an toàn, chưa kịp chào hỏi các thành viên trên tàu, tôi đã ngủ vùi sau một đêm gần như thức trắng trước đó. “Nhà báo ơi, dậy đi ra ngoài cho thoáng” - kiểm ngư viên tên Nam lay tôi dậy với nụ cười thân thiện.
“Anh ra muộn mất rồi. Mấy hôm trước tình hình ở đây căng thẳng, ly kỳ như trong phim hành động. Căng đến mức có lúc chúng tôi tưởng chiến tranh đã đến nơi. Nhưng mấy hôm nay thì khác, không hiểu sao tàu Trung Quốc không còn chủ động gây hấn với tàu mình như trước nữa”.
Tàu chao như đưa võng. Tôi phải “bò” ra ngoài với thoáng hụt hẫng sau khi nghe “anh ra muộn mất rồi”. Đập vào mắt tôi là “quái vật” Hải Dương 981 bốn bề đầy nanh vuốt với cái đầu nhọn đâm chọc lên đầy thách thức ở khoảng cách hơn 10 hải lý, chung quanh có hàng chục tàu Trung Quốc bảo vệ. Tàu 763 chúng tôi lúc này đang thả trôi trước mặt “quái vật”.
Nhiều tàu hải cảnh Trung Quốc đang vây một tàu kiểm ngư của Việt Nam đang làm nhiệm vụ chấp pháp bảo vệ chủ quyền lãnh hải trên biển Hoàng Sa. ảnh: H.V.M
Trên boong, các kiểm ngư viên đang tắm gội, trêu đùa, kỳ cọ lưng cho nhau bằng đế của những chiếc dép nhựa. Khung cảnh đẹp và yên bình tới mức tôi ngỡ mình đang ở trên một du thuyền nào đó chứ không phải con tàu tham gia chiến dịch đẩy đuổi “quái vật” ra khỏi vùng biển Hoàng Sa, điểm nóng đang làm sục sôi triệu triệu trái tim Việt. Nhưng vẻ bình yên đó chỉ kéo dài đến hết đêm hôm ấy.
Cận cảnh một "trận chiến"
Sớm hôm sau, khi tôi vừa phát hiện trên mạn phải tàu kiểm ngư 763 có một băngrôn viết bằng chữ Tàu đại ý “đây là vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc hãy rút tàu và giàn khoan hạ đặt trái phép ra khỏi khu vực...” thì đã nghe sau lưng có tiếng loa phát bằng tiếng Việt lơ lớ: “tàu cá 763 hãy rời khỏi khu vực này, nếu không chúng tôi sẽ tiến hành bắt giữ...” được phát đi từ tàu hải cảnh số hiệu 3401 cách khoảng 2 hải lý đang chĩa mũi lao đến tàu kiểm ngư 763. Chuông báo động rung lên. Mọi người trên tàu ai nấy vào vị trí sẵn sàng ứng phó.
Gần 30 phút sau đó, hải cảnh 3401 vẫn lỳ lợm bám theo tàu kiểm ngư 763 để lải nhải xua đuổi khiến máu trong người tôi sôi lên.
Đến 8 giờ, chuông báo động rung lên lần nữa. Tôi cầm máy ảnh lao lên đài chỉ huy. Lúc này có đến 3 con hải cảnh đang lao đến tàu kiểm ngư 763 với thế trận bao vây từ hai bên và khoá đuôi.
“Mọi người vào vị trí, chuẩn bị đóng cửa tránh vòi rồng” - lệnh được phát đi từ thuyền trưởng Nguyễn Nam Hải. Không khí bắt đầu căng thẳng. Tàu kiểm ngư 763 được lệnh nổ cả 3 máy để tăng tốc, nhưng tàu họ còn tăng tốc nhanh hơn bởi nó to hơn, khoẻ hơn tàu kiểm ngư 763 đến 4 - 5 lần. 8 giờ 30, khoảng cách lúc này giữa các tàu là 5 hải lý, rồi 4 hải lý, 3 hải lý, 1 hải lý...
Tàu kiểm ngư 763 - nơi phóng viên Báo Lao Động tác nghiệp bị tàu Trung Quốc đâm móp mạn.
“Chú ý mạn phải, hải cảnh 4044 đang thử “chim” (vòi rồng), nhà báo và các người bên ngoài vào trong ngay để đóng cửa” - ai đó hét lên. Cửa bên hông đài chỉ huy ở mạn phải vừa đóng sập thì vừa lúc hải cảnh 4044 lao lên song song với kiểm ngư 763 và hướng vòi rồng xuống thân tàu, đặc biệt là đài chỉ huy. Nước tung lên trắng xoá sau những ô cửa kính, toàn tàu rung lắc, các chốt cửa, ốc vít trong tàu kiểm ngư 763 rung bần bật trước áp lực của vòi phun. “Trái 5 độ, phải 7 độ, chú ý bên mạn trái, một con hải cảnh nữa đang tiến lên” - giọng phát ra từ đài chỉ huy vẫn bình tĩnh.
Bỗng nghe một tiếng rầm, tôi bị bật ngã khỏi vị trí. Mũi hải cảnh 4044 vừa đâm vào mạn tàu kiểm ngư 763 thì gặp lúc sóng nhồi đưa tàu kiểm ngư lên cao, mũi hải cảnh 4044 theo đó cũng bị hất lên khiến tàu địch như dựng đứng. “Hắn sắp bị lật” - ai đó reo lên.
Nhưng “hắn” chưa kịp lật thì sóng đã hạ xuống. Mũi hải cảnh 4044 vừa tách khỏi tàu kiểm ngư 763 thì “hắn” bồi tiếp một cú bẻ lái ngay sau đó. Tôi có cảm giác một nửa trên của hải cảnh 4044 được gấp lại rồi quăng ngang vào tàu kiểm ngư. Rầm, rắc rắc!...
Như thể tàu chúng tôi đang vỡ tung, nhiều kiểm ngư viên ngã lăn chiêng, ghế, vật dụng trên đài chỉ huy và dưới tàu rơi loảng xoảng. “Mưa đá” từ vòi rồng tàu Trung Quốc vẫn liên tục dội xuống. “Trái 3 độ, phải 5 độ, chú ý mạn trái và đằng sau tàu Trung quốc đang lên” - tình hình căng như dây đàn nhưng giọng chỉ huy vẫn điềm tĩnh như trước đó. Phải hơn 30 phút chịu trận, tàu kiểm ngư 763 mới thoát khỏi sự vây hãm của hải cảnh 4044 và 2 tàu khác.
Mọi người lập tức kiểm tra thiệt hại. Cú bẻ lái của con hải cảnh 4044 làm sập toàn bộ phần lan can boong bên mạn phải và hỏng một phao cứu sinh của tàu kiểm ngư 763. Lúc này trên bầu trời, từng tốp máy bay lượn lờ, quần thảo đầy đe doạ.
Mặc kệ máy bay trên đầu, anh em kiểm ngư viên lúi húi đi tìm dép của mình. “Lại mất thêm một chiếc nữa rồi. Cứ mỗi lần Trung Quốc phun vòi rồng là dép trên tàu lại mất đi một ít, đà này chắc mấy hôm nữa cả tàu mình đi chân đất...” - một người lẩm bẩm.
“Các anh nghĩ đến điều gì trong phút giây sinh tử vừa qua?” - tôi tò mò đặt câu hỏi với vài thành viên đứng gần. Thuyền trưởng Nguyễn Nam Hải trả lời: “Điều duy nhất tôi nghĩ đến lúc đó là làm sao bảo đảm được an toàn của anh em trên tàu. Thật ra, đối đầu với tàu Trung Quốc như vừa rồi không phải lần đầu mà là chuyện cơm bữa từ nhiều năm nay nên không ai nao núng hay run sợ dù tàu họ mạnh và hung hãn như anh vừa chứng kiến...”.
Dù không bị thương tích sau cú ngã khi tàu Trung Quốc đâm húc, nhưng toàn thân tôi rã rời sau trận chiến đầu tiên do căng thẳng cộng với say sóng. Vừa xuống đến phòng ngủ ở tầng 1 để chợp mắt một lát thì chuông báo động lại rung vang. Tôi ôm máy ảnh lao lên đài chỉ huy.
Lần này, tàu kiểm ngư 763 không bị đe doạ nhưng có đến 4 con hải cảnh đang vây hãm, phun vòi rồng và đâm húc tàu kiểm ngư 7752 cùng đội với 763 ở hướng mạn trái. Bốn vòi rồng của tàu Trung Quốc cùng lúc tấn công khiến tàu kiểm ngư 7752 lúc này chỉ còn là cái bóng mờ mịt giữa trận “mưa đá”.
Chúng tôi dồn cả ra mạn tàu, ai nấy ruột gan như có lửa đốt.... “Thoát rồi!” - bên ngoài bỗng nhiều người cùng hét lên. Chúng tôi vọt ra, chứng kiến tàu kiểm ngư 7752 đã phá được vòng vây. Bốn con hải cảnh Trung Quốc vẫn hung hăng bám đuổi một lúc mới quay đầu về phía “quái vật”.
Cùng thời điểm tàu chúng tôi bị tấn công, ở các điểm khác, hàng chục tàu kiểm ngư, cảnh sát biển của Việt Nam cũng bị tàu Trung Quốc vây hãm, xịt vòi rồng, đâm húc... Và đã có hàng trăm cuộc đối đầu kiểu chiến tranh du kích cùng những cảm xúc uất nghẹn như vậy từ những người thực hiện nhiệm vụ chấp pháp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam từ ngày 2.5 đến nay.
Làm sao có thể khác hơn được khi khí tài hai bên quá chênh lệch và lực lượng chấp pháp của Việt Nam chỉ được lệnh ngăn chặn, xua đuổi, tránh mắc bẫy khiêu khích của Trung Quốc?
Không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo
Hai ngày sau đó, vùng biển Hoàng Sa nơi tôi và các kiểm ngư tàu 763 đang chấp pháp, độ nóng có giảm đi chút ít. Mỗi ngày 2 bận, tàu chúng tôi vào ra khu vực cư ngụ của “quái vật”, có khi vào sâu đến 5 hải lý, nhưng tàu Trung Quốc chỉ lượn lờ đe doạ chứ không hung hăng áp sát như trước.
Thường tàu Trung Quốc và Việt Nam chỉ đối đầu nhau trong “giờ hành chính”, còn đêm đến là hai bên treo “miễn chiến bài”. Nhưng cũng có một vài ngoại lệ, như đêm tàu chúng tôi thả trôi vào gần “quái vật” ở khoảng cách 6 hải lý và cả tàu đang ăn tối thì bất ngờ tàu Trung Quốc lao ra tấn công. Chúng tôi bỏ cơm, ứng phó, mãi đến hơn 1 giờ sau mới có thể quay lại bữa cơm bỏ dở.
Những khoảng lặng ở điểm nóng thuộc vùng biển Hoàng Sa luôn ẩn chứa nhiều bất trắc. Sáng nay đang bình yên đấy nhưng chẳng ai biết được chiều nay, tối nay, hay thậm chí là vài phút sắp tới điều gì sẽ xảy ra. Tình hình ngày càng trở nên khó lường hơn khi Trung Quốc có vẻ như đang thay đổi chiến thuật. Tàu Trung Quốc được điều ra bảo vệ “quái vật” ngày một đông hơn - đến thời điểm này đã lên gần 150 tàu các loại.
Theo Hoàng Văn Minh
Lao Động
Đối đầu “quái vật 981” - Kỳ 3: Giữa hai hiệp đấu sinh tử
Im lặng, bởi tôi biết thực ra Cường đang tự hỏi chính mình sau gần 20 ngày biệt tăm với đất liền. Tại điểm nóng Hoàng Sa, suốt mấy ngày qua, tôi chỉ gặp những hình ảnh ngoan cường, dũng cảm và mưu trí trong cuộc đối đầu không khoan nhượng. Còn khoảnh khắc này, tôi như được chạm nhẹ vào góc “tình riêng” sâu lắng hiếm hoi giữa hai hiệp đấu sinh tử…
Một bữa cơm của các kiểm ngư viên trên tàu 763
Nuốt từng lời khi nghe chuyện đất liền
Đêm đầu tiên trên tàu 763, tôi ra mắt anh em kiểm ngư bằng gói quà của Báo Lao Động (thuốc lá, chè, càphê...) mà tôi mang theo từ đất liền. Mọi người không giấu được xúc động bởi quà nhỏ thôi nhưng đó là hơi ấm, là tình cảm, là tất cả từ đất liền mà họ có thể ngửi và sờ mó được sau hơn 10 ngày lênh đênh trên biển. “Cảm ơn Báo Lao Động, cảm ơn đất liền, chúng tôi thấy mình được động viên kịp thời và ấm áp vô cùng” - thuyền trưởng Nguyễn Nam Hải thổ lộ.
Chế một ấm chè mới, các thành viên trên tàu yêu cầu tôi kể chuyện đất liền. Do tàu kiểm ngư 763 không có vệ tinh nên hơn 10 ngày qua, họ hoàn toàn mù tịt thông tin về đất liền và ngược lại, gia đình, người thân của họ cũng không thể nào biết được họ đang sống và chiến đấu như thế nào? “Tụi em được nghỉ lễ từ ngày 30.4. Nhưng vừa về đến nhà ở với vợ con đúng một đêm thì sáng ra đã nhận lệnh khẩn quay lại đơn vị rồi lên tàu đi luôn cho đến bây giờ” - kiểm ngư viên tên Hiệp tâm sự.
Những câu hỏi về tình hình đất liền sau đó cứ phát đi dồn dập. Để rồi họ há hốc mồm, gần như nuốt từng lời khi nghe tôi kể chuyện thời sự liên quan đến “quái vật” Hải Dương 981 từ khắp nơi trong nước và thế giới trong mấy ngày trước đó. Chuyện chi với họ lúc này cũng lạ, cũng hay, cũng hấp dẫn. “Té ra, trong bờ cũng căng thẳng và nóng ghê hè. Tình hình như rứa chắc vợ con và người thân ở nhà lo lắng cho anh em tui ngoài ni ghê lắm” - anh Đức, kiểm ngư viên ở tổ máy đứng ngồi không yên.
Nhiều người đập tay xuống bàn, hỏi răng lại có chuyện đổi trắng thay đen một cách trơ trẽn như rứa được khi tôi kể trong một cuộc họp báo quốc tế liên quan đến “quái vật” Hải Dương 981 do Trung Quốc tổ chức, một quan chức của nước này đã phát đi thông cáo rằng trong thời gian qua, tàu Việt Nam đã đâm húc tàu Trung Quốc đến 171 lần và cho rằng đó là sự kiện gây “ngạc nhiên” và “chấn động”. Lặng đi một lúc, bỗng nhiên tất cả cùng cười ồ, ai đó phán một câu: “Đúng là lưỡi không xương, không có chuyện hoang đường chi mà họ không nghĩ ra được”.
Phóng viên Báo Lao Động tác nghiệp trên tàu kiểm ngư 763.
Những đêm trắng cùng Hoàng Sa
Rồi cũng đến lượt tôi mù trắng thông tin về đất liền như những kiểm ngư viên trên tàu 763. Lòng như có lửa đang thiêu đốt do đã tác nghiệp trên điểm nóng Hoàng Sa đến ngày thứ 6, nhưng tôi vẫn chưa có một dòng tin hay lời nhắn nào gửi về được tòa soạn cũng như gia đình, trong khi hình ảnh, thông tin thì ngồn ngộn.
Bao nhiêu đêm trên tàu kiểm ngư 763 là bấy nhiêu đêm tôi thức trắng, lòng ngổn ngang. Bao giờ dư âm của những cuộc đối đầu và bị vây hãm, rượt đuổi với tàu Trung Quốc trong ngày cũng khiến niềm uất hận cứ nghèn nghẹn trong ngực, có khi nước mắt cứ ứa thành dòng không ngăn được. Đã thế, biển Hoàng Sa những đêm này đang vào mùa trăng. Ánh trăng bàng bạc trên đầu sóng như những lát dao không ngừng cứa sâu vào nỗi nhớ đất liền trong tôi, cuộn dâng ngày mỗi lớn...
Cường nãy giờ ngồi bên tôi lặng lẽ, bỗng dưng lên tiếng vừa hỏi vừa kể như thể đang độc thoại: “Không biết vợ em bây giờ thế nào. Vợ chồng em vừa cưới nhau được mấy tháng. Sáng 1.5, đang thu dọn đồ đạc để chuyển nhà trọ thì nhận được lệnh tập kết. Thế là việc chuyển nhà đành giao lại hết cho một mình vợ và không biết đến giờ đã chuyển được hay chưa...”.
“Một tràng” của Cường đã kéo tôi về với thực tại trớ trêu: Bên trái mạn tàu là trăng vẫn đang vờn vuốt trên đầu sóng. Nhưng bên phải, phía ngoài kia chưa tới 10 hải lý lại là hình ảnh “quái vật” Hải Dương 981 đèn rực sáng đầy thách thức cả một vùng biển. Sau lưng con “quái vật” gớm ghiếc ấy là Hoàng Sa máu thịt. Hoàng Sa lúc này gần tới mức cảm giác như chỉ cách một tầm tay nhưng tôi không thể, không biết làm sao, cách nào để với tới. Cảm giác bất lực và uất hận lại trào lên. Chẳng lẽ đến đây rồi mà tôi phải đành lòng như lời câu ca dao đắng ngắt: Thuyền tròng trành đôi mạn/ Em ôm duyên trở về?
Biển sẽ thêm xanh và đàn chim trắng trở về…
“Nhà báo sắp về đất liền chưa?”. Ngày nào cũng đôi lần tôi nhận được câu hỏi này và mỗi lần như vậy, trong sổ tay của tôi lại có thêm một số điện thoại của vợ hoặc người thân các kiểm ngư viên tàu 763 ở đất liền. Mặc dù tôi liên tục trấn an rằng, cứ nhắn “thoải mái, đừng có ngại” nhưng ai cũng chỉ rụt rè ngắn gọn kiểu “bố mẹ, em và các con yên tâm - con, anh ở ngoài này vẫn khỏe, bình an...”.
Có khi chính tay họ viết vào sổ tay của tôi những lời nhắn quan trọng, sợ tôi không thể nhớ hết chi tiết cần nhớ như anh Quý dặn vợ “còn 3 ngày nữa là đến ngày đặt đá xây nhà, anh không về kịp nên em ở nhà cứ tiến hành như bình thường và nhờ ông chủ thầu đứng ra cúng giúp cho. Anh đã hỏi rồi, ông chủ thầu với anh cùng tuổi...”.
Nhớ nhất là đêm biển động bất ngờ, sóng cứ từng đợt ầm ào phủ trắng boong tàu, nhưng anh Bình vẫn nháy mắt rồi kéo tôi ra đó. Anh rào đón một hồi rồi mới nhờ tôi về đến đất liền phải gọi cho vợ anh bằng được, và sớm nhất có thể, để nhắc mỗi một chuyện: “Ngày 20 âm lịch tới đây (25.5) là ngày giỗ của bà cố nội và bà cô bên anh, em nhớ thắp hương, đừng quên mà tội nghiệp...”. Bình tâm sự: “Cây có gốc, người có tổ tiên. Đã thế mình quanh năm ăn ở với đầu sóng ngọn gió, rồi vợ con ở nhà có sức khỏe, bình an hay không... một phần cũng phải nhờ bề trên phù hộ cho. Điều gì cũng có thể quên nhưng tổ tiên ông bà thì không thể...”.
Còn Hiệp, anh ghi cho tôi số điện thoại của vợ ở Đà Nẵng nhưng không nhắn nhủ gì mà chỉ gửi một phong thư viết tay được dán rất cẩn thận, bên ngoài còn bọc cả túi bóng chống thấm nước. Trong đời, tôi chưa bao giờ cầm trên tay một phong tình thư nào lại nằng nặng đến như thế...
Ngay chiều tối đầu tiên về đến đất liền, tôi giở sổ tay lần lượt gọi cho từng người thân của các kiểm ngư viên tàu 763 ở Đà Nẵng, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng... Và lần nào cũng như lần nào, chưa kịp nghe hết câu “tôi vừa trở về từ tàu kiểm ngư 763, chồng chị vẫn khỏe và bình an...” là đầu dây bên kia đã bật khóc. Đêm ấy tôi rất vui bởi nghĩ hình như lâu lắm rồi mình mới làm được một việc có ý nghĩa. Dù sau đó những tin nhắn xin lỗi rất thật thà kiểu “anh thông cảm, tại bất ngờ nhận tin em mừng quá không kiềm chế được cảm xúc” lại khiến tôi buốt lòng.
Lại nhớ đến đêm tôi nhận được lệnh “chuyển quân” rời tàu 763 để quay về đất liền. Khoảng lặng giữa những cái ôm chầm cùng lời tạm biệt vội vã, không hiểu sao trong đầu tôi lại vẳng lên lời một bài hát, rằng rồi “biển sẽ thêm xanh và đàn chim trắng trở về...”. Tôi tin rằng mai đây biển sẽ “thêm xanh” và các anh trên tàu kiểm ngư 763 thân thương cùng toàn thể lực lượng kiểm ngư và cảnh sát biển đang ngày đêm ngoan cường chiến đấu để đẩy đuổi “quái vật” ra khỏi vùng biển chủ quyền sẽ trở về như “những đàn chim trắng”...
Theo Hoàng Văn Minh
Lao Động
http://dantri.com.vn/su-kien/doi-dau-quai-vat-981-ky-3-giua-hai-hiep-dau-sinh-tu-877416.htm
|