50 năm trước, ngày 5-6-1964 trên chuyên mục “Năm cột trên trang nhất” của Cơ quan Phát thanh-Truyền hình Quốc gia Pháp ORTF, Hồ Chủ tịch khẳng định với nữ nhà báo Pháp Danielle Hunebelle quan điểm về quan hệ giữa Việt Nam-Trung Quốc: “Jamais!” Một từ chắc nịch có nghĩa là “Không bao giờ”.
Không bao giờ có thể xảy ra một sự phụ thuộc nào tổn hại đến độc lập chính trị và chủ quyền quốc gia.
Nhân dịp kỷ niệm 124 năm ngày sinh Bác Hồ (19/5/1890 - 19/5/2014), báo Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu đoạn clip nói trên.
Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
. Danielle Hunebelle: Thưa ngài chủ tịch, ngài có thể cho biết có một giải pháp quân sự nào cho chiến sự ở miền Nam Việt Nam không?
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh: Không. Như cô biết đấy, “Dân tộc Việt Nam là một, đất nước Việt Nam là một”. Người Mỹ đã vô cớ gây chiến tranh. Cô cũng biết rằng như trên các mặt báo đã đưa, nếu chiến tranh càng kéo dài người Mỹ sẽ càng sa lầy và càng chuốc lấy thất bại. Chiến tranh không thể kéo dài mãi mãi được, tôi vui mừng là những nhà chính trị Pháp cũng biết rõ điều này.
. PV: Ngài có nghĩ rằng tướng De Gaule có thể sẽ có một giải pháp trọng tài (arbitrer)nào đó cho sự xung đột này.
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh: Không biết cô hiểu thế nào về từ trọng tài (arbitrer), chúng tôi đâu phải là một đội bóng.
. PV: Nhưng nếu tôi không nhầm thì ngoài hiệp định Genève, tướng De Gaule có nêu ý tưởng về sự trung lập hóa tất cả các nước khu vực Đông Nam Á. Ngài nghĩ sao về điều này?
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh: Như tôi đã nói một lần rồi, đây là một ý tưởng khá hấp dẫn. Nhưng nó còn phụ thuộc vào ý nguyện của từng nước, phụ thuộc vào cách chúng ta thực hiện nó nữa, đó là một vấn đề lớn. Tôi không nói là tôi tán thành hay phản đối ý kiến này. Lấy ví dụ về hoa, có rất nhiều loại hoa: hoa trắng, hoa vàng, hoa đỏ… có loài hoa đẹp nhưng cũng có loài hoa không đẹp. Chúng ta vẫn gọi chung là hoa.
. PV: Thưa ngài chủ tịch, trong chuyến đi miền Bắc Việt Nam lần này chúng tôi thấy dường như sự ảnh hưởng của Pháp không còn tồn tại ở đây nữa, độ tuổi dưới 25 giờ đã không còn biết đến tiếng Pháp nữa. Tôi tự hỏi là với suy nghĩ của ngài, liệu có thể gây dựng lại mối quan hệ này, rằng nước Pháp sẽ giữ vai trò gì đó trong mối quan hệ…về văn hóa giữa hai nước?
+Chủ tịch Hồ Chí Minh: Với nước Pháp nói riêng và các nước khác nói chung, chúng tôi luôn muốn có một mối quan hệ hợp tác hữu nghị về văn hóa, kinh tế… Nhưng tôi nghĩ rằng cô không muốn nói đến sự ảnh hưởng của Pháp như họ đã từng gây sự ảnh hưởng với Việt Nam trước đây, đó là chuyện hoàn toàn khác. Một mối quan hệ hữu hảo về văn hóa, kinh tế, hay thể thao chẳng hạn… chúng tôi hoàn toàn hưởng ứng.
. PV: Nếu như chiến tranh tiếp tục leo thang ở miền Nam Việt Nam trong một vài năm tới, liệu ngài có nghĩ kinh tế miền Bắc có thể duy trì được như bây giờ?
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tôi chắc chắn rằng nó không những chỉ duy trì mà còn phát triển hơn nữa. Như cô cũng thấy rằng ở đây chúng tôi lao động rất hăng say, cần cù, với sự hi sinh và lòng nhiệt huyết và chủ yếu đều xuất phát từ nội lực của chúng tôi. Bên cạnh đó chúng tôi còn có sự giúp sức từ các nước anh em xã hội chủ nghĩa. Tất cả đều thể hiện qua những tiến bộ hằng ngày và chắc chắn cả trong tương lai nữa.
. PV: Có một vài ý kiến cho rằng miền Bắc Việt Nam đang ở trong hoàn cảnh khá cô lập và nói một cách chính trị, khó có thể tránh khỏi thành một thứ vệ tinh của Trung Quốc. Có thể nói gì về việc này?
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh: Không bao giờ!
Nguồn: Viện Quốc gia Nghe nhìn Pháp
Theo Pháp luật Tp HCM
http://dantri.com.vn/su-kien/chu-tich-ho-chi-minh-le-thuoc-trung-quoc-khong-bao-gio-875586.htm
|