Hiện bà Liễn đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây.
Nhưng liên tục trong hơn 60 năm qua, vết thương do bị địch tra tấn dã man vẫn chưa thôi rỉ máu trên cơ thể người cựu tù này…
Một vú nuôi 8 con
Tôi gặp bà Đỗ Thị Liễn (86 tuổi) trong Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây (Hà Nội) một ngày đầu tháng 5, đúng lúc các y tá ở đây đang sát trùng, thay băng gạc cho vết thương trên ngực bị nhiễm trùng nặng của bà. Cách đây hơn 60 năm, khi bị giam trong nhà lao Hỏa Lò (Hà Nội), bà Liễn đã bị giặc Pháp xét hỏi, tra tấn dã man.
Vết thương trên ngực là hậu quả của một lần chúng tra tấn bà bằng ngón quay điện. Chỉ tay vào từng đồng đội của bà, chúng lần lượt hỏi: “Thằng này làm cán bộ gì?”. Một lòng bảo vệ cách mạng, cô du kích lúc bấy giờ đã kiên quyết không khai bất cứ một thông tin nào, chỉ lắc đầu đáp: “Tôi không biết”. Liên tục nhiều năm, giặc hầu như đã giở hết các chiêu trò tra tấn tàn ác đối với người con gái còn trẻ măng ấy.
Bà Liễn nhớ lại: "Nhẹ nhất là thúc giày đinh vào bụng, mạng sườn. Nặng nhất là dùng điện gí vào ngực. Vết thương hơn 60 năm không lành được này là do bị chúng quay điện. Hai nữ du kích bị quay điện vào ngực, một người chết, còn lại mình tôi. Lúc ấy, tôi phải đứng trước sự lựa chọn: Không khai thì nó gí điện mình, còn nếu khai thì mình và cả đồng đội đều chết. Vậy nên tôi kiên quyết không khai, dù trải qua những phen đau đớn tột cùng...”.
Câu chuyện của bà Liễn tiếp nối bằng những ký ức tù đày kinh hoàng và cay đắng năm xưa: “Tra tấn chúng tôi toàn là lính người Việt mình cả thôi. Bọn Tây nó chỉ đứng nhìn, cười đùa. Thấy tôi bị gí điện, cứ nhắm mắt kêu mà vẫn không khai thì chúng nhại: “Đau quá, đau quá nhỉ...”.
Khi cờ giải phóng tung bay trên nóc hầm Điện Biên Phủ, nữ tù Đỗ Thị Liễn và đồng đội được đưa từ nhà lao Hỏa Lò vào nhà thương cấp cứu, chữa trị. Vết thương dù đã liền da, nhưng bà Liễn mất hoàn toàn một bên ngực. Trở về quê nhà, bà Liễn lập gia đình. Người chồng là du kích cùng xã, cũng bị tù đày cùng trong một nhà tù với bà. Ông bà sinh được 5 trai, 3 gái. Cả 8 đứa con đều được bà nuôi lớn chỉ bằng một bầu sữa còn lại trên người. Rồi chồng mất sớm, bà Liễn một mình nuôi dạy các con trưởng thành, yên bề gia thất.
Thoát khỏi cảnh tra tấn liên miên trong Hỏa Lò đã lâu, nhưng mỗi khi trái gió trở trời, vết thương trên ngực bà Liễn lại lên cơn đau nhức, mưng tấy như vết thương mới. Bà Liễn lại bôi thuốc, lại âm thầm chịu đựng và vết thương lại lên da non, tạm lành để rồi tái phát sau đó, cứ thế trong hơn 60 năm qua vẫn không lành hẳn, vẫn dai dẳng hành hạ cơ thể nhỏ bé, già nua của người nữ cựu tù kiên trung. Thời gian gần đây, vết thương có dấu hiệu bị nhiễm trùng ngày càng nặng, lan rộng. Các con của bà Liễn hoảng hốt đưa mẹ vào cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa thị xã Sơn Tây.
Ký ức xà lim chìm, xà lim nổi
Thời điểm bà Liễn bị địch bắt (năm 1951), xã trên, xã dưới ở huyện Ba Vì có rất nhiều du kích, dân quân cùng bị bắt. Cuộc sống trong tù có phần nhẹ nhàng đi một chút khi chung quanh có anh em, có những người đồng hương cùng cảnh ngộ giúp đỡ nhau. Tuy nhiên, sự tàn ác, dã man của giặc thì không giảm đi chút nào. Mọi hình thức tra tấn, đày đọa người tù đều được chúng áp dụng triệt để, hòng khai thác thông tin về hoạt động cách mạng.
Bà Liễn tuy tuổi đã cao, vẫn nhớ như in ngày tháng bị địch bắt, rồi ngày được giải thoát sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Dòng ký ức của bà gần như nguyên vẹn, trải dài theo năm tháng lao tù: “Sau khi bị bắt, tôi bị nhốt 1 tháng ở Sơn Tây, rồi về Hà Nội ở tù 3 năm. Coi như xà lim chìm, xà lim nổi biết tất, chả thiếu cái gì cả”.
Quyết định trợ cấp cho người hoạt động cách mạng bị tù đày của bà Liễn
Thuở còn hoạt động cách mạng ở địa phương, bà Liễn làm đủ phần việc của du kích, dân quân, giao thông, liên lạc... dù nguy hiểm nhưng vô cùng phấn khích, vui vẻ. Khi bị giặc bắt, 3 năm trong tù là một khoảng thời gian dài đen tối, khổ ải trong cuộc đời của bà. Tù nhân mặc áo có đeo số, chỉ được ăn vài thìa cơm với mấy cọng rau muống mỗi ngày. Ngày nào lao động theo kíp cực nhọc mới được ăn nhiều cơm hơn, 10 người được chia cho một xẻng cá khô và một chai dầu nhỏ để tự rán cá.
Nét mặt bà Liễn còn lộ vẻ kinh hoàng nhớ lại công việc từng trải ở “kíp nghĩa địa”: “Trong nhà lao, tù nhân bị bóc lột sức lao động đến tận cùng, tùy theo việc mà chia ra thành nhiều kíp, chúng tôi làm quần quật suốt ngày không hết việc. Nhưng tôi không thể nào quên được lần bị phân vào “kíp nghĩa địa”: Giặc nó ném cho mỗi người một đôi găng tay, rồi bắt chúng tôi róc thịt những xác chết của lính Tây, róc cho đến khi chỉ còn bộ xương để chúng mang về Pháp. Sau lần đi róc thịt ấy về, suốt ngày tôi chỉ nôn oẹ, không ăn nổi miếng cơm”.
Giặc nhốt những người tham gia cách mạng trong các xà lim. Các căn phòng chật hẹp, san sát nhau được gọi là các xà lim nổi, còn những căn phòng nhỏ nằm âm dưới mặt đất được gọi là xà lim chìm. Dù tăm tối, ngột ngạt, cuộc sống của những người tù vẫn còn được gắn kết bởi nghĩa tình đồng đội: “Đang ở trong xà lim, nghe bên kia thấy có tiếng người thì mừng lắm, lại bảo đấy hình như có người làng mình ấy nhỉ. Chúng tôi lại bàn nhau xem đó là đồng chí nào, con nhà ai. Tôi và nhà tôi cũng gặp nhau trong hoàn cảnh như thế. Hai chúng tôi một người đầu làng, một người cuối làng, thế mà rồi về làng sau đó lại lấy nhau”.
Nỗi nhớ về người chồng quá cố khơi lại nhiều kỷ niệm về cuộc sống tù đày khổ ải, bà tâm sự: “Tù ngày xưa khổ lắm. Chúng tôi đi làm, giấu giếm nấu một bát cháo cho một chị bị đánh đập, đau nằm ở xà lim. Về, qua cổng trại thì giặc nó khám. Chúng tôi đã đắp quần áo lên trên bát cháo mà nó vẫn sục thấy. Nó cười khẩy rồi trút hết xuống đất. Về đến nơi chỉ còn biết ôm người ốm mà khóc...”.
Bà Liễn cho biết, bà thường được những bạn tù giúp đỡ, người cho chút thức ăn, người cho mặc chung quần áo. “Tôi đi tù 3 năm. Bà dì - người em của mẹ tôi - tiếp tế cho tôi một cái áo gụ nhuộm bằng củ nâu. Còn nhớ khi ấy, cháu ở trong vườn đang làm cỏ, dì đứng ở ngoài. Cháu nhìn thấy dì thì khóc tướng lên, dì ở ngoài vừa khóc vừa mắng, mẹ mày chết đâu mà mày khóc...”.
Một ngày tháng 8.1954, ngày bà Liễn trở về nhà, các bốt Tây vẫn còn đóng ở quanh làng nhưng đã không còn hoạt động nữa. Những người trở về được nhân dân chào đón nồng nhiệt lắm. Bà Liễn kể: “Có lão nông hớn hở ra đón chúng tôi, bảo là các con ăn cơm nhé, để bố đi nấu cơm. Chúng tôi bảo chúng con sướng quá, chúng con chả ăn cơm đâu. Ông mang rổ khoai ra, chúng tôi làm sạch rổ khoai...”. Về đến làng, bà Liễn mới biết gia đình đã tản cư, ngôi nhà nhỏ bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, che kín cả lối vào, chung quanh làng xóm vắng teo...
Bà Liễn bảo, với bà, ngày chiến thắng Điện Biên Phủ là ngày ghi dấu vị thần hộ mạng đến cứu bà thoát khỏi ngục tối, trở về với cuộc sống của một con người. Cho đến tận bây giờ, dù đã ở tuổi gần đất xa trời, hằng ngày, hằng giờ vẫn bị vết thương hành hạ vô cùng khổ sở, bà Liễn vẫn không bao giờ hối tiếc những gì mình đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Bà đã một lòng kiên trung với cách mạng, thà chết chứ không khai cho giặc bất cứ thông tin nào. Vết thương hơn 60 năm không lành cũng không làm ngã gục được người mẹ du kích kiên cường của một thời khói lửa, oanh liệt...