Trước những loạt bắn quyết định, để thoát được cảm giác mất bình tĩnh đến run bắn chân, tay, xạ thủ Hoàng Xuân Vinhchỉ được nghĩ đến duy nhất một điều...
Ảnh: Ngô Nguyễn
Đêm Vinh thi chung kết Cúp bắn súng thế giới tại Mỹ ngày 29.3 vừa rồi, mọi lo lắng đến mất ngủ chờ kết quả từ Liên đoàn Bắn súng. Vui sướng vỡ òa khi cái tên Hoàng Xuân Vinh được xướng lên giữa trời Mỹ, rạng sáng 30.3 (giờ Việt Nam - VN). Anh giành HCV, và đặc biệt xô ngã kỷ lục thế giới đang được lập bởi nhà vô địch Olympic 2008 người Trung Quốc.
Cuộc lật đổ ngoạn mục
Hoàng Xuân Vinh sinh năm 1974, nhưng phải đến 25 năm sau anh mới theo sự nghiệp bắn súng chuyên nghiệp. Sau quãng thời gian công tác tại Trường sĩ quan Công binh, anh vào học tập tại Trường sĩ quan Lục quân. Năm 1994 tốt nghiệp, anh về Lữ đoàn 239 công binh tại Thường Tín, Hà Nội. Anh tham gia các giải bắn súng phong trào, đạt nhiều thành tích cao. Năm 1999, Câu lạc bộ bắn súng quân đội xin Vinh về, cùng năm, anh được gọi vào đội tuyển quốc gia. Ngay năm 2000, Vinh mang về HCV, phá kỷ lục quốc gia súng ngắn hơi 10 m nam. 7 kỳ SEA Games liên tiếp từ năm 2001 đến năm 2013, cái tên Hoàng Xuân Vinh trở thành một nỗi khiếp đảm với bất kỳ xạ thủ nào trong khu vực. Mỗi kỳ, luôn có ít nhất 1 HCV được Vinh mang về cho Tổ quốc.
Không có đối thủ ở Đông Nam Á, đương kim vô địch bắn súng thế giới ISSF World Cup 2013 tổ chức tại Hàn Quốc vào tháng 4.2013 cũng là kỳ vọng số 1 của VN tại cúp bắn súng thế giới tháng 3 này tại Mỹ. Thế nhưng, với thể thao, đặc biệt là bắn súng, điều gì cũng có thể xảy ra. Cúp thế giới lần này, cuộc thi mang tầm vóc quốc tế với luật thi đấu khắt khe hơn, không cho phép xạ thủ có bất kỳ một sai sót nhỏ. Đối thủ của Vinh toàn là những người đáng gờm.
Vòng loại, Vinh thi đấu không tốt. Tuy đủ điều kiện để có mặt ở chung kết nhưng Vinh chỉ đạt 582 điểm, kém VĐV đứng thứ nhất 3 điểm, kém cả chính đồng đội Trần Quốc Cường khi khoảng cách của Cường và VĐV trên chỉ 1 điểm. Ở lần bắn thứ nhất của chung kết, Vinh chỉ được 10,4 điểm, trong khi Sergey (người Nga), người đứng đầu vòng loại được những 10,8 điểm và Vladimir, đồng hương, có số điểm tương tự.
Bước sang lần bắn thứ 2, Vinh tụt xuống 9,8 điểm, Sergay 10,2 điểm. Kịch tính đến, Vinh đã lội ngược dòng, anh liên tiếp vượt lên với các số điểm lần lượt là 10,0, 10,4, 10, 10, 10,2. Trong khi đó, Sergey mất bình tĩnh, những điểm số “rất xấu” xuất hiện 9,6 (loạt 5), 8,6 (loạt 7). Hai loạt bắn cuối cùng, xạ thủ người VN lấy được tinh thần thép, thực hiện hai phát súng chính xác để được tổng cộng 20,9 điểm trong khi Sergey chỉ được 20,6. Tổng điểm 202,8 giúp Vinh xô ngã người từng có 14 huy chương tại các cúp thế giới Sergey với cách biệt 0,6 điểm để trở thành vô địch thế giới. Anh vượt qua số điểm mà đương kim vô địch thế giới Pang Wei đang giữ là 202,3, phá kỷ lục quốc gia của chính mình khi kỷ lục cũ chỉ là 202,5 điểm. Hoàng Xuân Vinh vinh dự là xạ thủ thứ hai trong lịch sử bắn súng VN phá kỷ lục thế giới, sau xạ thủ Trần Oanh (người phá kỷ lục thế giới năm 1953).
Ảnh: Ngô Nguyễn
Những ám ảnh mang hình viên đạn
Với Vinh, để trở thành xạ thủ vàng của VN và thế giới là hàng chuỗi ngày luyện rèn gian khổ. Bắn súng là môn thể thao đòi hỏi tập trung cao độ, chỉ một chút mất bình tĩnh có thể khiến tất cả những thành tựu trước đó đổ sông đổ biển. Về trải nghiệm thất bại trong tích tắc thì Hoàng Xuân Vinh có đủ.
Thừa nhận từng nếm mùi thất bại do mình chưa làm chủ được cảm xúc, Vinh đã phải luyện tập không mệt mỏi. Những giấc ngủ của anh có khi bị ám ảnh bởi những viên đạn lạc bia, trước khi đến được trạng thái cân bằng nhất trong mọi hoàn cảnh. Bước vào trường bắn, Vinh thường im lặng và giữ trạng thái tập trung cao độ, không để ý đến mọi thứ xung quanh. Cá nhân anh cũng có các bài tập cho riêng mình để đạt được sự tĩnh tâm tuyệt đối.
Giúp Vinh liên tiếp gặt hái được những thành công và HCV ngoạn mục vừa qua chính là HLV Nguyễn Thị Nhung, người đã sáng tạo rất nhiều bài tập để anh luôn giữ được bình tĩnh. Tham gia nhiều khóa huấn luyện chuyên nghiệp tại nước ngoài, HLV Nguyễn Thị Nhung có nhiều bí quyết để giúp các VĐV kiểm soát được bản thân. Không lạ khi giáo án của Vinh là những bài tập đứng yên tại chỗ, không cử động, không nói gì trong suốt hai tiếng hay những bài tập thở để tĩnh tâm.
Một trong những thói quen “lạ” của Vinh là trước khi tập phải hô thật to “Tôi là vận động viên giành huy chương Olympic”. Những ngày đầu, Vinh ngượng ngùng với hành động này, tuy nhiên dần dà, anh hiểu đây chính là cách để VĐV tự tin hơn, thêm động lực để có chiến thắng. Để luyện thần kinh thép, hàng giờ đồng hồ Vinh vừa đứng tập vừa liên tiếp nghe cô Nhung nói về kỹ thuật. Nhiều lần Vinh phải ngưng lại, ôm đầu hét lên, “cô làm em đau đầu quá”. Như mưa dầm thấm lâu, những câu nói của cô Nhung trở thành “thần chú” cho Vinh khi bước lên cầm súng. Bước vào đấu trường, những ồn ào của khán giả, trọng tài và các đối thủ khác không còn là vướng bận. Vinh chỉ biết đến khẩu súng, bia đạn và lắng nghe tiếng nói của lý trí. Cô Nhung cũng là người bắt buộc Vinh phải duy trì thói quen, khi đưa lên hay hạ tay xuống lúc nào cũng phải giống nhau để tạo sự ổn định. Trong các vòng thi mang tính quyết định, Vinh chỉ được nhìn xuống chân và nhìn vào mắt HLV, “lắng nghe” sự chỉ đạo của cô Nhung bằng những cử chỉ đặc biệt.
Vinh tâm sự, anh từng mất bình tĩnh đến mức chân run bần bật, mặt tái nhợt trước những lần bắn quyết định. HLV Nguyễn Thị Nhung đã bắt bệnh và kê đơn giúp Vinh, bằng một phương thuốc đặc biệt. Đó là lúc căng thẳng, Vinh chỉ được nghĩ đến một điều duy nhất. Cơn căng thẳng qua đi, Vinh làm chủ được mình và có những đường đạn chuẩn xác. Điều duy nhất Vinh nghĩ đến là gì, Vinh và cô Nhung chỉ tiết lộ khi anh “giã từ vũ khí”.
Không thành công nào tự đến
Nghiêm túc đến mức như cả thế giới này không còn gì ngoài bắn súng, nhưng ngoài đời Hoàng Xuân Vinh vô cùng cởi mở, hài hước. Ra khỏi trường bắn, anh trở về là một người chồng biết san sẻ việc nhà với vợ và người cha có trách nhiệm với hai con. Sống giản dị, chân thành, Vinh cho người đối diện cảm giác dễ chịu, thoải mái khi gặp gỡ. Anh từng nhất định phải gặp được người viết để nói rõ rằng mình chưa từng bị chấn thương, “kẻo em lại bị sếp trách vì không viết bài được, khổ thân” hay trong buổi ghi hình lời chúc đầu năm, anh bảo quay cảnh lúc anh cầm tờ Báo Thanh Niên “để quảng bá cho Thanh Niên luôn”. Đến với bắn súng bằng cả đam mê và gắn bó với nó 15 năm qua không mệt mỏi, xạ thủ chưa từng một lời than thở về kinh tế, vật chất. Với Vinh, anh đang được sống trong những ngày tháng hạnh phúc nhất, với môn thể thao mình yêu, với những người thầy, người bạn mình nể phục.
Hoàng Xuân Vinh thích dành thời gian rảnh hiếm hoi của mình để dạy con học và nói với các con về nghị lực, sự kiên trì và cống hiến. Anh bảo chẳng có thành công nào tự đến nếu không cho đi sự khổ luyện và tâm huyết. Nhà riêng của Vinh ở Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội, vợ chồng và hai con anh thường sống ở nhà ngoại trong khu tập thể Nghĩa Tân để tiện cho việc học, việc làm của vợ con. Mỗi khi kể về gia đình, ánh mắt của người đàn ông tuổi 40 không giấu được sự mừng vui. Phía sau xạ thủ thành công, thật tuyệt vời khi là một hậu phương bình yên.
Đại tá QĐNDVN Hoàng Xuân Vinh sinh ngày 6.10.1974 tại Sơn Tây (Hà Nội). Sáu kỳ SEA Games liên tiếp kể từ năm 2001 cho đến 2013, không năm nào Vinh không đoạt ít nhất một huy chương vàng. Huy chương đồng đồng đội nội dung 10 m súng ngắn nam tại Đại hội thể thao châu Á - ASIAD 2006; giành vé tham dự Thế vận hội Mùa hè 2012 tại London (Anh); Huy chương vàng cá nhân 10 m súng ngắn hơi nam, huy chương đồng đồng đội tại giải vô địch bắn súng hơi châu Á 2012 (Trung Quốc); Huy chương vàng 10 m súng ngắn hơi nam tại Cúp bắn súng thế giới - ISSF World Cup 2013 (Hàn Quốc); Huy chương vàng và phá kỷ lục thế giới nội dung 10 m súng ngắn hơi nam tại Cúp bắn súng thế giới - ISSF World Cup 2014 (Mỹ).
|
(Theo Thanh Niên)
|