Người chiến binh xưa xúc động khi nhớ về đồng đội
Việt Nam một thời được bạn bè quốc tế gọi là đất nước của những anh hùng. Chiến cuộc đã lùi xa gần 40 năm, những anh hùng đó lại bình dị trong cuộc sống hàng ngày, có người về quê làm ruộng, làm kỹ sư và có người trở lại với nghề của gia đình... Trong số đó có dũng sỹ Nguyễn Minh Chu (84 tuổi, thôn Tiền Đình, Quế Nham, Tân Yên, Bắc Giang). Và mỗi độ tháng Tư, kỷ niệm một thời lửa đạn lại ùa về trong ký ức của người chiến binh năm xưa.
“Dũng sỹ tạt sườn trái, một khẩu súng trường, hai quả lựu đạn”
Tiếp chúng tôi trong căn nhà cũ, người chiến binh năm xưa nay đã 84 tuổi nhưng vẫn cho rằng mình “còn xuân chán”. Nhấp cốc trà, nhìn ra phía sân, ông hồi tưởng lại những năm tháng hào hùng…
Đó là một ngày đầu tháng 3/1966, sau thời gian hơn ba tháng hành quân, trung đoàn của ông đã tiến tới mặt trận Quảng Nam, Quảng Ngãi. Tại đây, trung đoàn phải đương đầu với nhiều thành phần quân đội như: Mỹ, ngụy Sài Gòn, úc, Nam Hàn với đủ loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại.
“Tại cao điểm 62, xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, sau hai ngày chiến đấu ròng rã, bộ đội ta phải đối đầu với hoả lực và quân số địch đông gấp nhiều lần. Trận đánh diễn ra ác liệt, không cân sức nên quân ta hy sinh nhiều. “Lúc đó tôi không nghĩ ngợi gì, kể cả cái chết cũng không. Tôi dùng lựu đạn xông thẳng lên tiêu diệt hai tên điều khiển đại liên, rồi cứ xông lên thấy tên địch nào diệt ngay tên đó”, ông Chu nhớ lại.
Trong khói lửa mù trời, thấy đồng đội hy sinh và bị thương quá nhiều, không còn người để phối hợp, ông đã một mình vác khẩu đại liên nặng gấp hai lần cơ thể (bình thường để vận động khẩu đại liên này cần một tổ ba người) từ trên cao điểm 62 về làng Hòa Vinh.
Ngay khi về làng Hoà Vinh, được nhân dân che chở, một mình ông trong công sự với khẩu đại liên kiên cường chiến đấu với các đợt tấn công của địch. Trong ngày hôm đó ông đã tiêu diệt một chiếc trực thăng của Mỹ và nhiều tên địch. Ngay trong trận chiến, ông được tặng danh hiệu "Dũng sỹ diệt Mỹ cấp ưu tú", được tặng thưởng Huân chương chiến công giải phóng hạng nhì. Đài phát thanh giải phóng ngày hôm đó đã đưa tin trực tiếp tại chiến trường và tuyên dương tấm gương “Nguyễn Minh Chu, dũng sỹ tạt sườn trái, một khẩu súng trường, hai quả lựu đạn.”
Ký ức về gương mặt non choẹt của kẻ thù
Trong trận chiến tại cao điểm 62, có những lúc ta và địch chỉ cách nhau gần 150m, hai bên liên tục giằng co quyết liệt. Đồng đội cũng là người bạn thân thiết của ông là đồng chí Oanh, người cùng quê, trong lúc chiến đấu ác liệt đã anh dũng hi sinh. Nghĩ tới người mẹ già của Oanh đang ngày đêm mong con trở về, ý nghĩ phải đưa tự mình chôn cất bạn và buộc phải sống để đưa bạn “về” với quê hương đã thôi thúc ông chiến đấu.
Cầm khẩu súng trường AK, ông Chu bắn thẳng vào quân thù rồi lao lên phía trước, phi xuống giao thông hào nơi người bạn đang nằm mặc hàng loạt đạn của kẻ thù rít lên trên đầu. Nén lòng mình, ông cõng xác đồng đội lên lưng, trườn lại phía sau, nhưng bị hàng rào cây liên tục cào vào mặt. Không còn cách nào khác, ông cắn đứt từng chiếc rào để đưa bạn về phía sau.
Gần thoát khỏi hào, ông Chu dự định sẽ bắn tiếp một loạt đạn nữa để rút nhanh. Tuy nhiên, khi cầm súng đưa lên, trước mặt ông là một người lính Mỹ trẻ tuổi, bị trọng thương, đùi trái của anh ta đã bị gãy và bê bết máu, người lính trẻ đau đớn lết từng bước khó nhọc.
Khẩu súng đã lên nòng hướng về người lính Mỹ. Trong ánh mắt anh ta chỉ còn sự cam chịu, người lính trẻ đã khóc, ông kể: “Cậu ta chỉ tầm 18 -19 tuổi, rất trẻ. Anh ta quay mặt đi và nằm úp xuống dưới giao thông hào. Không có phản kháng nào. Đang trong chiến đấu, tự nhiên tôi nghĩ đến anh ta cũng có mẹ, cũng có người thân”.
Nghĩ vậy, ông hướng loạt đạn về phía ổ đại liên của địch, dứt tiếng súng ông cõng đồng đội phi thục mạng về phía ta, không còn để ý phía sau còn có gì nữa. Ngay tối hôm đó, đồng đội của ông đã nằm lại Quảng Ngãi. Và sau 44 năm, năm 2010, đồng chí, đồng đội của ông đã được trở về với quê hương Tân Yên, Bắc Giang. “Tôi vẫn nhớ rõ ánh mắt của cậu lính Mỹ trẻ tuổi đó. Một ánh mắt tuyệt vọng”, ông Chu nhớ lại.
Trở về làm thầy thuốc của nhân dân
Hết chiến tranh, người lính chiến ấy trở về, quê hương Hà Bắc lúc đó còn nghèo lắm. Ông chạy đôn chạy đáo, dựng lại ngôi nhà đã cũ, cùng vợ con xây dựng lại cuộc sống. Sinh ra trong một gia đình nghèo có năm anh chị em (ba trai, hai gái), ông Nguyễn Minh Chu là người duy nhất được bố truyền lại cho bài thuốc nam chữa sỏi thận gia truyền.
Nói về bài thuốc với giọng đầy tự hào, ông cho biết: “Từ đời ông nội, đời bố, rồi bây giờ tới lượt tôi là đã trải qua ba đời làm nghề thuốc nam, tôi luôn tâm niệm một điều là chữa bệnh cứu người để tu nhân, tích đức cho con, cho cháu chứ không phải vì mục đích lợi nhuận”.
Tấm huân chương được tặng ngay tại chiến trường
Những kỷ vật của chiến trường được ông Chu đặt tại những vị trí trang trọng nhất trong nhà. Với người lính già ấy, những thứ quý giá nhất là những tấm bằng khen của Đảng, Nhà nước trao tặng: Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Đoàn 559... Trong nhiều trận chiến đấu, ông đạt được nhiều thành tích, nhất là trong trận đánh cao điểm 62 ở Quảng Ngãi, được nhận bằng khen Dũng sỹ diệt Mỹ.
Hơn 60 năm làm thuốc, chữa bệnh, ông không thể nhớ hết được đã chữa cho bao nhiêu bệnh nhân ở mọi miền đất nước. Cuộc trò chuyện của chúng tôi liên tục bị ngắt quãng bởi những cú điện thoại. Có người điện thoại tới nói đang trên đường đến lấy thuốc như đã hẹn, có người ở tận Nha Trang - Khánh Hòa, thậm chí có cả bệnh nhân ở TP.HCM cũng nhờ ông tư vấn bệnh tình. Ông Chu còn nhiệt tình gửi thuốc qua đường bưu điện cho bệnh nhân nếu họ không có điều kiện ra lấy thuốc. Tiếng lành đồn xa, số người tìm đến nhà ông ngày càng nhiều.
Ông kể: “Tôi nhớ ngày bố tôi còn sống, khi ấy tôi mới lên mười, ông cụ đã cho đi rừng cùng. Tôi biết những loại lá cây làm thuốc chữa sỏi thận từ ngày đó. Lớn lên, tôi chỉ được giao làm các công việc hái lá, rửa lá và giã thuốc. Mãi tới sau này, khi sắp mất, ông cụ mới truyền lại nghề cho tôi. Cụ không chữa được nhiều bệnh, nhưng riêng với sỏi thận thì chưa đầu hàng trường hợp nào”, ông Chu tự hào khi nói về bài thuốc gia truyền của gia đình mình.