(Baohatinh.vn) - Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn nằm bên bờ sông Thạch Hãn thuộc làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Đây là nơi đã sinh ra, nuôi dưỡng và hình thành bầu máu nóng cách mạng của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn.
|
Nhà tưởng niệm và bến thả hoa đăng bờ Bắc sông Thạch Hãn
|
Đồng chí Lê Duẩn sinh ngày 7/4/1907, trong một gia đình thợ thủ công nghèo. Lớn lên chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, cuộc sống nhân dân chịu cảnh đọa đày, lao khổ bởi ách nô lệ của thực dân, phong kiến, đồng chí đã nung nấu ý chí quyết tâm đi làm cách mạng để cứu nước, cứu dân.
Mấy mươi năm ra đi làm cách mạng, phấn đấu cho những mục tiêu lý tưởng cao cả, tình cảm quê hương, nơi chôn rau, cắt rốn luôn cháy bỏng trong tâm hồn và trái tim đồng chí Lê Duẩn. Nhưng do điều kiện đất nước còn chiến tranh nên mãi đến sau năm 1975, khi Tổ quốc đã hoàn toàn giải phóng, trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí mới có dịp trở về thăm lại quê nhà.
Năm 1986, đồng chí Lê Duẩn qua đời. Cùng với nỗi đau thương, mất mát chung của toàn Đảng, toàn dân, lãnh đạo tỉnh Bình Trị Thiên và huyện Triệu Hải (nay là huyện Triệu Phong) cùng với nhân dân địa phương đã tổ chức lễ tang đồng chí ngay trong ngôi nhà tại làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành - nơi đồng chí Lê Duẩn sinh ra và lớn lên. Từ đó, ngôi nhà này trở thành nhà lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn.
|
Nhà lưu niệm Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn tại Quảng Trị
|
Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn nằm trên khuôn viên có diện tích 2.000m2, trước đây là nhà và vườn của cụ thân sinh Lê Hiệp. Nhà dài 9m, rộng 4,5m, kết cấu theo dạng nhà băng 3 gian, 2 chái. Bao quanh nhà là 4 hàng rào mạn hảo được cắt tỉa cẩn thận, phía sau khuôn viên trồng các loại cây cảnh và cây ăn trái. Ngoài nhà lưu niệm còn có nhà trưng bày, nhà tưởng niệm và một số công trình phụ trợ khác tạo thành Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Chị Lê Thị Tuyết Phượng - Hướng dẫn viên Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn cho biết: Năm 2010, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích cấp quốc gia. Đây là nơi giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và là một trong những địa chỉ đỏ về hoạt động giáo dục truyền thống, sinh hoạt văn hóa cho các thế hệ không chỉ riêng đối với Quảng Trị mà còn đối với cả nước.
“Năm 2012, nhân dịp kỷ niệm 105 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn, Khu lưu niệm đã khai trương và đưa vào hoạt động thư viện danh nhân Tổng Bí thư Lê Duẩn. Đây là thư viện danh nhân đầu tiên của cả nước với hơn 6.000 bản sách, tài liệu và một số trang thiết bị máy tính, giá sách. Để có được số sách lớn tương đương với tổng số sách của một thư viện cấp huyện, thư viện danh nhân Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ Thư viện Quốc gia Việt Nam cùng 18 cơ quan, đơn vị, nhà xuất bản, nhà sách… trong cả nước” - chị Phượng cho biết thêm.
|
Cửa tiền Thành cổ Quảng Trị
|
Trên con đường phát triển hôm nay, quê hương Quảng Trị đã mang vóc dáng mới. Phố phường đẹp và hiện đại, khắp nẻo đường làng quê, cuộc sống đầm ấm, yên vui, đời sống nhân dân được nâng cao, hộ đói nghèo ngày càng giảm, nhiều công trình mới được mọc lên. Đó là kết tinh nguyện ước và những lời căn dặn của đồng chí với quê hương. Đó cũng là nguyện ước của bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để cho đất nước bình yên hôm nay.
Trước khi rời vùng đất cách mạng, chúng tôi vào thăm Khu di tích Thành cổ Quảng Trị. Dấu tích của 81 ngày đêm giành giật với kẻ thù từng góc tường, ngõ phố dưới mưa bom bão đạn giờ chỉ còn trong những bức ảnh tại Bảo tàng Thành cổ.
|
Du khách tham quan Bảo tàng thành cổ Quảng Trị
|
Màu xanh non tơ đã bao trùm cả khuôn viên Thành cổ rộng lớn. Những rặng dừa xanh rời rợi trong nắng cuối xuân. Máu của hàng vạn chiến sĩ đã hòa vào đất đai nơi đây, làm nên màu xanh Quảng Trị.
Dòng Thạch Hãn bình yên trôi, ánh nắng phản chiếu như dát kim cương lên mặt nước. Hai bên bờ, xóm thôn làng mạc bình yên, đàn bò thung thăng gặm cỏ, bãi ngô vương vấn phù sa.
39 năm trôi qua, như chưa hề có cuộc chiến khốc liệt đã diễn ra nơi đây. Như dòng sông này chưa từng thắm máu đỏ của bao nhiêu người. Mấy câu thơ của Phạm Bá Dương làm ngân lên những cảm xúc trong sâu thẳm trái tim, khiến ai nấy đều lặng người:
“Đò xuôi Thạch Hãn, xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó, bạn tôi nằm
Có tuổi 20 thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”
Dòng Thạch Hãn, ngọn nguồn cách mạng của mảnh đất Quảng Trị, quê hương của Tổrg Bí thư Lê Duẩn chảy mãi trong ký ức của bao người Việt Nam.
Sớm giác ngộ tinh thần cách mạng, đồng chí Lê Duẩn là lớp người đầu tiên hưởng ứng và đi theo con đường cứu nước của đồng chí Nguyễn Ái Quốc.
Năm 1928, đồng chí tham gia Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội; năm 1930, trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ đó cho đến trước Cách mạng tháng Tám, đồng chí luôn nhận những trọng trách của Đảng, trực tiếp lãnh đạo nhân dân đấu tranh như: Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc kỳ (1931), Bí thư Xứ ủy Trung kỳ, UVTV Trung ương Đảng (1937). Đồng chí đã 2 lần bị địch bắt, tra tấn dã man và đày đi Côn Đảo.
Năm 1951, đồng chí Lê Duẩn được bầu vào BCH Trung ương Đảng và Bộ Chính trị. Từ năm 1947-1954, đồng chí giữ chức vụ Bí thư Xứ ủy, Bí thư Trung ương cục miền Nam.
Sau Hiệp định Geneve, đồng chí ở lại miền Nam tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1957, đồng chí ra Hà Nội lãnh đạo công việc chung của Đảng bên cạnh Hồ Chủ Tịch.
Năm 1960, đồng chí lại được bầu vào BCH Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, giữ chức vụ Bí thư thứ nhất và Bí thư Quân ủy Trung ương.
Từ năm 1975 cho đến ngày qua đời, trải qua 2 kỳ đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976) và lần thứ V (1982), trên cương vị ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Lê Duẩn là người lãnh đạo xuất sắc sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam.
|
Quảng Trị, đầu tháng 4/2014
Minh Huệ - Thanh Hoài
Baohatinh.vn
|