BS. Cứ A Hồng chăm lo sức khỏe cho đồng bào.
Với người Mông ở Mù Cang Chải, cây pơ mu là một người bạn. Họ được sinh ra trên những chiếc giường gỗ pơ mu. Họ lớn lên và được che chở trong những nếp nhà pơ mu. Vẫn biết là vậy, song khi hỏi người dân ở đây về “cây pơ mu trắng” thì mới vỡ lẽ ra rằng họ đang nói đến một người thầy thuốc đã gắn bó hơn 30 năm với xứ sở này, mang tấm lòng y đức phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho bà con dân tộc nơi đây.
Tìm đến nơi “cây pơ mu trắng” mọc
Duyên phận đã cho chúng tôi có cơ hội được trò chuyện với vị bác sĩ đặc biệt này qua một chuyến công tác đầu năm tháp tùng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lên công tác tại Mù Cang Chải vừa qua. Cây “pơ mu trắng” ấy chính là bác sĩ (BS) Cứ A Hồng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Mù Cang Chải (Yên Bái). BS. Cứ A Hồng cũng là một trong những gương mặt tiêu biểu, đại diện cho hàng nghìn cán bộ y tế đang công tác tại vùng cao vinh dự được tham dự Chương trình giao lưu "Chăm sóc sức khỏe nhân dân: Vinh dự và Trách nhiệm" do Bộ Y tế tổ chức nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/2014) tại Thủ đô Hà Nội. Cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi với anh cũng khá đặc biệt, diễn ra ngay sau khi anh cùng đội ngũ y bác sĩ tại bệnh viện vừa thực hiện thành công một ca mổ khó cho người bệnh. Để đến được điểm hẹn này là cả một chặng đường di chuyển vô cùng vất vả trong điều kiện thời tiết giá rét, vượt qua nhiều đèo dốc dựng đứng, suối sâu vực thẳm. Đèo Khau Phạ là một trong những cung đường đèo quanh co và dốc đứng thuộc hàng bậc nhất Việt Nam “trấn thủ” đường vào Mù Cang Chải. Nó nằm giữa một vùng cao nguyên được bao quanh bởi những dãy núi điệp trùng. Những cung đường đèo quanh co giữa những cánh rừng già còn mang đậm nét nguyên sơ và những triền ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc Mông, Thái. Vượt qua vùng đèo heo hút gió và mịt mùng sương phủ, lên cao gần năm chục kilômet nữa mới thấy thị trấn Mù Cang Chải. Bà con dân tộc nơi đây đi chợ hay đến các điểm khám chữa bệnh chủ yếu là đi bộ, rất vất vả do điều kiện còn khó khăn. Dù được chuẩn bị quần áo khá kỹ, song cái lạnh ở vùng sơn cước vẫn thấu vào da thịt. Cầm cốc trà nóng trong tay trong căn phòng làm việc của BS. Cứ A Hồng mà vẫn thấy rét run cầm cập. Qua tấm cửa kính, nhìn ra ngoài chỉ thấy một màn đen đặc quánh, gió rít ù ù, ánh đèn điện bên ngoài đùng đục vàng leo lét trong màn sương mù dày đặc. Trong lúc chờ đợi BS. Hồng, chúng tôi “dò dẫm” sang phòng hồi sức cấp cứu của bệnh viện, chị Sùng Thị Bầu, xã Kim Nọi (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) đang cho đứa con trai mới sinh uống sữa, tâm sự: “Tôi được mổ cấp cứu vào lúc 10 giờ đêm hôm qua. Cũng may sau hơn 2 tiếng từ khi vào viện, tôi đã sinh cháu trai nặng 2,8kg. Sau này bác sĩ cho biết, tôi bị vỡ ối trước khi đến đây, trong khi đó con tôi mới được gần 37 tuần tuổi, nếu không được mổ cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng của cả hai mẹ con”. Đang dở câu chuyện, thấy cô y tá vào trao đổi với chị Sùng Thị Bầu bằng tiếng dân tộc. Hỏi lại mới biết cô y tá vừa giúp chị làm xong thủ tục bảo hiểm y tế cho hai mẹ con, đồng thời hướng dẫn chế độ ăn uống, cách chăm sóc sức khỏe cho cháu bé sau khi sinh. Không gian bệnh viện chìm dần vào bóng đêm, những dãy hành lang thưa dần bước chân người qua lại. Chỉ còn thấp thoáng bóng áo blouse trắng của các y sĩ, bác sĩ đi thăm buồng bệnh. Hơn 7 giờ tối, ca mổ chửa ngoài dạ con cho chị Giàng Thị Dở (người dân tộc Mông) kết thúc. Đây là ca mổ thứ ba trong ngày do BS. Cứ A Hồng thực hiện. Dù biết chúng tôi đợi anh gần 3 tiếng đồng hồ như đã hẹn, BS. Cứ A Hồng vẫn nán lại kiểm tra người bệnh, nhắc nhở kíp mổ tiếp tục theo dõi, chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật. Thay cho lời chào, BS. Cứ A Hồng thông báo: Ca mổ đã thành công dù thời gian có kéo dài hơn so với thường lệ, do trong quá trình mổ có một số vấn đề phát sinh...
Người thầy thuốc quyết chiến với ma rừng
Đối diện với chúng tôi, người được dân bản ở đây thường ví gọi là “cây pơ mu trắng” là một người đàn ông có dáng người thấp, đậm nhưng phong cách rất nhanh nhẹn đặc biệt là đôi mắt quyết đoán. Anh Cứ A Hồng tâm sự, anh sinh ra và lớn lên tại Mù Cang Chải trong một gia đình cách mạng. Anh sinh năm 1962, là người con thứ ba trong gia đình có tới 13 người con. Mẹ anh mất sớm khi các anh chị em còn nhỏ, khi đó cuộc sống gia đình gặp vô vàn khó khăn. Điều kiện càng trở nên khắc nghiệt khi Mù Cang Chải lúc đó vẫn là huyện nghèo khổ nhất trong cả nước. Không chỉ riêng gia đình anh mà hầu hết cuộc sống của người dân ở các thôn bản Thái, Mông đều rất tăm tối, đói rét quanh năm, thất học bám riết người dân. Lúc ấy được sự động viên của các cấp chính quyền, của các chiến sĩ bộ đội đóng quân trên địa bàn, đặc biệt sự động viên từ người bố quyết cho các con phải đọc được cái chữ, anh và cả mấy chị em “cơm nắm cắm bản” để học. “Năm 1979, sau khi học hết chương trình lớp 7, tôi nộp hồ sơ dự thi vào Trường trung cấp Y Yên Bái và Trường 7+2 ở thị xã Nghĩa Lộ. Sau một thời gian có giấy gọi đi học trường y sĩ trước, khi đó tôi nghĩ thôi thì cũng là cái duyên số mình cứ đi học nghề, mà lúc này không chỉ người trong nhà mà người dân ở đây cũng cần chăm sóc, thăm khám bệnh. Mình học về sẽ thích hợp hơn và tôi quyết chọn học trường y. Sau khi ra trường, tôi được phân công về công tác tại Ban Y tế huyện Mù Cang Chải. Khi về công tác tại đây, tôi tiếp tục đi học tại Trường trung cấp Y Phú Thọ, sau đó theo học và tốt nghiệp lấy bằng bác sĩ tại Trường đại học Y khoa Thái Nguyên. Thời điểm đó, bệnh viện gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Do chế độ đãi ngộ cho cán bộ y tế, nhất là cán bộ y tế ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế, nên một số cán bộ của đơn vị xin chuyển đến đơn vị khác công tác hoặc xin chuyển vùng. Do bệnh viện thiếu cán bộ phẫu thuật, năm 1988, tôi được cử đi học lớp phẫu thuật viên ngoại sản tại Bệnh viện đa khoa Nghĩa Lộ (Yên Bái). Vì lúc đó có nhiều trường hợp cần mổ cấp cứu mà bệnh viện không thực hiện được, nên phải chuyển lên tuyến trên và thực tế có trường hợp tử vong trong quá trình chuyển tuyến. Từ thời điểm đó tới nay, cùng với việc vừa làm công tác chuyên môn, công tác quản lý, vừa xây dựng gia đình (hiện nay vợ tôi cũng công tác tại đây), tôi cùng các y bác sĩ ở đây tiến hành thành công nhiều ca mổ, dần thuyết phục được bà con tin tưởng khi tìm đến bệnh viện, không chuyển lên tuyến trên”, anh Hồng say sưa nói. Kỷ niệm về ca mổ đầu tiên trong đời, cũng là lần đầu tiên bệnh viện thực hiện gắn với quyết định “để đời” được BS. Cứ A Hồng nhớ lại đó là một ca mổ cắt tử cung cho một sản phụ. Anh kể: “Khi tiếp nhận bệnh nhân này, sức khỏe của chị rất yếu, khám lâm sàng cho thấy tình trạng bệnh ở mức nguy kịch. Thời điểm đó, tại bệnh viện không được phép thực hiện ca phẫu thuật nói trên. Những giờ phút ấy tôi bị ám ảnh bởi ánh mắt thẫn thờ của đứa bé đang bám chặt lấy bàn tay của cha nó đứng ngoài cửa nhìn về phía người mẹ đang thở thoi thóp. Anh chồng người Mông với vẻ mặt khắc khổ, lầm lũi chẳng nói gì chỉ đưa mắt nhìn chăm chăm vào bảng mạch điện tử của máy hô hấp đang hiển thị những dòng vạch ngắn đặt bên cạnh người vợ như muốn cầu xin điều gì đó. Trong giây phút ấy, tôi chạy ngay lên phòng lãnh đạo đề nghị với lãnh đạo bệnh viện để người bệnh lại phẫu thuật vì nếu chuyển người bệnh về tuyến trên phải đi hơn 100km, thì người bệnh chắc chắn sẽ tử vong trên đường. Tôi cũng tin mình có thể làm được sau những gì đã qua đào tạo.
BS. Cứ A Hồng theo dõi trẻ sơ sinh
Sau khi thuyết phục được người bệnh chấp nhận, lãnh đạo bệnh viện đồng ý phương án, tôi chuẩn bị tiến hành ca mổ đầu đời của mình một cách thận trọng. Nhát rạch đầu tiên trên cơ thể bệnh nhân mà lần đầu tiên tôi thực hiện còn ám ảnh đến bây giờ. Lúc đó tôi run lắm nhưng nhờ có đồng nghiệp trong kíp mổ liên tục đưa mắt động viên nên những thao tác sau đó tôi tự tin hơn, thuần thục hơn. Trong phòng mổ lạnh mà trán tôi toát cả mồ hôi, thỉnh thoảng kỹ thuật viên lại lấy khăn thấm giúp. Ba tiếng đồng hồ trôi qua rất chậm không có tiếng ồn ào chỉ có tiếng lạch cạch của dụng cụ, tiếng chíp chíp đều đặn phát ra từ máy điện tim đồ. Thỉnh thoảng tôi lại đưa mắt nhìm lên bảng điện tử để theo dõi chỉ số sinh tồn của người bệnh. May mắn thay, sau gần 3 giờ đồng hồ, tôi và các đồng nghiệp đã mổ thành công. Quả thật bắt đầu thực hiện ca mổ, xuất hiện những khó khăn mà trước đó mình chưa lường hết được, từ việc trang thiết bị thiếu đồng bộ, nhất là thiếu người phụ mổ. Qua ca mổ đó, bản thân tôi tự tin hơn rất nhiều và cũng là tiền đề trong việc triển khai và áp dụng các kỹ thuật mới trong phẫu thuật sau này”. Bây giờ nghĩ lại thấy mình “liều quá” nhưng anh cũng thấy quyết định của mình xuất phát từ trách nhiệm, lương tâm người thầy thuốc, đặt tính mạng sức khỏe của người bệnh lên trên hết, đánh cược trách nhiệm của mình trước sự sinh tồn của người bệnh. Một câu chuyện nữa cũng ấn tượng không kém mà anh và các đồng nghiệp đã làm được đó là thay đổi một quan niệm, một hủ tục của người Mông sinh sống tại đây. Với quan niệm của người Mông, chuyện người nhà hiến máu cho người thân của mình “từ xưa đến giờ” là không có. Người Mông quan niệm rằng, khi lấy máu của mình truyền cho người thân trong gia đình, nếu người đó không qua khỏi, người cho máu sẽ chết theo. Để người dân tin, cán bộ của bệnh viện đã trực tiếp cho máu, đồng thời mời người dân đến chứng kiến. Khi họ thấy việc cho máu không ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn cứu được người nhà của họ, lúc đó họ mới tin vào thầy thuốc, nghe theo thầy thuốc. Bây giờ khi có yêu cầu hiến máu cho người thân của mình, ai nấy đều sẵn sàng và không còn lo lắng như trước kia. Và cũng có nhiều chính sách nữa như tham gia mua bảo hiểm, tiêm vaccin, phòng dịch bệnh được anh và đồng nghiệp truyền tải đến người dân bằng những cách làm thiết thực, gần gũi song hiệu quả.
BS. Giàng A Dình, Trưởng khoa Nội - Nhi - Lây, Bệnh viện đa khoa Mù Cang Chải cho chúng tôi biết: Bệnh viện hiện nay thuộc hạng ba tuyến huyện, do đặc thù vùng sâu, vùng xa, cho nên bệnh viện mới chỉ có hai khoa là Nội - Nhi - Lây và Ngoại - Sản - Hồi sức cấp cứu mà chưa tách các khoa riêng biệt như ở nhiều nơi khác. Nguyên nhân chính do thiếu nguồn nhân lực. Vì vậy, ngoài chuyên môn sâu của mình, các y, bác sĩ còn phải học hỏi thêm những kiến thức chuyên môn khác thuộc khoa mình phụ trách. Để làm được điều đó, trong nhiều năm qua, BS. Cứ A Hồng thường xuyên động viên và tạo điều kiện cho mọi người tham gia các lớp đào tạo chuyên môn ngắn hạn. Đồng thời, với kinh nghiệm, kiến thức sẵn có của mình, BS. Cứ A Hồng hướng dẫn, truyền đạt cho mọi người với phương châm “cầm tay chỉ việc”. “Đơn cử như bản thân tôi, là bác sĩ chuyên khoa nhi, song có thể thực hiện tốt các chuyên môn khác như đỡ đẻ, gây mê, hồi sức, phụ mổ... Hiện nay, không chỉ tôi mà nhiều y sĩ, bác sĩ trong khoa có thể chủ động giải quyết những sự việc phát sinh trong quá trình điều trị và giúp đỡ các đồng nghiệp trong khoa khi cần thiết” - BS. Giàng A Dình nói. Bằng sự tâm huyết với nghề, với bà con dân bản cùng đội ngũ y bác sĩ ở đây, thời gian qua, bệnh viện đã tạo được niềm tin của người dân địa phương nên số lượng người dân đến khám, điều trị tăng trung bình mỗi năm từ 10 - 15%. Năm 2013, bệnh viện khám và điều trị cho hơn 14 nghìn lượt người, giảm chuyển tuyến 10%. Số ngày điều trị trung bình của người bệnh nội trú tăng từ 4,72 ngày lên 5,25 ngày... Riêng trong năm 2013, bệnh viện cơ bản giải quyết được các trường hợp cấp cứu cần phẫu thuật, thủ thuật tại chỗ cho hơn 160 trường hợp, trong đó chủ yếu là phẫu thuật vỡ lách, phẫu thuật ruột, cắt ruột, mổ thủng dạ dày, chửa ngoài dạ con, cắt tử cung bán phần..., không để xảy ra bất cứ sai sót nào.