60 năm đã qua, trong ký ức những người tham gia trận khai hỏa vào 17 giờ 10 phút ngày 13.3.1954, mà chúng tôi gặp lại hôm nay vẫn “vẹn nguyên” chiến thắng vang dội của bộ đội ta chiếm lĩnh đồi Him Lam.
Chiến thắng mở đầu cổ vũ, động viên ý chí, tinh thần của những người lính “đầu nung lửa sắt” để làm nên một Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Để hiểu rõ hơn về trận đánh mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi đã tìm gặp những người được vinh dự nhận lệnh nã phát đại bác đầu tiên vào lô cốt, hầm, hào… của địch tại cứ điểm Him Lam.
Nã pháo vào cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ chiều ngày 13.3.1954. Ảnh tư liệu
Dù sức khỏe rất yếu nhưng khi được hỏi về trận đánh Him Lam thì ông Ngô Tiến Cúc, tổ 8, phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ như khỏe ra, kể lại cho chúng tôi: Tham gia trận đánh đồi Him Lam, ông thuộc đại đội 670, tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312. Để có thể nắm chắc chiến thắng, ông và đồng đội được giao nhiệm vụ đào công sự vào cách đồn địch 200m.
Việc áp sát địch bằng đường hào của đơn vị ông phải cực kỳ bí mật vì liên quan tới yếu tố bất ngờ của trận mở màn chiến dịch. Chính nhờ áp sát sào huyệt và nắm được bố phòng lực lượng của địch nên trong trận Him Lam pháo binh ta hoàn toàn làm chủ thế trận. Theo dự kiến, loạt pháo đầu tiên sẽ nã vào đồn địch lúc 16 giờ nhưng sau đó, chỉ huy mặt trận quyết định hoãn đến 17 giờ 10 phút.
Đôi mắt như rực sáng, ông Cúc nói: “Lúc ấy, khí thế của bộ đội ta sôi sục, hừng hực. Sau khi được pháo binh yểm trợ, Trung đoàn của tôi đã chiếm được cứ điểm Him Lam”. Ông và anh em trong đơn vị cõng anh Phan Đình Giót về nơi an táng. Đó là kỷ niệm mà ông không thể nào quên.
Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Chấp.
|
Một địa chỉ nữa mà chúng tôi đến là nhà ông Nguyễn Hữu Chấp, tổ dân phố 20, phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ. Người thứ 2 tham gia trận đánh đồi Him Lam hiện còn sinh sống tại T.P Điện Biên Phủ. Ở tuổi 83 nhưng ông Chấp vẫn nhanh nhẹn, tác phong người lính thể hiện rõ khi ông ngồi tiếp chuyện với chúng tôi.
Trong trận đánh chiến thắng vang dội đầu tiên trên chảo lửa cánh đồng Mường Thanh, ông là khẩu đội trưởng cối 82 ly, đại đội 290, tiểu đoàn 166, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312.
Ông Chấp kể: Tham gia trận khai hỏa, ông được giao nhiệm vụ khẩu đội trưởng cối 82 nhiệm vụ quan trọng trong trận đánh mở màn chiến dịch. Với quyết tâm tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Him Lam nên khẩu đội của ông đã không quản khó khăn, vất vả ròng rã nửa tháng trời đào hào từ Tà Lèng vào đến gần đồi Him Lam.
Ông và đồng đội đã phải chia nhau từng hớp nước, nắm cơm và suốt ngày đêm phải vùi mình trong bùn đất ẩm ướt thiếu khí thở, ngột ngạt… ngày nắng hầm hập dội xuống như trong chảo rang. Mong mỏi của mọi người nhanh chóng đến gần với quân Pháp, ra khỏi mặt đất để chiến đấu đã trở thành hiện thực, khi khẩu đội của ông nhận lệnh khai hỏa, hợp đồng tác chiến cùng đồng đội vào 17 giờ 10 phút, ngày 13.3.1954.
Ngày đáng nhớ, hồi hộp và sung sướng trong cuộc đời binh nghiệp của tôi - ông Chấp nói: Bởi tôi và đồng đội ngồi bên nhau trong chiến hào chờ kim đồng hồ nhích từng giây, động viên nhau, cùng mong mỏi được bật nắp hầm nã những phát đạn pháo đầu tiên vào kẻ thù. Và phút mong chờ đã đến, những loạt đại bác đồng loạt nã vào lô cốt, hầm... Khẩu đội của ông có nhiệm vụ bắn thẳng vào Sở chỉ huy cứ điểm Him Lam, sau gần một đêm chiến đấu ròng rã, bộ đội ta làm chủ hoàn toàn trận địa.
60 năm đã trôi qua, nhưng trong ký ức của người tham gia đánh cứ điểm Him Lam vẫn vẹn nguyên niềm tự hào. Trận thắng mở màn cổ vũ rất lớn tinh thần chiến đấu của bộ đội ta trên khắp các mặt trận, góp phần làm nên chiến thắng vang dội chiều ngày 7.5.1954.
Theo ĐBP - Nguồn Dân Việt
|