Hơn 25 năm làm vợ, mười tám lần dìu chồng vào bệnh viện cưa tứ chi, những tưởng người phụ nữ ấy không còn đủ sức lực để vượt qua nỗi đau mất mát và cơ cảnh khốn cùng.
Người phụ nữ giàu nghị lực Hoàng Thị Tám ngày đêm chăm sóc chồng.Nhưng bằng tình cảm của một người vợ, người mẹ, hay nói đúng hơn là tình yêu thương, chị đã tự thắp sáng lên niềm tin yêu mãnh liệt vào cuộc sống.Người phụ nữ ấy tên là Hoàng Thị Tám ở khóm 3, thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị).
Từ thị trấn huyện Cam Lộ, theo đường Hồ Chí Minh về phía Bắc, đi thêm chừng bốn mươi cây số nữa là đến căn nhà nhỏ của chị Tám. Biết tôi hỏi chuyện mười tám lần đưa chồng vào bệnh viện cưa tứ chi, chị buồn buồn nói: "Ơn trời cho tui đừng phải thêm lần mô nữa đưa ba mấy đứa nhỏ vô viện!”.
Năm 21 tuổi, chị Tám tốt nghiệp Trung học Quân y. Sau khi công tác tại Bệnh viện 268 (Thừa Thiên - Huế) được ít lâu, chị được điều động về Nông trường Quyết Thắng (Vĩnh Linh) vừa làm y tá, vừa tăng gia sản xuất. Một buổi sớm trong lúc phun thuốc trừ sâu cho vườn chè, chị Tám đã sơ ý để thuốc đổ vào người và phải vào bệnh viện huyện cấp cứu. Tại đây, chị đã gặp anh thương binh Trần Văn Diên trở về từ chiến trường và nhập viện do vết thương tái phát phải cưa mất chân phải. Chị điều trị ở khoa ngoại, còn anh ở khoa nội. Đêm nào chị cũng nghe anh khóc, đòi chết vì cơn đau. Một lần tình cờ ghé chỗ anh nằm, nhìn thấy anh xanh xao trên giường bệnh, còn người mẹ già tóc bạc trắng thì cứ ôm lấy con mà dỗ dành... Chứng kiến cảnh này, chị Tám không sao cầm được nước mắt. Lành bệnh chị xin bác sĩ cho ở lại viện thêm mấy tháng để chăm sóc anh. Hôm chia tay, chị Tám đã để lại địa chỉ và lời hẹn: "Anh cố gắng ăn uống mau lành bệnh. Lúc nào có điều kiện lên Nông trường Quyết Thắng sẽ gặp em!”.
Một chiều thứ Bảy, lúc loanh quanh ở vườn chè, chị Tám nhìn thấy hai người đàn ông đèo nhau trên chiếc xe đạp cũ, hỏi đường vào Nông trường Quyết Thắng. Người ngồi sau cố ngoái đầu lên trước nhưng không thấy bước xuống xe…Linh cảm mách bảo, chị Tám nhào ra đường và gặp anh cũng đang cố nhoài người khỏi chiếc xe cố ôm chầm lấy chị… Chị Tám bỏ dở câu chuyện, lấy khăn lau nước mắt cho chồng. Anh Diên thì sụt sùi như trẻ con, kể tiếp: "Từ hôm nớ, tui và mẹ hắn yêu nhau. Ông trời có cho tui sống thêm một đời nữa cũng không thể trả hết nợ cho cô ấy”.
Sau lần ấy, cứ vào chiều thứ Bảy, anh lại nhờ bạn đèo lên nông trường thăm chị. Có lần đợi mãi không thấy, chị mượn xe đạp vượt mấy chục cây số về thăm anh. Biết chuyện, bên gia đình chị ngăn cản, nhưng về sau đành chấp thuận... Chị Tám nhớ lại: "Ngày 4-6-1985 ấy là ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời tui!. Chỉ có một cái loa của nông trường để mọi người hò hát, nhưng vui thì không mần răng mà tả cho hết!”.
Cưới nhau được một năm thì chị Tám sinh con. Lúc đứa con vừa tròn ba tháng tuổi, anh Diên bỗng nhiên phát bệnh trở lại. Lần này anh bị cưa thêm một phần chân phải. Tiền ky cóp của hai vợ chồng phải dồn hết để anh chữa bệnh trong khi gia đình nội, ngoại đều nghèo, mình chị nuôi con nhỏ chẳng biết nhờ cậy vào ai. Ba năm sau, lúc chị sinh thêm đứa con thứ hai anh lại đổ bệnh phải nhập viện dài ngày. Lần này, bác sĩ phát hiện anh bị chứng bệnh viêm tắc tĩnh mạch, phải cưa mất một phần của cánh tay trái. "Hồi đó thấy hoàn cảnh tui bế tắc nên xóm giềng mỗi người góp một ít tiền giúp đỡ. Xóm giềng cũng nghèo, tiền mô mà giúp mãi. Hết tiền, tui đành đưa ba mấy đứa nhỏ về nhà sống trong khổ cực”, chị Tám nhớ lại chuyện cũ, nói trong dòng nước mắt...Năm 2014 này, chị đã trải qua hơn 25 năm làm vợ người đàn ông không may mắn liên tục bị cưa, cắt một phần thân thể. 25 năm, mười tám lần người phụ nữ giàu nghị lực ấy đã phải đưa chồng đi khắp các bệnh viện từ Nam ra Bắc để cưa tứ chi. Chị Tám nói trong nước mắt: Nghèo đói chị không sợ nhưng sợ nhất là cứ phải hết lần nọ đến lần kia đưa chồng vào bệnh viện cưa chân, tay. Những lần như thế, ruột gan chị cứ quặn thắt lại vì đau đớn. Ước chi có được một phép màu, để người phụ nữ giàu nghị lực như chị Tám không còn phải thêm lần nào nữa chịu thêm nỗi đau do vết thương tái phát trên thân thể chồng!