Ông Trần Văn Tâm hướng dẫn tác chiến trên tấm sơ đồ do ông vẽ.
Năm 2015, ông sẽ vinh dự nhận huy hiệu 50 tuổi Đảng. Công lao của ông đáng để cho thế hệ mai sau noi theo.
Hễ thấy máy bay Mỹ là bắn cháy
Không khí sắc xuân đang về trên mảnh đất anh hùng Kỳ Trà (nay là xã Tam Trà, huyện Núi Thành, Quảng Nam), bất chợt cơn mưa rừng trút xuống xối xả, các đồi núi chìm trong mưa rừng. Hai bên đường, người dân tất bật khai thác cây keo bán lấy tiền sắm Tết.
Các xã vùng Tây Núi Thành, Quảng Nam như Tam Thạnh - Tam Sơn và Tam Trà, vốn là vùng căn cứ cách mạng, vì vậy hứng chịu rất nhiều bom đạn trong chiến tranh. Và nay, đời sống nhân dân đã khởi sắc. Đến đây, hỏi về người chiến sĩ 3 lần bắn cháy máy bay Mỹ là ai cũng biết, đó là ông Trần Văn Tâm (SN 1948 ở thôn 2 xã Tam Trà). Những chiến công xuất sắc của ông Tâm trong chống Mỹ cứu nước đã đi vào lòng dân vùng đất Tam Trà hôm nay. Cứ mỗi lần ông bắn cháy máy bay Mỹ là vinh dự được trao tặng huy hiệu “Dũng sĩ bắn máy bay Mỹ” và huy hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”….
Dáng người nhỏ, thấp nhưng rất nhanh nhẹn và nụ cười luôn tươi rói dù ông đã 66 tuổi, trải qua biết bao gian khổ, đạn lửa. Bàn tay ông lướt trên tấm sơ đồ tác chiến, bất ngờ dừng lại tại một đồn bốt của địch được ghi dấu trên tấm sơ đồ như đang chỉ huy bước trận chiến vậy. Ông chỉ vào đồn bốt địch và nói: “Đây là trận chiến quyết liệt giữa ta và Mỹ bắt đầu cho cuộc kháng chiến chống Mỹ sau khi quân chính thức đổ bộ xuống Kỳ Trà vào 1966”.
Ông chỉ vào các con đường ngoằn ngoèo, các đồi dốc được in đậm trên tấm sơ đồ tác chiến kể lại những ngày nhỏ tuổi làm liên lạc cho cách mạng: “Do gia đình nghèo khổ nên tôi chỉ học đến lớp 2 rồi nghỉ. Đầu năm 1959, lúc này tôi mới 11 tuổi và được cách mạng chọn làm liên lạc, đưa tin tại vùng đất Kỳ Trà. Lúc đó còn nhỏ mà tôi nhanh nhẹn và nắm được tin tức quân sự nhanh nên được cấp trên tin tưởng và sau đó được giao nhiều trọng trách về quân sự tại vùng đất Kỳ Trà”.
Ông Tâm bên các huy hiệu dũng sĩ diệt Mỹ, bắn máy bay Mỹ.
Đến năm 17 tuổi, ông Tâm được cấp trên giao chức Thôn đội trưởng và một năm sau đó đã là Đảng viên, rồi Xã đội trưởng Xã đội Kỳ Trà và Đội trưởng Đội Công tác vùng địch huyện Núi Thành cho đến ngày giải phóng. “Nhận lệnh cấp trên, tôi đi đến từng nhà dân tại vùng Kỳ Trà để vận động mọi người tham gia cách mạng, làm du kích đánh địch tại quê hương mình. Với chức vụ Xã đội trưởng Kỳ Trà, tôi quản lý, chỉ huy hơn 100 chiến sĩ du kích cho cả một khu vực rộng lớn như Ấp chiến lược Đức Phú, Khu đồn Kỳ Bích, Kỳ Hưng, Kỳ Chánh, Kỳ Trà, Ấp 10 Tam Đại…”, ông Tâm nhớ lại.
Đáng khâm phục, chỉ mới học lớp 2, ông Tâm đã vẽ được tấm sơ đồ tác chiến khoa học dựa trên sự nắm bắt tình hình “ta - địch” tỷ mỷ. Từ đó chiến công nối tiếp chiến công với những trận đánh đầy mưu trí sáng tạo. Ông kể lần đầu tiên dùng súng trường bắn rơi máy bay Mỹ: “Năm 1966, Mỹ bắt đầu dùng trực thăng để đổ những toán biệt kích trên những điểm cao tại vùng Kỳ Trà, tạo điều kiện để bộ binh càn quét, chiếm đóng vùng cách mạng Kỳ Trà chúng ta, vì ngày đó Kỳ Trà được coi là cái nôi cách mạng của vùng Tây Núi Thành. Vào năm 1967, tôi đang đi công tác nắm tình hình địa bàn để tổng hợp báo cáo lên cấp trên, vừa đến ngã Bà Thời bất ngờ gặp ổ địch đổ quân bằng máy bay Mỹ. Lúc này, tôi nằm bò sát núp vào một lùm cây đang mang cây súng trường loại Ga-răng M1 theo người, chờ máy bay Mỹ bay bay chậm rà sát ngọn tre. Tôi quỳ xuống ngắm và xả liền một băng đạn. Chiếc máy bay mất đà, quẹt vô bụi tre và nhào xuống suối gần đó”.
Rồi ông kể tiếp, vào năm 1970, cũng đang đi công tác nắm tình hình và khi đến địa bàn cầu Ri (ở địa phận Đức Phú) cũng dùng súng trường Ga-răng M14 bắn rơi một chiếc máy bay Mỹ. “Đến năm 1971, tại đồn tranh ông Tú, chiếc HU1A đang chở toán “Mỹ lết” cũng bay rất thấp, tôi liền bắn bằng khẩu Ga-răng M2 và lần này trúng ngay thùng xăng nên máy bay bốc cháy đỏ rực cả một góc trời”, ông Tâm kể lại 2 lần bắn cháy máy bay Mỹ càn quét tại vùng đất Kỳ Trà.
Bên cạnh đó, ông dùng mìn tự tạo cùng đồng đội đánh cháy đến 19 chiếc xe tăng Mỹ và trực tiếp đánh cháy 2 chiếc.
Vẽ sơ đồ tác chiến để giáo dục thế hệ trẻ
Dù chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã độc lập - tự do, cảm nhận được khí thế sẵn sàng chiến đấu của người lính già vẫn mạnh mẽ, quyết liệt như ngày nào. Và, hơn ai hết, ông Tâm hiểu rằng để đánh thắng địch, ngoài sự mưu trí gan dạ còn phải có chiến lược, chiến thuật hợp lý. Để có được điều đó phải nắm rõ được tình hình, lực lượng và quy luật hoạt động của địch. Ông bảo rằng, không biết bao nhiêu lần, ông ngồi nhớ lại những nơi mình đi qua, những trận đánh mình tham gia cũng như thu thập nhiều nguồn tin để hình thành trong đầu một sơ đồ tác chiến và ông đã mày mò, hình dung rồi vẽ đi vẽ lại hàng chục lần “sơ đồ tác chiến xã đội Kỳ Trà”.
Sau mỗi trận đánh hay mỗi động thái của địch là ông lại bổ sung thêm thông tin vào tấm sơ đồ “bảo bối” của mình. Ông nói: “Vào năm 1960, tấm sơ đồ tác chiến tại vùng đất Kỳ Trà do tôi tự mày mò vẽ đến sau ngày giải phóng thì tấm sơ đồ hoàn chỉnh với đầy đủ các chi tiết phục vụ tác chiến. Trong một lần được mời ra để nhận huy hiệu “Dũng sỹ bắn máy bay” tôi đã mang tấm sơ đồ tác chiến này cho mọi người xem ai cũng trầm trồ khen hết”.
Theo quan sát của chúng tôi, tấm sơ đồ tác chiến dù được vẽ không theo một quy chuẩn cụ thể nào, nhưng nhìn vào tấm sơ đồ, ai cũng có thể hình dung được bởi những địa danh cụ thể, gần gũi với những người dân và du kích nơi đây như Sông Mùi, sông Xà Lang, suối Bà Bảy, đồi Cây Chay, đèo Ba Ví, đồi U Voi…Với hàng chục chi tiết được mô tả bằng hình vẽ sống động, dễ nhận biết như đồn địch, cơ quan ngụy quyền, bãi xe tăng hay trận địa băn máy bay…Hầu như tất cả các tuyến trục hành quân hoặc tiếp viện của địch được ghi chú tỷ mỷ cùng với những địa điểm phục kích hiệu quả.
Ông kể: “Qua mỗi chiến dịch vào các năm 1961, 1966, 1972… đều được tôi ghi lại trên tấm sơ đồ tác chiến này để rút ra kinh nghiệm chiến đấu với việc thể hiện cách bố phòng của địch, các mũi đột kích và bao vây của ta nhằm tổ chức cho các trận đánh về sau”. Tuy là sơ đồ để tác chiến của một xã, nhưng ông cũng không quên ghi chú những chi tiết quan trọng của các địa bàn giáp ranh phục vụ việc tổ chức đề phòng âm mưu của địch ở các hướng như Tam Thái (Phú Ninh), Trà Thượng (Trà My), Kỳ Thạch, Kỳ Bích, Kỳ Quế, Kỳ Yên (Núi Thành)…
Ông tâm huyết nói: “Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Kỳ Trà là xã anh hùng. Khi nhìn vào tấm sơ đồ tác chiến Kỳ Trà do tôi vẽ là các cựu chiến binh, gia đình chính sách họ biết rõ đâu là trận đánh thắng năm nào. Nhưng, thế hệ trẻ sinh sau 1975 nhìn vào tấm sơ đồ tác chiến này không nhận ra được. Vì vậy, cứ mỗi lần đến ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam – 22/12, tôi đem tấm sơ đồ tác chiến ra treo lên để kể lại toàn bộ những chi tiết, trận đánh được phác họa lại trên tấm sơ đồ cho thế hệ trẻ và các cháu học sinh biết được lịch sử hào hùng của quê hương, đặc biệt là bộ đội vừa mới xuất ngũ. Tôi có kèm theo một bản thuyết minh cho tấm sơ đồ tác chiến này”.
Trước khi chia tay ra về, ông không quên nói với tôi là: “Tôi sẽ bổ sung thêm nhiều điểm mới cho phù hợp với thực địa hiện nay. Bởi biết đâu sau này có người cần dùng đến nó. Mục đích chính của tôi là vẽ tấm sơ đồ tác chiến Kỳ Trà lưu lại để giáo dục cho thế hệ mai sau biết được lịch sử của xã nhà”.