(Dân trí) - Từ lời giới thiệu của Nhà thiết kế Minh Hạnh, tôi bỗng nhớ đến một nữ phi công đúng 20 năm trước đã làm nên một chuyện mà báo chí tây, ta hết sức xôn xao đó là lái trực thăng từ Paris qua 22 nước để trở về Việt Nam…
Đến 16h chiều cuộc biểu diễn thời trang Việt mới diễn ra tại Lâu đài sang trọng Chambord, nhưng ngay từ sáng sớm trước cả giờ Lâu đài mở cửa cho khách du lịch vào tham quan, một số bạn bè Pháp, Việt đã có mặt để giúp đỡ đoàn thời trang Minh Hạnh mới từ Việt Nam sang. Không nề hà việc gì, họ khuân hành lý, đạo cụ, sắp xếp ghế ngồi, chuẩn bị “cơm hộp” cho nhóm sinh viên tình nguyện ăn trưa. Tôi nhận ra đó là vợ chồng ông Tổng Lãnh sự Pháp tại thành phố Hồ Chí Minh khoá trước và cả cậu con trai và cô con gái đang lứa tuổi sinh viên cũng tham gia.
Cùng với gia đình ông Tổng Lãnh sự, tôi để ý đến hai ông bà đứng tuổi đang loay hoay với mấy con diều Huế, khi bà tỏ ý luyến tiếc, người ta đòi muốn đưa trực thăng đến tham gia buổi biểu diễn này phải trả phí bãi đỗ là 5.000 Euro... tính ra hơn 150 triệu VND, số tiền ấy cũng có thể chỉ được, nhưng có cần thiết như vậy không, vì số tiền đó có thể giúp được nhiều công viêc khác có ích hơn! Nhà thiết kế Minh Hạnh quay sang tôi giới thiệu, đây là chị Anoa Dussol Perran và nhà thơ Lopez Emili. Chị Anoa vốn là một phi công, chị có ý tưởng rất sáng tạo, dùng trực thăng kéo theo những con diều Huế, quốc kỳ Việt Pháp và có thể một nhóm người mẫu lượn trên bầu trời để thu hút công chúng rồi đáp xuống sân Lâu đài Chambord, Máy bay chị đã mượn được của đạo diễn bộ phim Ta xi…, nghe vậy tôi bỗng nhớ đến một nữ phi công đúng 20 năm trước đã làm nên một chuyện mà báo chí tây, ta hết sức xôn xao đó là lái trực thăng từ Paris qua 22 nước để trở về Việt Nam, chưa kịp nhớ lại những gì mà tôi đã đọc đã biết về chị, thì chị đã giới thiệu với tôi về nhà thơ... bạn chị, gia đình chị hôm nay, phải dậy thật sớm để lái xe từ Nantes vượt qua hơn 400 km đến đây. Nghe tôi nhắc lại chuyện chị lái máy bay trực thăng từ Pháp về, chị cười, bây giờ thì giao thông ở VN cũng đã được cải thiện, chứ như 20 năm trước khi về Việt Nam làm cố vấn đối ngoại cho công ty xây dựng FEAL Pháp, tôi đưa khách từ Hà Nội đến Vịnh Hạ Long chỉ chưa đầy 200 km tương đương đoạn đường từ Paris xuống Chambord mà các anh vừa đi, thế mà đi cả ngày; rồi khi đi Điện Biên Phủ phải mất đến 3 ngày, một ngày lên Mộc Châu, thêm một ngày nữa mới lên Tuần Giáo và đến ngày thứ 3 mới lên được Điện Biên. Chỉ đi về đã mất cả tuần lễ, vì vậy tôi muốn thành lập một công ty trực thăng đưa khách đi lại cho thuận tiện vì hầu hết khách từ châu Âu sang VN họ có rất ít thời gian. Trăm nghe không bằng một thấy, tôi trực tiếp lái máy bay về VN là để thấy rằng việc thành lập công ty bay trực thăng là đề án rất khả thi. Thế hồi đó chị định lập công ty “taxi” bay là do thực tế ở Việt Nam cần hay đã có ít nhiều kinh nghiệm?
Tác giả (thứ hai từ trái sang phải) đứng cạnh bà Anoa trước lâu đài cổ Chambord.
- Thực ra thì hồi ở Pháp, nhân một chuyến theo chồng đi ra các đảo St.Martin, đảo St.Barthemey ở Tây Phi, nằm trong khối Liên hiệp Pháp, đã nảy ra ý định thành lập một công ty bay bằng trực thăng ở hòn đảo xinh đẹp này. Và, tôi đã... thành lập Công ty bay dịch vụ mang tên Air St.Bảtheme Anoa vừa là Giám đốc điều hành, vừa là phi công trực tiếp lái máy bay chở khách đi du lịch thăm đảo, hoặc chở các doanh nhân đi công việc.
Để có giấy phép lái máy bay và thành lập công ty, Anoa đã phải tốt nghiệp Trường hàng không danh tiếng Orly và đã tự mua một chiếc máy bay Con SOC với giá 4 triệu Franc… từ niềm đam mê chơi trò chơi máy bay giấy đến lái máy bay thật bay lượn trên bầu trời nước Pháp đúng là cả một quá trình phấn đấu rèn luyện đầy bản lĩnh. Sang Pháp từ lúc 4 tuổi, chị sinh ra trong một gia đình đông anh em.
Năm 14 tuổi, Anoa tự vạch cho mình một “kế hoạch xây dựng cuộc đời” như sau: 18 tuổi phải biết lái ôtô. 21 tuổi có nhà riêng. 25 tuổi có công ty riêng. Khi thấy Anoa trịnh trọng dán “bản kế hoạch” lên trước bàn học, cả nhà ai cũng cười nghĩ là cô bé viển vông… nhưng đối với Anoa thì đấy là chương trình hành động nghiêm túc. Và, Anoa đã thực hiện hết sức cụ thể ngay từ khi còn trên ghế nhà trường phổ thông.
Khi mới 16 tuổi Anoa đi mua một căn nhà cũ, sửa chữa rồi đem bán. Có lãi, Anoa lại mua nhà, rồi lại bán... Chỉ trong 3 năm, chị mua, bán 10 căn nhà, và thế là có số vốn kha khá. Chị tâm niệm, muốn dấn thân vào kinh doanh lập nghiệp, điều quan trọng là phải thông hiểu luật pháp cho nên chị vào học trường Pháp lý công chứng tại Quận 17 Paris và tiếp đó là Trường Ngoại ngữ Quốc tế Paris tại quận 8.
Vừa học vừa kinh doanh, vừa kinh doanh vừa học, sau khi ra trường, lấy chồng được người chồng giúp sức trong lĩnh vực giao dịch thương mại bất động sản chị sớm trở thành triệu phú đô la.
Không phải khi chia tay người chồng chị mới có ý nghĩ trở về Việt Nam mà ngay từ mười năm trước đó khi mới lấy chồng, chị đã bày tỏ nguyện vọng về Việt Nam nhưng chồng chị khuyên ngăn nên đến năm 1992 chị mới thực hiện quyết tâm trở lại Việt Nam.
Trở về Việt Nam vậy mà đã 20 năm tròn! Thương trường đúng là chiến trường, phải gan góc, dám liều mình trước những khó khăn tưởng chừng như không vượt qua nổi, lập công ty bay, tàu bay bị nạn, đầu tư vào Phú Quốc khó khăn về thủ tục đến phải rút lui... ngay cả đến khi tưởng chừng như trồng cây đã đến ngày hái quả ở Vùng biển Long Hải Vũng Tàu, khu du lịch Anoasis Beach Resort được xây dựng bề thế tiện nghi thu hút đông đảo khách trong nước ngoài nước. Anoasis Beach Resort là khu du lịch đầu tiên ở Bà Rịa - Vũng Tàu được Tổng cục Du lịch VN gắn biển “4 sao” thì bất ngờ năm 2006 cơn bão số 9 (Durian) tràn qua phá nát.
Trước những thử thách đến nghiệt ngã như vậy, đã có người nghĩ chị bỏ cuộc, nhưng người phụ nữ mảnh mai ấy lại đứng dậy và được sự hỗ trợ từ một người bạn đường mới ông Ricardo Pẻrran từng làm Tổng giám đốc khách sạn 5 sao Sofitel Metropole Hà Nội để lại có một An Hoa residence ở Long Hải Vũng tàu được công nhận là cụm biệt thự du lịch cao cấp đầu tiên ở vũng Tàu và trở thành nữ doanh nhân thành đạt châu Á trong năm 2011.
Thời trang Việt đến với Nam nữ thanh thiếu nhi Pháp tại Lâu đài Chambord.
Trở lại sảnh Lâu đài Chambord, khi ông Gegard Boivineau vừa mặc xong chiếc áo dài Việt Nam màu xanh có thêu chữ thọ bước ra chào mọi người, chị Anoa rất vui: Các bạn thấy đó, ông Gegard nguyên là Tổng Lãnh sự Pháp tại Việt Nam ông là người Pháp trăm phần trăm mà còn mê văn hoá Việt vậy, tại sao mình là người Pháp mang dòng máu Việt lại không làm được như ông?
… “Mình là Việt kiều đi từ khi 4 tuổi, sống 35 năm bên Pháp, mình không biết văn hóa Việt Nam là như thế nào. Đến khi trở về, sống tới hai chục năm ở Việt Nam rồi, lúc đó tìm hiểu mới thấy tại sao văn hóa Việt Nam là quý báu, là tuyệt vời. Mình có gốc rễ Việt Nam nhưng cũng có 35 năm ở Pháp, con người như chia làm hai nửa - 50% Pháp, 50% suy nghĩ Việt Nam. Anoa quyết định chọn cái gì đẹp nhất trong văn hóa của mỗi nước để giới thiệu, quảng bá, vì làm du lịch thì cũng phải có văn hóa. Anoa có khả năng tiếng Pháp, vì thế cố gắng mỗi năm tổ chức xúc tiến một lần quảng bá văn hóa Việt Nam tại Pháp. Năm 2011, cùng tham gia tài trợ trong Lễ hội văn hóa Việt Nam tại Pháp ở Lorient, với đội ngũ trình diễn áo dài của nhà thiết kế Minh Hạnh. Năm 2012 thì ở Clermont-Ferrand”. Và 2013 là ở Chambord... cách Paris gần 200 km... nhưng sang năm 2014 thì sẽ làm lớn hơn ở Trung tâm Paris.
Với sự góp sức của những người như vợ chồng ông Gegard, vợ chồng ông bà Anoa những cánh Phượng hoàng thời trang Việt đã bay lên hết sức quyến rũ trên bầu trời Lâu đài Chambord nước Pháp...
Tất cả chỉ với một tấm lòng muốn văn hoá Việt được đến với công chúng Pháp, rộng hơn, sâu hơn và chị Anoa đã có một ước vọng sẽ thành lập một Trung tâm văn hoá Việt ở vùng Tây Bộ nước Pháp...
Nguyễn Lương Phán
|