Cụ Nguyễn Thị Trù cùng người con trai út, ông Nguyễn Hữu Phương
Bí quyết trường thọ
Bà Trù sống cùng gia đình người con trai út, ông Nguyễn Hữu Phương, năm nay cũng đã 72 tuổi. Cụ Trù có gương mặt hao gầy, nhiều vết đồi mồi thể hiện dấu ấn thời gian…Hiện sức khỏe của cụ không được như những năm trước, tâm trí cũng không còn minh mẫn cho lắm.
Chúng tôi từng nhiều lần gặp cụ Trù, sau khi cụ được trung tâm sách kỷ lục Việt Nam trao kỷ lục người thọ nhất Việt Nam, năm 2011. Ấy vậy, lần nào gặp, cụ cũng cầm tay hỏi han đủ thứ chuyện, quen thân như con cháu trong nhà...
Ông Phương là người con út trong số 11 người con của cụ Trù. Ông trưng ra giấy CMND, sổ hộ khẩu thể hiện mẹ mình sinh ngày 4/5/1893, quê gốc ở miệt Cần Guộc, tỉnh Long An.
Trước đây khi còn minh mẫn, cụ Trù kể khá chi tiết về cuộc đời mình. Cụ kể rằng, thời trẻ, cụ từng tham gia Cách mạng, làm công tác hội phụ nữ cứu quốc, làm hậu phương, tiếp tế lương thực và che dấu cán bộ...
Về lương duyên với người đàn ông duy nhất của đời mình, cụ Trù cười hóm hỉnh kể “nhà ông ấy hồi xưa cũng có của ăn của để. Khi ấy cưới hỏi theo sự sắp xếp của cha mẹ, chúng tôi nhìn mặt nhau là thành vợ chồng, có với nhau 11 người con...cho đến lúc ông ấy qua đời năm 1963 vì tuổi tác”.
Hỏi về bí quyết trường thọ? Cụ Trù cười cười nói: “Làm gì có bí quyết nào! Cứ sống thoải mái, tâm luôn hướng thiện là được”. Rồi cụ Trù chia sẻ, thời trẻ, tham gia công tác hậu phương cho Cách mạng nên lao động tay chân quần quật, từ đó sức khỏe dẻo dai, hầu như không có bệnh tật gì. Sau này cụ ăn uống, ngủ nghỉ điều độ, năng thể dục...
Ông Phương, con cụ Trù, khẳng định “từng tuổi này nhưng mẹ tôi rất hiếm khi đến bệnh viện”.
Theo lời ông Phương, kể từ khi cha ông mất vào năm 1963, cụ Trù hay đến tịnh xá gần nhà để ngồi thiền và tham gia công tác từ thiện, rồi từ đó cụ hình thành thói quen ăn chay, niệm phật....
Nói về chế độ sinh hoạt của cụ Trù, ông Phương cho biết, mỗi ngày cụ Trù ăn uống đủ ba bữa, thường sáng ăn cháo, trưa và chiều ăn cơm như người trong nhà. Trước đây mỗi bữa cụ Trù ăn chừng 2 chén cơm đầy, nhưng giờ thì khác, chỉ vơi 1 chén. Xen giữa các buổi, cụ Trù “ăn dặm” theo rau quả, sữa…
Đáng nói, một thói quen được cụ Trù duy trì từ trẻ tới 121 tuổi là mỗi buổi sáng dậy tập thể dục, để hít thở không khí trong lành. Dù nay sức khỏe của Trù không được như trước nhưng cụ vẫn duy trì thói quen này.
Sống nhân nghĩa, làm gương cho đời sau
Được biết hiện giờ cụ Trù sống trong căn nhà cấp 4 của ông Phương, nhà có 4 thế hệ. 11 người con của cụ Trù, hiện đã...về với ông bà, chỉ còn lại 3 người, trong đó có ông Phương, là người trực tiếp phụng dưỡng cụ. Dù căn nhà nhỏ nhưng ông Phương vẫn sắp xếp cho mẹ của mình 1 phòng riêng biệt, ngăn nắp...để cụ nghỉ ngơi.
Ở địa phương khi nghe chúng tôi nhắc đến cụ Trù, từ già đến trẻ, ai cũng tỏ vẻ kính trọng, yêu mến; nhưng không từ kỷ lục thọ nhất Việt Nam mà cụ được trao tặng, mà là từ cách sống nhân nghĩa, yêu thương, làm gương cho con cháu của cụ.
Chưa ai từng nghe chuyện bất hòa hay cự cãi xảy ra trong gia đình cụ Trù. Thay vào đó là không khí thuận hòa, đoàn kết…dù con cháu của cụ Trù không làm ông nọ, bà kia, chỉ đơn giản là người lao động bình thường. Vì lẽ đó, gia đình cụ Trù là gương cho nhiều người dân địa phương trong việc giáo dục con cái.
Điều mà con cháu cụ Trù và hàng xóm tự hào về đức tính quý của cụ là, hầu như không thấy cụ bực tức, giận ai... Từ trước đến nay, hễ bà con lối xóm có khó khăn hay gặp chuyện gì, cụ cũng có mặt để giúp đỡ nhiệt tình nhất, không suy tính thiệt hơn hay cần đền đáp gì. Thừa hưởng được đức tính của mẹ, các người con, trong đó rõ nhất là ông Phương cũng được hàng xóm quý mến, nể trọng.
Ở địa phương, cụ Trù như tấm gương sáng để các gia đình giáo dục con cái về nhân nghĩa và yêu thương, đạo làm người; xây dựng tổ ấm hoà thuận, đoàn kết...
“Chính vì cách giáo dục con cháu của mẹ tôi, mà gia đình êm ấm, vui vẻ... Cũng chính vì cuộc sống thanh nhàn, vui vẻ như thế nên mẹ tôi mới sống lâu với con cháu như thế này”, ông Phương nói.
Cứ mỗi dịp xuân về, các cơ quan đoàn thể khắp nơi đến chúc phúc, chúc thọ cụ. Nhưng cụ Trù không cho con cháu tổ chức những lễ mừng thọ phô trương, rình rang.
Với cụ Trù, người thọ nhất Việt Nam, điều đáng quý nhất lúc này là thấy con cháu tế tựu đông đủ, ấm cúng bên bữa cơm gia đình. Đó chính là nguồn vui, động lực để cụ sống... trường thọ với đời