(Dân Việt) - Ông từng "nuôi" 1.000 con rồng tre dâng lên Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Và ông bỗng trở thành người nổi tiếng, khi năm Nhâm Thìn có hàng trăm người tìm đến mua rồng tre về chơi tết.
Người có tấm lòng tha thiết với Hà Nội này là ông Nguyễn Văn Nam, ở thôn Ninh Hòa, xã Yên Trị, huyện Yên Thủy (Hòa Bình). Là lão nông chính hiệu, vốn có chút hoa tay và lại yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp, nên ông rất thích chơi cây cảnh.
|
Ông Nguyễn Văn Nam bên những con "rồng tre" của mình.
|
Từ năm 2004, khi cả nước rục rịch chuẩn bị các công trình, tác phẩm… để mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông Nam đã rất muốn làm một cái gì đó để mừng ngày trọng đại này. Thế rồi tình cờ nhìn thấy một gốc tre đằng ngà có hình tựa con rồng, ông chợt nảy sinh ý tưởng trồng tre "nuôi rồng" mừng đại lễ.
Ông tâm sự: “Để uốn được những con rồng tre không hề đơn giản, bởi măng non rất dễ gãy. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm, tôi cứ dùng dây ép măng cong lại, vừa buộc xong quay lại thì cây măng đã gãy, uốn chục cây may được một cây gọi là na ná hình rồng thôi. Mày mò mãi, cuối cùng tôi cũng đã tìm ra cách là dùng ống nhựa uốn cong lại, rồi cho măng chui theo ống. Làm vậy, măng không bị gãy mà thân rồng cũng đẹp hơn”.
Trong dịp đại lễ, những chú "rồng tre" của ông được đặt ở khắp nơi như Bảo tàng Hà Nội, hồ Gươm và các điểm tổ chức đại lễ. Ông Nam bảo: "Tôi trồng tre làm rồng không phải để bán. Chắc thấy rồng đẹp nên nhiều người tìm đến mua về chơi bonsai. Có người mua cả chục đôi, người thì mua giống rồi học kỹ thuật về trồng. Chơi rồng tre có cái hay của nó "tre già măng mọc", mà là "tre Thánh Gióng" nên nó còn mang ý nghĩa tâm linh".
Từ đầu năm đến nay, ông Nam đã bán hàng trăm đôi "rồng tre" cho khách chơi thập phương, với giá 150.000 - 300.000 đồng/đôi và khoảng 600 cây tre giống, giá 15.000 đồng/cây. Nhất là dịp giáp Tết Nguyên đán 2012 này, ngày nào ông cũng đón vài vị khách đến mua rồng tre chơi tết.
“Trước Tết, có hai vị khách ở tận Hải Dương và Nam Định lên, có ý định chỉ mua một đôi về chơi thôi, nhưng thấy rồng đẹp họ mua liền chục đôi và còn mua thêm mấy cây giống về trồng" - ông Nam cho hay.
Anh Nguyễn Văn Thành ở thành phố Phủ Lý (Hà Nam), người mua hai đôi rồng tre của ông Nam về chơi tết cho biết: "Năm Nhâm Thìn dân chơi cây cảnh đào, quất, sanh bonsai… chủ yếu tập trung vào thế Long. Mặc dù mới "nhập tịch" vào làng cây cảnh, nhưng rồng tre được rất nhiều người chơi đánh giá cao, đẹp, ý nghĩa, giá cả phải chăng".
Nam Tùng Sơn
|