(Dân trí) - 10 năm trước, người dân các xã Đại Lãnh, Đại Đồng, Đại Hồng… (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) vô cùng vất vả khi phải canh tác trên những khoảng đất rộng bồi đắp bên dòng sông Vu Gia mà không hề có một phương tiện, máy móc gì.
Chiếc cày "kỳ diệu" của ông Đồng
Thấy được sự cực nhọc của những người nông dân quanh năm gắn bó với ruộng đồng, ông Lương Minh Đồng (57 tuổi, trú thôn Ngọc Thạch, xã Đại Đồng) đã sáng chế ra một chiếc cày đa năng để giải phóng sức lao động chân tay của người dân. Sau nhiều tháng ấp ủ, sản phẩm cày đa năng đã ra đời. Để rồi, khi ứng dụng vào thực tế, chiếc cày này đã được nhân dân phấn khởi ví von là chiếc cày “kỳ diệu”.
Những doi đất khô nằm nối tiếp nhau chạy dọc theo dòng sông Vu Gia lâu nay là mảnh đất màu mỡ của người dân các xã ven sông canh tác sản xuất hoa màu. Tuy nhiên, mỗi năm các gia đình phải huy động rất nhiều nhân công, thậm chí là thuê cả người ngoài vào canh tác sản xuất hoa màu để kịp thời vụ. Chính vì thế, công cụ sản xuất nơi đây chính là con người. “Dân ở đây còn nghèo lắm. Nhà nào có 1 - 2 con trâu, con bò được xem như là một gia sản lớn. Đến vụ màu, nhiều nhà phải huy động cả gia đình cùng sản xuất để chủ động thời vụ. Có khi họ phải làm đến khi sẩm tối mới về. Nhìn thấy những cảnh đó tôi lại trăn trở và tự hỏi, tại sao mình không sáng tạo ra một công cụ lao động để giải phóng sức lao động của con người” - ông Đồng tâm sự.
Xuất phát từ thực tế tính chất của đất canh tác, ông Đồng (vốn là một thợ rèn) đã bắt tay vào chế tạo chiếc cày đa năng. Để tối ưu hóa và biến đổi công năng là sức đẩy, ông đã nảy ra ý tưởng sử dụng một phần khung và bánh xe đạp để tạo phần khung sườn cho chiếc cày và bắt đầu chế ra những bộ phận nhỏ để giúp chiếc cày trở nên hữu dụng.
Chỉ với những tấm sắt bỏ đi, những lưỡi cưa hỏng được ông rèn giũa, chế tạo gắn vào chiếc cày để mỗi khi cần sử dụng vào mục đích gì chỉ cần tháo lắp là có thể sử dụng thuận lợi. Hằng ngày, ông miệt mài đi “lùng sục” khắp các tiệm phế liệu tìm khung xe đạp cũ và những thứ bỏ đi để chế tạo sản phẩm cho bà con với mong muốn giá thành được giảm xuống thấp nhất. Chiếc cày đa năng của ông Đồng với nhiều công dụng như: đánh rãnh bỏ giống, xớt cỏ, vun đất vô gốc cây trồng, cào rác… Quả thật chiếc cày đa năng của ông trở nên hữu dụng hơn bao giờ hết khi nó có thể giảm nhân công lao động đáng kể và tăng năng suất lên gấp 5-6 lần. Ông Đồng cho biết: “Nếu như trước đây một gia đình 5 người làm một mẫu đất thì bây giờ chỉ cần 1 người với diện tích đất như trên có thể hoàn thành công việc trong 1 buổi”.
Ông Đồng đang tính toán lắp thêm bộ phận trỉa hạt cho chiếc cày
Tiếng lành đồn xa, sản phẩm cày đa năng của ông được nhân dân trong toàn thôn, rồi toàn xã và thậm chí là các xã lân cận tìm đến xin học hỏi kinh nghiệm và mua sản phẩm. Sản phẩm của ông bắt đầu có trên mạng Internet và nông dân ở các vùng trong cả nước điện về học hỏi kinh nghiệm, xin phép ông “chuyển giao công nghệ”. Đến nay, sản phẩm cày đa năng của ông đã có mặt trên rất nhiều vùng của tỉnh Quảng Nam và cả những vùng nông thôn các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Ông Đồng còn cho biết thêm: “Tôi đang tính toán gắn thêm bộ phận hộp trỉa hạt lên chiếc cày để khi xới luống xong chiếc cày có thể tự trỉa hạt ngay trên luống để không cần phải có thêm người ở phía sau trỉa hạt”.
Sản phẩm chiếc cày “kỳ diệu” của ông đã xuất sắc đạt giải 3 cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn tỉnh Quảng Nam lần thứ 4 (năm 2011-2012). Ông cũng là đại biểu duy nhất của tỉnh Quảng Nam được ra Hà Nội dự đại hội nông dân xuất sắc toàn quốc vừa được tổ chức.
Hà Thế An
|