Dù đang phải ở nhà thuê, có con dại và ngôi nhà của mình cũng ngập trong nước lũ, nhưng anh Phạm Phước Năm (40 tuổi, ở tổ 8, P.Hương Xuân, TX.Hương Trà, Thừa Thiên-Huế) vẫn miệt mài dùng ghe máy đưa người dân vượt lũ đi lại, trong đó phần lớn được miễn phí.
Anh Phạm Phước Năm đưa hai nữ sinh viên vượt lũ lên QL1 để đến trường - Ảnh: Đình Toàn
Anh Năm là thợ mộc, vợ lại không có việc làm ổn định nên ngoài công việc chính, gần đây anh đóng một chiếc ghe gắn máy để đêm đêm thả lưới kiếm con cá con tôm nuôi gia đình. Rạng sáng 7.11 cũng như hàng trăm gia đình ở khu vực hạ nguồn sông Bồ đang ngủ ngon giấc thì nước lũ ập đến, riêng nhà anh Năm thời điểm cao nhất nước dâng đến mấp mé tận cửa sổ. Nhưng cũng lúc đó, bên ngoài đường (tỉnh lộ 8 nối QL1 đến nhiều xã của TX.Hương Trà lẫn Quảng Điền) nước đã chia cắt giao thông. Đường ngập nặng, ruộng đồng bỗng chốc hóa thành sông sâu, mọi người như chùn chân bất lực nhìn con nước dâng.
Phương Loan, nữ sinh viên năm thứ 3 học Trường ĐH Nông lâm Huế cùng người bạn học Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đứng nhìn làng mạc bị cô lập, bản thân lại không thể đến trường để nộp bài tập đã đến hạn mà đôi mắt rưng rưng. Cảm cảnh, anh Năm lấy ghe chở hai bạn nữ này vượt lũ. Lên được đến QL1, Phương Loan và người bạn cảm ơn rối rít: “Cháu cảm ơn chú, chú thật tốt bụng. Chú mà không giúp thì tụi cháu dễ bị học lại lắm”. Có mặt tại đầu tuyến tỉnh lộ 8 nối với QL1, chúng tôi chứng kiến không biết bao nhiêu chuyến ghe anh Năm chở người vượt lũ. Hễ ai là học sinh, sinh viên, cụ già, phụ nữ mang thai, trẻ em, người nhà có tang, người bệnh, anh Năm đều ưu tiên cho lên ghe và quyết từ chối nhận lộ phí. Có người đàn ông từ Đà Nẵng ra thăm quê, đi xe máy khá sang được anh Năm chở cả người lẫn xe vượt lũ. Khi rời ghe, người đàn ông này mừng khấp khởi rút tiền trả cho anh Năm 100 ngàn đồng, anh Năm lắc đầu: “Anh có tiền lẻ thì anh cho 5 - 10 ngàn đổ xăng, không có thì thôi”, anh Năm cười với khách.
Ban đầu là chỉ dùng ghe chở giúp cho người già, phụ nữ, trẻ em, học sinh, sinh viên… nhưng về sau rất đông người cần anh Năm giúp đỡ. Người có tiền thì đưa cho anh 5.000 đồng gọi là phụ đổ xăng, không cũng chỉ cười cảm ơn anh một tiếng cũng chẳng sao. “Thấy bà con đi lại khó khăn nên mình không nỡ từ chối. Mình chỉ mong là trời bớt mưa lũ, đường sá được nâng cấp để lũ không tràn, chỉ rứa thôi”, anh Năm thổ lộ khi chúng tôi hỏi về tâm tư của anh sau những chuyến đò vã mồ hôi trong những ngày lũ bão.
20 giờ đêm 8.11, anh Năm lội bì bõm trở về nhà. Vợ anh Năm vừa làm xong bữa cơm tối trong nước lũ, chờ chồng về cùng ăn. Anh xoa đầu hai đứa con nhỏ, đoạn móc trong túi ra một xấp tiền lẻ chừng 20 - 30 ngàn đồng đưa cho vợ. “Trả tiền xăng hết rồi. Ngày ni “lãi” chừng nớ đó em”, anh nói với vợ, cả hai nhìn nhau cười hạnh phúc.