Nhà nghèo, chị gái phải bỏ học giữa chừng nhường cho em học đại học, nhưng oái oăm, vừa tốt nghiệp đại học Võ Quang Trung (SN 1989) bị suy thận giai đoạn cuối.
Võ Quang Trung và mẹ.
Mẹ tiếp thêm sức mạnh
Gặp Trung và mẹ sau một tháng phẫu thuật hiến và ghép thận, sự mệt mỏi vẫn hằn rõ trên gương mặt. Trung không nói được nhiều. Suốt buổi nói chuyện, cậu chỉ mong muốn khỏe nhanh để đi làm, kiếm tiền trả nợ giúp bố mẹ. Ngồi cạnh con trai, bà Trần Thị Tính, cũng mệt mỏi không kém. Chậm rãi cất từng tiếng nặng nhọc, bà bảo: “Từ ngày hiến thận cho con trai sức khỏe giảm sút nhiều, đầu lúc nào cũng lâng lâng, trời nắng hai mắt cứ hoa lên như có đom đóm”.
Nhà Trung có 3 chị em, đều học khá. Nhưng nhà nghèo, chị gái Trung đành nghỉ học giữa chừng, nhường cho 2 em. “Tội nghiệp, cô chị học khá lắm nhưng vì nhà nghèo quá, tôi phải tìm cách thuyết phục cô chị nghỉ học đi làm nuôi em. Tôi bảo nó con gái không cần học nhiều, để hai em trai đi học rồi làm trụ cột gia đình. Thương bố mẹ và nhường 2 em, nó gật đầu”, bà Tính tâm sự.
Không phụ sự hy sinh của chị và lòng tin của bố mẹ, Trung và em trai cùng đỗ đại học một năm. Khó khăn nhân lên gấp bội. Cả nhà chỉ trông vào 4 sào cà phê, để thêm tiền cho con ăn học, hằng đêm bố mẹ Trung phải đi bắt cua, mỗi đêm tính ra được khoảng 25 nghìn đồng.
Vào học trường ĐH Ngoại ngữ Huế, Trung năng động tham gia các hoạt động Đoàn, Hội. Từ năm thứ nhất, Trung đã được bầu làm lớp trưởng, rồi ủy viên BCH Đoàn trường. Bốn năm liền, Trung là Chủ nhiệm CLB sinh viên tình nguyện của trường. Dưới sự dẫn dắt của Trung, CLB sinh viên tình nguyện của trường ngày càng lớn mạnh, tổ chức hàng loạt hoạt động cho cộng đồng, chăm sóc trẻ em mồ côi, nghĩa trang liệt sĩ, tham gia điều tiết, giảm ùn tắc giao thông...
Ba mùa hè liền, Trung không về quê mà tổ chức đi tình nguyện tại huyện nghèo A Lưới (Huế), làm gia sư cho trẻ em, giúp dân làm nhà, tuyên truyền y tế, chăm sóc sức khỏe. Điều đặc biệt, bố mẹ luôn ủng hộ Trung trong các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. “Mỗi mùa hè không về nhà giúp bố mẹ được, mình rất áy náy nhưng mẹ lúc nào cũng tiếp thêm cho mình động lực. Mẹ bảo, con đi tình nguyện được nơi đâu thì cứ đi, mẹ ở nhà làm ngày không xong, mẹ sẽ tranh thủ làm đêm”, Trung tâm sự.
Mẹ hiến thận
Tháng 7/2012, Trung tốt nghiệp ĐH. Cầm tấm bằng khá trên tay, Trung hăm hở đi xin việc với mong muốn sớm được đỡ đần bố mẹ. Nhưng được thời gian ngắn, sức khỏe Trung trở nên suy yếu bất thường, hay nhức đầu, da vàng, ăn uống giảm sút. Tháng 9/2012, đi khám sức khỏe, Trung nhận tin sét đánh: Suy thận giai đoạn cuối.
“Khi nhận tin từ bác sĩ, mình choáng váng không tin, cứ nghĩ bác sĩ thông báo nhầm”, Trung kể lại. Không đủ can đảm để gọi điện về thông báo tình hình bệnh tật của mình cho bố mẹ, Trung phải nhờ bạn gọi giúp.
“Nghe bạn nó nói, tôi ngất lịm. Mấy năm vay tiền nuôi con ăn học, mong con ra trường đi làm trả nợ, thoát cảnh nghèo khó. Ai ngờ!”, mẹ Trung nói trong nước mắt.
Quang Trung trong lần tình nguyện về A Lưới.
Do thẻ bảo hiểm hết thời hạn, lại không có tiền điều trị, Trung trốn viện về nhà. Bệnh nặng thêm gây ra các biến chứng, xuất huyết liên tục, 2 mắt gần như mù hẳn. Tất cả mọi sinh hoạt của Trung đều nhờ người khác hỗ trợ. “Thời gian đó, mình rơi vào hoảng loạn. Nhập viện, bác sĩ bảo chỉ chậm hai ngày nữa là không thể cứu nổi”, Trung kể lại.
Thương con trai, không thể sống cả đời với việc chạy thận nhân tạo, mẹ Trung quyết định hiến cho con một quả thận. Trung cứ dùng dằng không chịu, vì sợ mẹ hiến thận sức khỏe sẽ yếu.
Thuyết phục không được, mẹ Trung nhất quyết: “Đời mẹ sống chừng này tuổi là được rồi. Mẹ có mệnh hệ gì cũng được. Con còn trẻ, con phải sống thêm để thực hiện những ước mơ, hoài bão của mình”. “Mẹ mình mới 49 tuổi, vẫn trẻ lắm. Nếu mẹ có mệnh hệ gì khi hiến thận cho mình, mình sẽ rất ân hận" - Trung tâm sự.
Cuối tháng 6/2013, Trung và mẹ ra Hà Nội làm phẫu thuật ghép thận. Chi phí hết hơn 250 triệu đồng. “Tất cả đều nhờ anh em họ hàng người cắm sổ đỏ, người vay tiền hộ, chứ gia đình không có nơi nào để vay nữa”, bà Tính bộc bạch.
Ca phẫu thuật thành công nhưng cuộc chiến với bệnh tật của Trung vẫn còn dài. Trung vẫn phải liên tục uống thuốc, đều đặn mỗi tháng phải ra Hà Nội một lần để kiểm tra sức khỏe. Ngồi cạnh con trai thi thoảng lấy khăn lau mồ hôi trên trán cho con, bà Tính trăn trở, làm sao sức khỏe trở về như trước để đi làm kiếm tiền trả nợ, giúp con trai thực hiện ước mơ còn dang dở.
“Tuổi của nó còn trẻ, bao ước mơ hoài bão vẫn còn ở phía trước, giờ bệnh tật thế tội lắm. Tôi biết nó khổ tâm nhiều lắm nhưng sợ mẹ lo rồi cứ im lặng. Tôi giờ vất vả chừng nào cũng chịu được hết, chỉ mong trời thương cho tôi có sức khỏe để được đi làm, giúp con thực hiện những ước mơ của mình”, bà Trần Thị Tính nói.