“Nhiều đêm đau đớn không ngủ được, tôi cố gắng cắn răng chịu đựng, không dám kêu nửa lời vì sợ ảnh hưởng đến vợ con.
ảnh minh họa
Từng là trụ cột gia đình, là chỗ dựa cho vợ con cả về vật chất và tinh thần nay bỗng nhiên trở thành gánh nặng. Nhiều khi cảm giác sống không bằng chết”.
Anh Trương Xuân Thức – lái tàu Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội, người đã đã hy sinh một phần cánh tay trái khi gắng sức ghì chặt phanh để tránh lật các toa tàu phía sau nhằm bảo vệ tính mạng cho hàng trăm hành khách khi đoàn tàu xảy ra tai nạn chia sẻ.
Chuyến tàu “định mệnh”
Gặp anh Thức trong căn phòng nhỏ trong khu tập thể Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) khi anh đang gắng sức cầm cây chổi nhỏ trên tay phải, tập tễnh bước từng bước quét nhà.
Với ánh mắt xa xăm, anh trầm ngâm kể lại tai nạn xảy ra với anh cách đây đã hơn 2 năm, nhưng nỗi đau anh vẫn ngày đêm phải gánh chịu.
Tai nạn ập đến với anh Thức vào ngày 6/8/2010, khi anh đang cầm lái chuyến tàu Thống Nhất TN6 TP HCM - Hà Nội. Đến đường ngang dân sinh tại xã Tiên Tân (Duy Tiên, Hà Nam), một chiếc ôtô tải cố tình băng qua đường ray đã khiến đây trở thành chuyến tàu cuối cùng – chuyến tàu định mệnh khiến cuộc đời của anh lật giở sang trang tối tăm hơn.
Đè nén nỗi đau trong lòng, anh Thức ngậm ngùi kể lại chuyến tàu định mệnh ấy: “Hôm đó, tàu ra tới địa phận tỉnh Hà Nam đã là 8h sáng. Để đảm bảo an toàn, cách đường ngang từ rất xa, tôi đã ra tín hiệu đèn, còi tàu nhưng đột nhiên có một xe tải chở vật liệu xây dựng vẫn cố tình chạy ngang đường sắt.
Anh Trương Xuân Thức trong căn nhà nhỏ của mình
Đó là một chiếc xe tải chở đá xây dựng. Khi đó, tàu đang chạy với tốc độ cao. Khoảng cách từ tàu tới chiếc xe tải chỉ gần 100m. Không còn cách nào khác, để hạn chế thấp nhất rủi ro, tôi gắng sức giữ chặt cần hãm phanh cho đoàn tàu dừng lại. Khi đoàn tàu đâm vào chiếc xe tải không khác gì đâm vào một bức tường đá”.
“Mở mắt ra, nhìn thấy toàn bộ cánh tay trái giữ cần phanh đã dập nát, những mảnh thủy tinh từ cửa chắn của khoang lái tàu đâm vào khắp mặt. Toàn thân bị kẹt trên chiếc ghế lái và bàn điều khiển trên buồng lái. Máu chảy ướt hết quần áo trên người”, anh Thức đau đớn kể lại phút giây kinh hoàng đã làm thay đổi cuộc đời mình.
Chia sẻ về hành động của mình trong giây phút ấy, anh Thức tâm sự: “Sau này, có nhiều người hỏi tôi, tại sao khi nhìn thấy chiếc xe tải cố tình băng qua đường sắt không lựa chọn phương pháp gạt cần phanh và nhảy ra khỏi khoang lái, để giảm nguy cơ bị thương, mà lại lựa chọn phương pháp giữ chặt cần phanh đâm vào “bức tường đá”. Cũng chẳng biết thế nào, lúc đó tôi làm theo lương tâm của mình. Hành động theo kinh nghiệm suốt những năm cầm lái và suy nghĩ trong giây lát cố gắng bảo đảm an toàn cho cả đoàn tàu”.
Tai nạn đã khiến anh bị đa chấn thương. Một cánh tay trái phải cưa bỏ, tay phải gẫy 1 ngón út. Cơ đùi bên phải bị khoét bỏ, toàn bộ mặt phải khâu vì bị kính xiên qua cùng với rất nhiều vết thương trên cơ thể.
Hành trình từ cõi chết trở về với cuộc sống đời thường
Thoát khỏi tay tử thần, sau hơn 1 tháng điều trị ở bệnh viện, gia đình đưa anh Thức về nhà để tiện chăm sóc. Hành trình trở về với cuộc sống thường ngày này của anh phải trải qua những đau đớn về cả thể xác và tinh thần.
“Đang là trụ cột gia đình trở thành người ăn bám. Mình đang tự làm mọi việc cho mình nay phải nhờ vợ con trong tất cả sinh hoạt hàng ngày. Sự đau đớn về thể xác do những vết thương gây ra chịu đựng được nhưng sự đau đớn về tinh thần còn đè nặng trong lòng tôi hơn rất nhiều”.
Cuộc trò chuyện bị ngắt quãng khi những vết thương lên cơn đau, anh Thức phải dùng tay phải xoa lên phần cánh tay trái đã bị cắt đi để giảm đau nhức, anh tâm sự: “Cứ khi trái gió trở trời, cả cơ thể lại lên cơn đau. Phần đầu của cánh tay trái bị cắt bỏ như có hàng nghìn mũi kim đâm vào. Uống thuốc giảm đau cũng không đỡ, nhiều khi tôi phải dùng dây buộc chặt khiến nó tím tái mới đỡ phần nào”.
Bằng khen do nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng cho hành động dũng cảm của lái tàu Trương Xuân Thức
Cánh tay trái bị cắt bỏ, anh Thức phải học cách làm mọi việc bằng cánh tay còn lại. Những ngày đầu tiên sau khi ra viện, mọi hoạt động, sinh hoạt phải do vợ con hỗ trợ. Sau đó, anh tự làm quen mọi việc bằng tay phải của mình.
Anh Thức kể lại những ngày tháng vật lộn với trang mới, u ám hơn, của cuộc đời mình: “Từng là trụ cột gia đình, là chỗ dựa cho vợ con cả về vật chất và tinh thần nay bỗng nhiên trở thành gánh nặng, đè nặng lên vai vợ con, trở thành người ăn bám. Nhiều khi cảm giác sống không bằng chết. Gia đình tôi kinh tế đã eo hẹp nay càng khó khăn hơn bội lần. Tôi là lao động chính trong nhà nay lại coi như đã tàn phế, con gái thì đang dang dở việc học. Thương vợ con tất tả ngược xuôi lo lắng bao nhiêu thì cảm thấy bất lực với bản thân mình bấy nhiêu.
Nhiều đêm đau đớn không ngủ được, tôi cố gắng cắn răng chịu đựng, không dám kêu nửa lời vì sợ ảnh hưởng đến vợ con. Để vợ con ngủ yên, giữ sức khỏe ngày mai bắt đầu một ngày làm việc mới. Mà vợ con vất vả làm việc cũng là lo cho chính cuộc sống của mình. Nhưng những lúc không thể chịu đựng được đành phải thốt ra.
Trước kia mình tự đi làm lo cho vợ con, nay gần như tàn phế, biết làm sao được. Phải tự an ủi bản thân, có kêu cũng không ai cho mình hoặc thay đổi điều gì. Phải chấp nhận số phận mà cố gắng sống tốt. Ngày nào khỏe mạnh một chút, tôi có thể xuống hồ đi dạo cho khuây khỏa, xem các cụ đánh cờ, câu cá. Về nhà giúp đỡ vợ con một vài việc nhẹ nhàng như quét nhà, nấu cơm.
Cuộc sống gia đình tôi chi tiêu tiết kiệm dựa vào lương của vợ. Có những tháng trở trời phải thuốc men điều trị thiếu tiền đành vay tạm của bà con láng giềng, họ hàng và tháng sau lại chắt chiu bù lại".
Chia sẻ về điều làm anh băn khoăn suốt quãng đời ngồi trên ghế lái các đoàn tàu, anh Thức tâm sự: “Cuộc sống bây giờ ai cũng vội vã mà dường như coi nhẹ tính mạng của mình hơn nữa còn làm ảnh hưởng tới người khác. Tai nạn đường sắt xảy ra, đa số là do ý thức của một số người dân kém quá. Họ vì cái lợi ích nhỏ nhặt trước mắt mà bất chấp tất cả. Khi mọi chuyện đã rồi thì chỉ biết kêu giá như. Khi ý thức của mọi người nâng cao lên thì những câu chuyện tai nạn đau lòng sẽ không xảy ra nữa”.
Căn phòng nhỏ trong khu tập thể cũ vẫn còn đó những khó khăn, nhưng anh Thức vẫn luôn tự động viên mình cố gắng vươn lên đỡ đần cuộc sống cho vợ con. Căn phòng nhỏ luôn ấm áp, tràn đầy tiếng cười của cả gia đình.