Trang chủ Liên hệ       Thứ bẩy, Ngày 23/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người > Con Người Việt Nam >
  Đặng Trần Côn (Thế kỷ XVIII) Đặng Trần Côn (Thế kỷ XVIII) , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

Đặng Trần Côn người làng Nhân Mục (tên Nôm là Mọc), huyện Thanh Trì (nay thuộc quận Đống Đa, Hà Nội). Hiện chưa rõ năm sinh năm mất. Hoàng Xuân Hãn trong Chinh phụ ngâm bị khảo có nhắc đến bức thư Đặng Trần Côn gửi cho Phan Kính mời tới thưởng xuân, từ đó suy luận rằng, ông là bạn của Phan Kính và tuổi hai người xấp xỉ nhau (Phan Kính sinh năm 1715, người làng Vĩnh Gia, xã Lai Thạch, huyện La Sơn - nay thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, đậu thám hoa năm 29 tuổi). Thêm một chi tiết nữa trong Tang thương ngẫu lục: Đặng Trần Côn mến mộ tiếng tăm Đoàn Thị Điểm đã từng đem thơ đến ra mắt nữ sĩ và bị bà chê rằng: “Cậu học trò mới học ấy, bõ gì nói chuyện!”(1). Theo Đoàn thị thực lục thì Đoàn Thị Điểm sinh năm 1705. Do đó có thể kết luận được, Đặng Trần Côn sinh vào khoảng 1710 - 1720, dưới thời vua Lê Dụ Tông và chúa Nhân Vương Trịnh Cương.

Tang thương ngẫu lục cho biết: “Trong khoảng trường ốc, văn chương ông tiếng lừng thiên hạ. Bấy giờ chúa Uy Vương (Trịnh Giang) bị bệnh, phải dời đến ở cung Thưởng Liên. Kinh thành tối đến cấm lửa rất ngặt. Ông đào hầm ở dưới đất đọc sách, không bỏ bễ lúc nào”(2). Đỗ hương cống nhưng thi Hội trượt, lại “vốn tính thích rượu, đuềnh đoàng, phóng túng”, ông không thi tiếp mà nhận chức Huấn đạo ở một phủ, sau đổi sang làm Tri huyện Thanh Oai (Hà Đông), thăng đến Ngự sử đài chiếu khám rồi mất.

Tác phẩm của ông đều bằng Hán văn. Ngoài tiểu thuyết Bích Câu kỳ ngộ ra, ngày nay chúng ta chỉ còn biết được đầu đề của 8 bài thơ Tiêu Tương bát cảnh (Tám cảnh Tiêu Tương); mấy bài phú: Trương Hàn tư thuần lô (Trương Hàn nhớ rau thuần cá vược), Trương Lương bố y (Trương Lương áo vải) Khấu môn thanh (Tiếng gõ cửa) cùng những mảnh nhỏ của các tác phẩm ấy được ghi lại trong Tang thương ngẫu lục như là điển hình về một “phong cách cao” thể hiện sự “chấn khởi” của đời Trung hưng. Qua đó, chúng ta còn có thể thấy được những câu phú “sang sảng”, dụng điển tinh vi và cực tả đầy ấn tượng:

Lãnh đạm thôn hào, bán thưởng liễu bát vương chi thành bại,

Tầm thường dã phẩm, sổ bôi tàn lưỡng Tấn chi thị phi.

(Món quê nhạt nhẽo, nửa bữa xong cuộc thành bại của tám vị vương,

Vị đồng tầm thường, mấy chén tàn chuyện thị phi của hai triều Tấn).

(Trương Hàn tư thuần lô)

Hay:

Phó xa doanh hận nhất khâm, Bác Lãng chi sa ngân ám thấp,

Hoàng Thạch bí truyền bán tụ, Dĩ Kiều chi bộ điểm sơ hy.

(Một vạt áo chứa đầy tức giận bởi nỗi đánh lầm người phó xa mà không đánh trúng Tần Thủy Hoàng, vạt áo ấy còn dâm dấp ướt vì ngấn cát ở đất Bác Lãng,

Nửa ống tay áo giấu quyển sách bí truyền của ông Hoàng Thạch, vừa khô vết sương ở cầu Dĩ Kiều)

(Trương Lương bố y)

Hoặc:

Càn khôn bôi lý kinh doanh, hạn thụy chi sơn hà dục động

(Xoay xở càn khôn trong chén rượu, làm cho cõi non sông ngủ bên cạnh như muốn giật mình).

(Khấu môn thanh)

Trong bài văn yết miếu đức thánh Khổng Tử, ông đã nâng vị “Vạn thế sư biểu” này lên địa vị tối cao vô thượng chỉ bằng một phép đối tám chữ, cô đúc như một lời khẳng định mang tầm chân lý:

Vô vị Huân Hoa

Năng ngôn thiên địa

(Nghiêu Thuấn không ngôi,

Đất trời biết nói)

Bước vào địa hạt thơ ca, Đặng Trần Côn như tạm rời xa những ngôn từ khoa trương ghi đậm dấu ấn của trí tuệ sắc sảo để trở về với những khoảnh khắc của tâm trạng phát lộ ra tự nhiên và chân thực:

Tiêu tương dạ vũ

Cô bồ trạch quốc tứ thương thương

Thùy bả lâm lang trích dạ trường

Sạ quá u lan đề Sở khách

Hốt lai ám trúc khấp Nga Hoàng

Tần châu lãnh bức ngư đăng tế,

Bồng để thu kinh lữ mấn hoàng

Phất lược sổ phong viên thụ ngoại

Thương ca thanh đoạn thủy mang mang

Dịch nghĩa:

Cỏ cao nước cả bốn bề xanh xanh,

Ai đem gieo hạt ngọc trong lúc đêm dài?

Trận mưa chợt qua cụm lan tối tăm để than người khách Sở,

Vụt đến bụi trúc âm thầm để khóc nàng Nga Hoàng

Bãi rau bị khí lạnh đè ép làm cho đèn chài nhỏ tý,

Gốc cỏ bồng hơi thu ghê rợn làm cho mái tóc lữ thứ điểm vàng.

Chợt qua ngoài lùm cây, vượn leo trên mấy ngọn núi cao,

Khúc ca Thương Lương dứt tiếng, mặt nước sông man mác

Bài thơ vốn đề vịnh một bức tranh song đã mang vào đó cả tiếng “than”, tiếng “khóc” của mưa trong đêm dài lạnh lẽo, phủ lên cảnh vật cả một màu buồn “thương thương”, “mang mang” của lòng người - kẻ lữ thứ bạc đầu vì phiêu bạt. Tuy nhiên, trong thơ, Đặng Trần Côn vẫn giữ một đôi mắt nhìn sự vật đầy khám phá, khiến cho những cảnh trí đơn sơ cũng như được hiện ra trong một vẻ đẹp mới lạ. Chính điều đó đã làm nên những nốt nhấn, những điểm sáng giữa một dòng xúc cảm chân thành:

Ngư ông mê khước lô hoa chử,

Hướng dạ quy lai ngọc mãn xoa

(Ông chài lạc cả đường về bến hoa lau,

Đêm về đến nơi thì ngọc tuyết giắt đầy tấm áo lá)

Tất cả những đặc sắc đó của thơ và phú sẽ được thể hiện trọn vẹn trong áng trữ tình trường thiên Chinh phụ ngâm dài tới 477 câu của ông.

Chinh phụ ngâm là tác phẩm thuộc về thời đại đặc biệt trong cả lịch sử xã hội cũng như lịch sử văn học Việt Nam. Đó là thời đại của sự tồn tại trái khoáy đầy thách thức với những nguyên tắc của đạo lý Nho gia “Thiên vô nhị nhật, quốc vô nhị quân” của hai ngôi chúa - chúa Trịnh Đàng Ngoài và chúa Nguyễn Đàng Trong bên cạnh ngôi vua Lê lúc này đã trở thành tượng gỗ; kèm theo đó là những cuộc nội chiến hao người tốn của liên miên suốt mấy trăm năm. Bước sang thế kỷ XVIII - “Thế kỷ nông dân khởi nghĩa” tình hình càng trở nên phức tạp và căng thẳng hơn. Tuy nhiên, cũng trong thời đại này, kinh tế đô thị đã dần hình thành và phát triển, tạo nên những mảng màu tươi mới và đa sắc hơn trong lòng xã hội phong kiến, làm tiền đề cho sự manh nha những tư tưởng và cảm xúc mới của thời đại.

Chinh phụ ngâm được sáng tác vào khoảng những năm 40 của thế kỷ XVIII và ngay lập tức được đánh giá rất cao, thậm chí tạo ra “cơn sốt” diễn âm kéo dài ít nhất là đến đầu thế kỷ XIX. Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí viết: “Sách Chinh phụ ngâm là bởi Hương cống Đặng Trần Côn soạn, nhân đầu đời Cảnh Hưng, việc binh nổi dậy khiến người ta đi đánh phải lìa nhà, ông cảm thời thế mà làm ra”. Phan Huy Ích thì ca ngợi:

Nhân Mục tiên sinh Chinh phụ ngâm,

Cao tình dật điệu bá từ lâm.

Cận lai khoái chá đương truyền tụng,

Đa hữu thôi xao vi diễn âm

(Khúc Chinh phụ ngâm của tiên sinh làng Nhân Mục,

Tình cao điệu lạ rải khắp rừng văn.

Gần đây truyền tụng lấy làm thích lắm,

Đã có nhiều kẻ trau dồi lời mà diễn âm)

(Dụ Am ngâm tập - Ngẫu thành)

Phạm Đình Hổ trong Tang thương ngẫu lục lại thể hiện thái độ trọng thị một cách gián tiếp thông qua những giai thoại có phần huyền bí: “Khoảng năm về già, ông làm khúc Chinh phụ ngâm, cả thảy đến mấy nghìn lời”. Làm xong, đưa ông Thì Sĩ xem, ông Ngô thán phục mà rằng: “Văn này đánh đổ cả lão Ngô già này chứ còn gì nữa!”(3). Khúc ngâm ấy người ta sao chép, truyền sang đến hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây nước Tầu. Có người thức giả nói: “Tinh thần trút cả vào đây, tác giả bài này chỉ sống ba mươi năm nữa thì chết”. Sau ông làm đến chức quan Ngự sử rồi mất đúng như lời đoán trên ấy”.(4)

Chúng ta biết rằng, đầu đời Cảnh Hưng tức là năm 1740. Trong triều, vua Lê Hiển Tông lên ngôi; Trịnh Giang bị truất, Trịnh Doanh lên thay. Mối đe dọa cụ thể và trực tiếp hơn đến đời sống mỗi cá nhân là những cuộc khởi nghĩa nông dân nổi lên khắp tứ trấn. Chinh phụ ngâm đã biểu đạt được không khí của cả thời đại đầy biến động ấy. Gắn bó từ thuở ấu thơ và rồi tiếp tục những tháng năm của tuổi hoa niên đèn sách, những năm cuối đời ở chức Ngự sử đài chiếu khám, thậm chí, kể cả lúc được bổ tri huyện ở Thanh Oai cách kinh thành không xa, có thể nói, Đặng Trần Côn cảm nhận được rất rõ tình thế nguy nan “tứ diện thụ địch” lúc này của Thăng Long. Đây chính là hoàn cảnh thích hợp nhất cho việc thể hiện trong văn chương lòng yêu tha thiết đối với mảnh đất lịch sử oai hùng và thân thuộc, nỗi lo lắng đến sự an nguy của đất nước, những chiêm nghiệm về thời thế... Nhưng đồng thời, mẫn cảm nghệ sĩ cũng đã cho Đặng Trần Côn cảm nhận được một hiện thực khác đằng sau khói lửa chiến tranh - nỗi lòng của những người ở lại, những xúc cảm dồn nén của người thiếu phụ chốn phòng khuê khắc khoải chờ chồng cùng những ước mong thầm kín về tình yêu, hạnh phúc. Chạm đến miền tâm tư ấy, khúc ngâm đã làm vang lên những âm hưởng hoàn toàn khác so với văn chương “tải đạo”, “ngôn chí” vốn được coi như đường hướng duy nhất, ngự trị suốt gần mười thế kỷ văn học trung đại. Chỉ với Chinh phụ ngâm, Đặng Trần Côn đã xứng đáng được xem như người tiền trạm cho trào lưu nhân đạo chủ nghĩa của văn học Việt Nam thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX.

Thiên địa phong trần

Hồng nhan đa truân

Du du bỉ thương hề thuỳ tạo nhân

(Thủa trời đất nổi cơn gió bụi

Khách má hồng lắm nỗi truân chuyên

Xanh kia thăm thẳm từng trên

Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?)

Ngay từ những dòng mở đầu, nội dung tinh thần của khúc ngâm đã được thể hiện. Cái mà Đặng Trần Côn quan tâm chú ý không phải là hiện thực chiến tranh: “Cơn gió bụi” chỉ là cái làm nền để ông tấu lên bản bi ca ai oán thấu tận trời xanh cho “nỗi truân chuyên” của một “khách má hồng” bạc mệnh. Chiến tranh chỉ hiện ra trong những tưởng tượng miên man của người chinh phụ bằng những hình ảnh, đúng hơn là những ám ảnh ghê rợn:

Thu phong sa thảo

Minh nguyệt quan san

Mã đầu minh đích

Thành thượng duyên can

(Xông pha gió bãi trăng ngàn

Tên reo đầu ngựa, pháo ran mặt thành).

Hay:

Kỳ sơn cưu trủng nguyệt mang mang

Phì thủy tân phần phong niêu niêu

Phong niêu niêu không xung tử sĩ hồn

Nguyệt mang mang từng chiếu chinh nhân mạo.

(Non Kỳ quạnh quẽ trăng treo,

Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò

Hồn tử sĩ gió ù ù thổi

Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi)

Và rồi thời gian cùng những suy ngẫm khôn nguôi đã xui khiến nàng chạm tới những quy luật của chiến tranh, khiến cho nàng thấm thía cái phũ phàng của định mệnh:

Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hoàn

Ban Siêu quy thì mấn dĩ ban

(Phận trai già ruổi chiến trường,

Chàng Siêu tóc đã điểm sương mới về).

Hơn thế nữa:

Cổ lai chinh chiến nhân

Tính mạng khinh như thảo

(Những người chinh chiến bấy lâu

Nhẹ xem tính mệnh như màu cỏ cây).

Có lẽ ngay cả với Đặng Trần Côn, những hiểu biết về chiến tranh cũng chỉ giới hạn trong những kiến thức sách vở không khác gì người chinh phụ. Vào thời điểm đó, chiến tranh chưa lan tới Thăng Long. Trong tình hình trì trệ của thông tin thời phong kiến thì chiến tranh mới chỉ là một cái gì đó xa xôi, ghê sợ nhưng không cụ thể. Ta nhớ là Phạm Đình Hổ (1768 - 1839) vào khoảng hai mươi năm sau vẫn còn được sống một tuổi thơ trong cảnh tương đối thanh bình và tươi đẹp(5). Không thực sự nếm trải chiến tranh, không được chứng kiến trong cuộc đời của mình “một phen thay đổi sơn hà” cùng tất cả những gì diễn ra sau đó, chúng ta không thể đòi hỏi Đặng Trần Côn thể hiện một thái độ dứt khoát “đứng về một phía”. Tuy nhiên, con người chính trị không lấy gì làm thức thời ấy lại đã đứng về phía người hồng nhan bạc mệnh, tỏ ra cảm thông và chia sẻ sâu sắc với những tâm sự rất đỗi riêng tư. Lòng “ưu dân”, “ái quốc” bổn phận thảng hoặc có hiện ra: “Lòng hứa quốc tựa son ngăn ngắt, Sức tý dân dường sắt trơ trơ” cũng chỉ còn là những khẩu hiệu trống rỗng vô hồn, chìm nghỉm giữa một biển tâm trạng. Từ thực tại u ám, người chinh phụ hồi tưởng lại hình ảnh người chồng trong buổi xuất quân:

Quân xuyên tráng phục hồng như hà

Quân kỵ kiêu mã bạch như tuyết

(Áo chàng đỏ tựa ráng pha,

Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in).

Đó có lẽ là ánh hồi quang rực rỡ duy nhất trong chuỗi xúc cảm chảy trôi tự do bất tận. Ánh sáng lý tưởng của nó không đủ để an ủi nỗi thương sợ, nhớ nhung, lẻ loi, trông ngóng, sầu muộn, chán nản, mong mỏi, ngờ vực, lo già, ao ước, khẩn cầu... của một linh hồn đau đớn. Nỗi “xót mình” nhói lên như một tâm trạng phổ biến:

Khả lân uổng như nhất không phòng

Niên niên ngộ tận lương thì tiết

Lương thì tiết hề! Hốt như thoa

Nhân thế thanh xuân dung dị qua

(Thương một kẻ phòng không luống giữ

Thời tiết lành lầm lỡ đòi nau.

Thoi đưa ngày tháng ruổi mau,

Người đi thấm thoắt qua màu xuân xanh.).

Tư mệnh bạc tích niên hoa

Phân phân thiếu phụ kỷ thành bà

(Nghĩ mệnh bạc, tiếc niên hoa

Gái tơ mấy chốc mà ra nạ dòng).

Và giữa tất cả những luẩn quẩn, rối ren của tâm trạng ấy, những khát khao hạnh phúc có nhiều nét nhục cảm đã được bộc lộ, kín đáo nhưng không kém phần da diết. Ngay từ buổi chia tay, người chinh phụ đã cảm nhận thấy nỗi trống vãng, lạnh lùng của cái cảnh:

Lang khứ trình hề, mông vũ ngoại

Thiếp quy xứ hề, tạc dạ phòng(6)

(Chàng thì đi cõi xa mưa gió,

Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn).

Đặc biệt, nàng hồi tưởng lại giấc mộng Dương Đài mới đó mà đã thành kỷ niệm xa xôi không sao tới được:

Hương các trùng hoài bồi tiếu kiểm

Hoa lâu thượng ký giải hương la

(Nhớ buổi ở chốn lầu hoa, được hồi tiếp vẻ mặt tươi cười của chàng,

Và còn ghi buổi ở gác hương, thiếp cởi dải là thơm)

Rồi đây, đối diện với thiên nhiên quất quýt:

Hoa tiền nguyệt chiếu, nguyệt tự bạch,

Nguyệt hạ hoa khai, hoa tự hồng,

(Hoa dãi nguyệt nguyệt in một tấm,

Nguyệt lồng hoa hoa thắm từng bông

Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng)

Kiêm kiêm dã vô tình,

Tỷ dực tương tuỳ quá nhất sinh

Cùng cùng dã vô tri

Tĩnh khu đáo lão bất tương vi

Lộ liễu tằng truyền liên lý xứ

Trì liên diệc hữu tĩnh đầu thì

(Kìa loài sâu đôi đầu cùng dính,

Nọ loài chim chắp cánh cùng bay,

Liễu sen là thức cỏ cây

Đôi hoa cùng dính đôi dây cùng liền).

Nàng sẽ còn cảm nhận được sâu sắc hơn cái trơ trọi của bản thân, tất cả chỉ như khoét sâu thêm vào nỗi đau của nàng chẳng khác nào trò đùa oái ăm của tạo hóa.

Từ những ẩn ức riêng tư, người chinh phụ tiến xa hơn trong quá trình tự nhận thức. Giờ đây với nàng, những điều thiêng liêng cao cả, những giá trị mà nàng đã thờ phụng và theo đuổi bỗng trở nên vô nghĩa. Tuy tác phẩm kết thúc bằng một ước mơ đoàn viên đẹp đẽ, song đặt trong toàn bộ hành trình của cảm xúc mới thấy nó tội nghiệp biết nhường nào. Trên thực tế, tác phẩm không có hồi kết. Nó đã tiếp tục mở ra với đợi chờ vô vọng - ước mơ - xoá đi - ước mơ - tiếp tục mơ ước... và dòng thời gian cứ vô tình phủ lên tất cả.

Chiến tranh cướp đi những người thân yêu, chiến tranh dồn gánh nặng lên vai người ở lại, nhưng hơn tất cả, chiến tranh cướp đi tuổi trẻ, hạnh phúc lứa đôi của những con người đủ tư cách nhất để hưởng quyền hạnh phúc ấy. Công danh và hạnh phúc; những vấn đề liên quan đến vận mệnh đất nước và số phận cá nhân của con người - Đặng Trần Côn đã dứt khoát đứng về một phía. Đặt nó vào địa vị người chinh phụ, bật ra từ chính hiện thực tâm trạng của nàng, sự lựa chọn đó trở nên có giá trị phản chiến một cách chân thực và thấm thía:

Hồi thủ trường đê dương liễu sắc,

Hối giao phu tế mịch phong hầu

(Lúc ngoảnh lại ngắm màu dương liễu

Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong)

Với Chinh phụ ngâm, lần đầu tiên người phụ nữ - “đối tượng mà nền văn học cũ không dám nhắc đến” trở thành “thần tượng” trong văn học. Lần đầu tiên, người đàn bà bị Nho giáo sợ hãi, Phật giáo xua đuổi bước lên địa vị thống trị trên văn đàn(7). Và nếu như chủ nghĩa nhân đạo “coi việc giải phóng những năng lực và thỏa mãn những nhu cầu lành mạnh của con người ở ngay trên trần thế chứ không phải trong một thế giới hoang tưởng nào đó làm nhiệm vụ cuối cùng của mình” (Vônghin) thì Chinh phụ ngâm cùng những vấn đề về tuổi trẻ, hạnh phúc tình yêu của nó chính là “đường gươm mở đường”, nhát búa khai sơn phá thạch cho trào lưu nhân đạo chủ nghĩa của văn học Việt Nam thế kỷ XVIII- nửa đầu thế kỷ XIX.

Với Chinh phụ ngâm, lần đầu tiên tâm trạng con người đi vào thơ ca không phải chỉ bằng những khoảnh khắc có tính lát cắt mà được soi chiếu trong tính nguyên khối của nó với tất cả những góc độ sáng - tối; lần đầu tiên, cá nhân con người, cuộc sống và số phận con người mà cụ thể ở đây là người phụ nữ và thân phận bi kịch của họ trở thành đối tượng chính của văn học. Tất cả đã là sự chuẩn bị hào phóng nhất cho một thời kỳ được coi là đạt đến giá trị cổ điển của văn học Việt Nam.

Bùi Thị Thiên Thai

Danh nhân Hà Nội, Vũ Khiêu (cb), Nxb Hà Nội, 2004, Tr 424- 433.


(1) Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án: Tang thương ngẫu lục, Nxb Văn hóa, H. 1972, tr.78.

(2) Sđd. tr. 132 

(3) Theo Hoàng Xuân Hãn thì chuyện này không hẳn đúng vì Ngô Thì Sĩ (1725 - 1780). trẻ hơn Đặng Trần Côn đến chừng 15 tuổi.

(4) Tang thương ngẫu lục, Sđd, tr. 136.

(5) Khi ấy ta còn ít tuổi, trong nước vẫn yên ổn, thấy các bậc tiền bối vẫn lo loạn lạc đến nơi, ta cho là chuyện vu vơ. Không ngờ lớn lên, chính thân ta lại gặp buổi loạn lạc (Vũ trung tùy bút).

(6) Tạc dạ phòng có nghĩa là căn phòng của đêm hôm qua, ý nhục cảm rõ nét hơn rất nhiều.

(7) Chữ dùng của Phan Ngọc: Phong cách Nguyễn Du trong truyện Kiều.


  Các Tin khác
  + 7 điều tuyệt diệu khiến bạn luôn tự hào khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam (11/08/2024)
  + Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/07/2024)
  + Ai là người đặt tên đất nước ta là Việt Nam: Ý nghĩa là gì? (30/06/2024)
  + Hình ảnh thiêng liêng lễ diễu binh ở Thị trấn Trường Sa (08/06/2024)
  + Trường Sa luôn đặc biệt từ những điều nhỏ nhất (26/05/2024)
  + Thế trận Đường Trường Sơn góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch mùa Xuân 1975 (18/05/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/2024)
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
  + Hiệp định Paris - thành quả đấu tranh kiên cường, bất khuất và hy sinh to lớn của quân dân Việt Nam (17/01/2023)
  + Cánh đồng Tà Pạ đẹp lạ như phim, dân mạng đang “phát sốt” tìm xem ở tỉnh nào của miền Tây (23/12/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 65161285

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July