Đó là những dòng cảm xúc của nhà báo Nguyễn Lương Phán - một người đồng hương Quảng Bình với Đại tướng Võ Nguyên Giáp - viết năm 2010, về những kỷ niệm với vị Đại tướng toàn tài của dân tộc. Bài viết đã được chọn đăng trong cuốn “Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - Người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam” do Nhà xuất bản QĐND xuất bản nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng. Dân trí xin được trích đăng lại.
Cuốn sách có in bài "Thầy Võ, Tướng Văn"
Một lần vào thăm Đại tướng
Năm bước vào Thiên niên kỷ, đúng dịp kỷ niệm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi theo đoàn đại biểu Hội khuyến học Việt Nam do Chủ tịch Vũ Oanh dẫn đầu đến nhà Đại tướng mừng thọ. Năm 2000 là năm kỷ niệm 990 năm Thăng Long Hà Nội, nên những câu chuyện về Hà Nội trở thành chủ đề chính.
Nhắc đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Đại tướng trăn trở một điều là đại học Quốc gia Hà Nội chưa xứng tầm với những gì mà ông cha ta tạo dựng và cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của đất nước khi bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nói về giáo dục, Đại tướng là một nhà giáo tâm huyết với nghề. Người thầy giáo trường Thăng Long xưa, giờ đây vẫn cặn kẽ theo dõi từng bước đi của phong trào khuyến học. Cũng hôm ấy, tôi đã được gặp nhiều cụ già vào tuổi thất thập “cổ lai hy” vốn là học trò của trường Thăng Long vào những năm đầu thế kỷ XX, đến mừng thọ thầy Võ Nguyên Giáp.
Thời ấy và cả đến nay, người ta gọi Cụ Huỳnh Thúc Kháng là Cụ Huỳnh, Cụ Phan Bội Châu là Cụ Phan, Cụ Phạm Khắc Hòe là Cụ Phạm. Vậy thì, thầy Võ Nguyên Giáp là thầy Võ, thầy Võ thời ấy lại dạy văn - văn hóa. Thầy làm báo, viết sách “Vấn đề dân cày” (cùng ông Trường Chinh).
Tác giả (thứ 2 từ trái qua) chụp ảnh lưu niệm cùng Đại tướng
Tôi đang mải mê nghĩ về thầy Võ dạy Văn thì có mấy vị tướng tóc bạc phơ, ngực đeo đầy huân chương vây quanh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vừa kính cẩn, vừa thân mật như anh em trong nhà mà kính thưa “Anh Văn”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Bác Hồ là chú Văn, với tướng lĩnh là Anh Văn, với bộ đội là Tướng Văn, phải chăng cái tên Anh Văn, Tướng Văn đã có sức hút lớn, sức thôi thúc động viên biết bao người sẵn sàng lao ra trận, chiến đấu và chiến thắng. Tôi cũng đã nghe kể về những bức thư “Anh Văn” làm dịu bớt bao nỗi đau đớn của thương binh, bệnh binh ở những lều dã chiến. Tên tuổi anh Văn gắn liền với những võ công đánh Pháp, đuổi Mỹ giành độc lập, tự do cho nhân dân ta. Tôi bất giác nghĩ ra một vế đối:
“Thầy Võ, Tướng Văn, Văn - Võ kiệt xuất”
Tôi ghé tai anh Hoàng Quốc Dũng, nguyên Thứ trưởng phủ Thủ tướng, người nhiều năm làm thư ký cho cố thủ tướng Phạm Văn Đồng, là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, đọc cho anh nghe. Anh tỏ ra thích thú khen: “Được đấy, được đấy” và động viên tôi cố làm vế thứ hai. Tôi đã trằn trọc bao đêm suy nghĩ và vẫn chịu, không tìm được câu để đối lại vế đầu cho chỉnh.
Vế đối còn lại
Phải đến cuối năm 2000, nhân ngày giỗ mẹ, tôi về quê. Hôm ấy, cụ Nguyễn Văn Song vốn bạn cùng tuổi với mẹ tôi đến thăm, biết cụ là người có vốn liếng chữ Nho, say sưa sưu tầm nhiều tài liệu Hán Nôm tại địa phương, tôi liền đem vế đối ra mời đối, cụ loay hoay mãi rồi hứa “khó đấy, nhưng tôi sẽ cố gắng”.
Hai hôm sau, cụ lại đến và đề nghị tôi đổi lại thứ tự hai chữ ở vế ra là Văn Võ thành Võ Văn, tức là “Thầy Võ, Tướng Văn, Võ Văn kiệt xuất”,có như vậy thì cụ mới có thể đối được. Ý cụ thật đúng với ý nghĩ nhà báo Phan Quang (nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam). Nhà báo Phan Quang khuyên tôi nên sửa lại là “Thầy Võ, Tướng Văn, Võ Văn kiệt xuất”. Bởi thế giới và nhân dân ta biết đến Tướng Giáp trước hết là võ công. Ý đó thật hay, nhưng lúc đầu tôi quá câu nệ vào “láy” chữ “bằng - trắc” nên đặt chữ văn trước chữ võ.
Nghe cụ Song nói vậy tôi đã rất thích, song vẫn nói cứng “người đối mà phải đề nghị sửa vế ra thì xưa nay chỉ thầy là một đấy!”.
Cụ phân trần: “Mình chỉ nghĩ là làm sao chúng ta có câu đối hay để ca ngợi đúng tầm công lao Đại tướng là được…”. Tôi hết sức cảm động về ý định này của cụ và hỏi cụ định đối theo hướng nào. Cụ bảo: Câu đối loại này người ta có thể lấy Thần Siêu đối với Thánh Quát… nhưng trong trường hợp này thì lấy “Cụ” đối với “Cụ” thôi.
Rồi cụ Song giải thích. Trong gia đình thì ông Giáp là con đầu, ngôi đầu như vậy có phải là Ngôi Nguyên không nào? Và ngay cả đối với đất nước trong hàng ngũ học trò của lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh thì ông Giáp là một trong vài người đứng ở đầu. Có thể nói trong những năm tháng theo Cụ Hồ dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì ông Giáp vẫn là Ngôi Nguyên, và tên cha mẹ đặt của ông là Giáp; “Húy Giáp”; Giáp cũng là chữ đứng đầu của thập can đúng không? Đọc cả vế là “Ngôi Nguyên, Húy Giáp, Nguyên Giáp vô song”.
Như vậy là chúng tôi có hai vế đối gồm 16 chữ:
“Thầy Võ, Tướng Văn, Võ Văn kiệt xuất/Ngôi Nguyên, Húy Giáp, Nguyên Giáp vô song”.
Đại tướng vui vẻ tiếp chuyện những người đồng hương Quảng Bình.
Câu đối tặng Đại tướng
Lúc trở ra Hà Nội, đúng dịp xuân Tân Tỵ 2001, Hội đồng hương Quảng Bình tại Hà Nội bàn tổ chức mừng thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp 90 tuổi, ai cũng bảo phải làm bức trướng, nhưng nội dung bức trướng thì bàn mãi. Xét mình là người ít tuổi nhất trong số người có mặt, nên sau khi mọi người góp ý tôi mới đề xuất câu đối mà chúng tôi đã làm sẵn. Tôi cũng không tin là ý kiến của mình được chấp nhận, nhưng không ngờ được các cụ thông qua một cách nhanh chóng.
Và một ngày đầu xuân Tân Tỵ, sau khi hơn 1.000 người con cháu, dâu rể Quảng bình họp mặt nói rõ ý nghĩa tại hội trường ở số 10 phố Nguyễn Cảnh Chân, đoàn đại biểu tỉnh Quảng Bình bao gồm đại biểu Tỉnh ủy, UBND, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình và hội đồng hương Quảng Bình tại Hà Nội đã đến chúc tết, mừng thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng, cùng với những bông hoa tươi thắm đầu xuân và bức trướng nhung đỏ thêu kim tuyến vàng 16 chữ “Thầy Võ, Tướng Văn….”kính tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nhìn những bó hoa, lẵng hoa tuyệt đẹp tôi nghĩ rồi hoa sẽ tàn, nhưng những bức trướng, những bài thơ, những câu đối ca ngợi công lao của Đại tướng thì sẽ mãi mãi trở thành hiện vật trong phòng lưu niệm và cả trong lòng chúng tôi về một “Người đương thời huyền thoại”.
Tôi tiếc mãi do sơ xuất cho nên trên bức trướng ấy chưa kịp sửa trật tự hai chữ Võ Văn mà vẫn đề là “Thầy Võ, Tướng Văn, Văn Võ Kiệt xuất”.Tôi lại bỗng nghĩ rằng giá như tôi mạnh dạn xin chữ vế thứ hai của cụ Song thành: “Ngôi Nguyên, Súy Giáp, Nguyên Giáp anh hùng”, thì có lẽ hay hơn. Bởi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là ông Tướng đầu tiên trong những tướng lĩnh cách mạng Việt Nam.
Ông Tướng đầu đàn ấy có thể nói là Súy theo cách nói của đồng bào miền Nam và Soái theo cách đọc của miền Bắc.
Tướng Văn đối với Soái Giáp - Súy Giáp. Còn chữ “Vô song” thì đã có trong một câu đối nói về Cụ Hồ cho nên ở đây xin đổi thành một chữ giản dị nhất là “Anh hùng”, bởi trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, Nhà nước tuyên dương biết bao anh hùng và vị Tổng Tư Lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng rất xứng đáng để nhân dân ngợi ca là Anh hùng.
Ngày 25 tháng 8 năm nay đúng là ngày kỷ niệm lần thứ 100 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi xin được sửa lại trong lòng mình câu chữ ở bức trướng đã tặng thành:
“Thầy Võ, tướng Văn, Võ Văn kiệt xuất; Ngôi Nguyên, Súy Giáp, Nguyên Giáp anh hùng”.
Nguyễn Lương Phán