Theo chân Đại tướng
Vội trở về từ Vinh khi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Nhà báo Trần Tuấn của Thông tấn xã Việt Nam không khỏi bàng hoàng. Tại nhà riêng của mình, những kỷ niệm 35 năm theo chân chụp ảnh Đại tướng của nhà báo Trần Tuấn cứ lần lượt ùa về đầy xúc động.
Trong phòng tư liệu quý của mình gồm rất nhiều cuốn sách ảnh, những file dữ liệu ảnh khổng lồ, nhà báo Trần Tuấn vừa cho chúng tôi xem hình vừa khẳng định, cái nghiệp của ông là gắn liền với Đại tướng và ông tự hào gọi đó là “cái duyên mấy ai có được”.
Nhà báo Trần Tuấn mở kho dữ liệu ảnh chụp về Đại tướng Võ Nguyên Giáp suốt 35 năm qua của ông. Ảnh: Hà Thành. |
Năm 1975, ngay khi nhận nhiệm vụ xây dựng lại phân xã Thừa Thiên - Huế sau giải phóng, nhà báo Trần Tuấn được phân công đi theo chụp ảnh, đưa tin về chuyến thăm lại chiến trường miền Nam của Đại tướng. Đó cũng chính là thời điểm những bức ảnh chân thực, bình dị đầu tiên về vị tướng vĩ đại của dân tộc Việt Nam đi vào cuộc đời làm báo của nhà báo Trần Tuấn.
Hai năm sau, trở ra Bắc làm việc, một lần nữa nhà báo Trần Tuấn được phân công nhiệm vụ đi theo Đại tướng trong chuyến thăm khu kinh tế Quảng Ninh. Ngay khi được thông báo, ông Tuấn mừng vô cùng. “Đúng là cái duyên không hẹn mà gặp” – ông Tuấn khẳng định. Và từ đó, cứ mỗi lần đi đâu công tác, Đại tướng lại yêu cầu văn phòng báo “anh Tuấn” cùng đi. Đại tướng còn nhắc nhở nhà báo Trần Tuấn về sau phải gọi Đại tướng bằng cái tên thân mật “anh Văn”.
Trong 35 năm cầm máy theo Đại tướng, trong lòng nhà báo Trần Tuấn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng của lòng dân, cao cả và đức độ. Kỷ niệm về Đại tướng thì nhiều nhưng ông Tuấn sẽ không bao giờ quên cái lần ông bị đau ruột thừa phải mổ ở Bệnh viện Điện Biên.
“Ngày tôi ra viện, tôi xúc động đến rơi nước mắt khi biết rằng, Đại tướng đã tạm dừng chuyến công tác để đợi tôi bình phục. Hôm đón tôi ở cổng bệnh viện, Đại tướng yêu cầu chụp ảnh tôi đứng cạnh Đại tướng rồi bảo tôi về nhà in bức ảnh này ra, đưa cho Đại tướng ký. Sau đó Đại tướng đã ký tặng lên bức ảnh bằng chữ ký thời Đại tướng còn làm Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam” – ông Tuấn bồi hồi kể lại.
Bức ảnh có chữ ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp của nhà báo Trần Tuấn. Ảnh: Hà Thành. |
Bây giờ bức ảnh ấy được đặt trang trọng trong phòng khách ở nhà riêng của nhà báo Trần Tuấn, dưới chân bức tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ. Để không gian trở nên “Điện Biên” hơn, ông Tuấn còn đặt một bình hoa lau mang hương sắc của núi rừng Tây Bắc.
Nhà báo Trần Tuấn và bức ảnh chụp bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Hà Thành. |
Những khoảnh khắc xúc động về Đại tướng
Lật dở cuốn sách ảnh “101 khoảnh khắc về vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp” xuất bản năm 2011, ông Tuấn kể cho chúng tôi xem hoàn cảnh ra đời của rất nhiều bức ảnh. Trong đó có những bức ảnh theo ông chỉ chụp được một lần trong đời.
Đó là bức ảnh chụp vào tháng 4/1976, nhân kỷ niệm 1 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Đại tướng đến thăm Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế. Trong ảnh, Thiếu tướng Lê Nam Khánh đang giới thiệu với Đại tướng về cán bộ của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Bức ảnh gây xúc động với nhà báo Trần Tuấn ở nụ cười hiền hậu, nét giản dị thân mật của một vị chủ soái huyền thoại bên những người lính của mình.
Kế đến là bức ảnh chụp Đại tướng đang ngồi cạnh lắng nghe ông Năm Được (Nguyễn Văn Được), nguyên Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Bà Rịa thời kỳ 1946-1952 kể về cuộc chiến gian khổ trong những năm kháng chiến chống Pháp.
Trong bức ảnh, ông Năm Được đang cầm chiếc khăn mùi xoa đưa lên lau những giọt nước mắt. Ở phía đối diện, Đại tướng không khóc, nhưng từ sâu trong tái tim Đại tướng nỗi đau như nhân lên gấp bội và toát ra ngoài trên một nét mặt đầy chia sớt với đồng bào. Ông Tuấn bảo, đây là bức hình ông chụp được trái tim Đại tướng.
Một bức ảnh khác cũng khiến ông Tuấn không thể nào quên. Đó là bức ảnh chụp Đại tướng đến thăm quán nước của chị Trần Thị Tỉnh – diễn viên ca múa nhạc kịch tỉnh Hà Tuyên năm 1990.
Ông Tuấn kể, hôm ấy sau giờ làm việc, nghe nói có một nữ diễn viên ca múa nhạc kịch tỉnh Hà Tuyên bán nước ở gần đó, bác đã rảo bước tới quán để uống nước và trò chuyện cởi mở cùng nữ diễn viên này. Ông Tuấn đi theo để quay phim nhưng vẫn cố lấy ra một chiếc máy ảnh nhỏ, tranh thủ chụp được khoảnh khắc đầy bình dị của Đại tướng.
Chuyện hai Trung tá Mỹ quỳ dưới ảnh Đại tướng
Cuối tháng 3/2011, nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Trần Tuấn có tổ chức một cuộc triển lãm “101 khoảnh khắc về vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp” tại Dinh Độc Lập, TP.HCM. Tại triển lãm này, ông cho in khổ lớn bức ảnh chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bắt tay cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara và đặt ở chính giữa phòng triển lãm.
Trong những người vào thăm quan triển lãm ngày hôm đó, có hai trung tá hải quân Mỹ. Sau khi xem quanh một vòng phòng triển lãm, họ đã dừng lại trước bức ảnh lớn kể trên một hồi lâu rồi bất ngờ cùng nhau quỳ xuống.
Vì sao hai cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam lại có hành động như vậy thì ông Tuấn không được họ nói rõ. Ông chỉ biết rằng, một người trong số đó bày tỏ sự cảm phục về tài chỉ huy quân sự cũng như tấm lòng cao cả của Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trước khi rời phòng triển lãm, họ xin được chụp ảnh kỷ niệm cùng tác giả bức ảnh.
Về hoàn cảnh ra đời bức ảnh, nhà báo Trần Tuấn cho biết, bức ảnh được chụp vào ngày 23/6/1997 tại Nhà khách Chính phủ khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara.
“Trước khi chụp khoảnh khắc này, tôi đã chụp được nhiều bức ảnh Đại tướng bắt tay ông Robert McNamara ở thế đối diện và nhìn về phía nhau. Nhưng phải đến khi ông Robert McNamara quay mặt đi và cúi đầu xuống thì bức ảnh mới nói lên tất cả. Đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Đại diện cho sự chính nghĩa, trong thế ngẩng cao đầu của người người chiến thắng, còn ông Robert McNamara – Đại diện của sự phi nghĩa, trong thế quay mặt đi, cúi đầu tâm phục khẩu phục” – nhà báo Trần Tuấn kết lại.
Theo VTC
Theo kienthuc