12 năm gắn bó với vùng biên giới Đồng Tháp Mười, dù lúc nửa đêm gà gáy, bất kể người Việt Nam hay người Cam-pu-chia, hễ đến Phòng khám quân dân y Dinh Bà, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp đều được Trung úy Hoàng Văn Dũng cứu chữa tận tình.
Trung úy Hoàng Văn Dũng khám bệnh cho bà Trương Thị Phấn, xã Thường Phước, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp.
Chẳng thế mà ngày chia tay anh chuyển công tác về Phòng khám quân dân y Thường Phước (Đồn BP Thường Phước, BĐBP Đồng Tháp), những người dân từng là bệnh nhân của anh đều bịn rịn. Nhiều người còn cất công về tận Thường Phước để nhờ chú Dũng khám cho yên tâm.
Phòng khám quân dân y kết hợp Dinh Bà ra đời năm 2000, do Bộ Chỉ huy BĐBP Đồng Tháp phối hợp với Sở Y tế tỉnh xây nhằm mục đích chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân khu vực biên giới Việt Nam và Cam-pu-chia. Sở dĩ có sự ra đời của phòng khám này là bởi mạng lưới y tế xã biên giới Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng chỉ có một trạm y tế không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Ngày mới thành lập, biên chế ban đầu rất ít ỏi, Trung úy Hoàng Văn Dũng được giao phụ trách phòng khám. Hằng tuần nơi đây đón từ 200-250 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị, trong đó, hơn 50% là người dân Cam-pu-chia sinh sống ở xã Bon-tia Chắc-crây, giáp ranh biên giới Việt Nam. Để đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân, anh Dũng luôn chịu khó học hỏi, nghiên cứu tài liệu để nâng cao kiến thức và kinh nghiệm công tác. Anh không nề hà bất cứ công việc gì, luôn hết lòng vì người bệnh. Đối với các bệnh nhân neo đơn không có phương tiện đến khám..., anh Dũng trực tiếp đến tận nhà thăm khám, bỏ tiền túi mua thuốc phát cho bệnh nhân. Anh Dũng còn tranh thủ thời gian rảnh học tiếng Khmer để thuận tiện trong việc thăm khám cho bà con. 12 năm gắn bó với Phòng khám quân dân y Dinh Bà, không biết bao nhiêu bệnh nhân người Việt Nam, người Cam-pu-chia đã mang nặng ân tình đối với người thầy thuốc quân hàm xanh Hoàng Văn Dũng.
Có một câu chuyện xảy ra từ cách đây chục năm, khi phòng khám mới thành lập, nhưng đến bây giờ vẫn được bà con ở đây nhắc đến. Đó là “sự kiện” bà cụ người Cam-pu-chia được đưa đến Phòng khám Dinh Bà trong trạng thái bị liệt, không đi lại được. Anh Dũng sau khi khám đã đưa ra phác đồ điều trị cho bệnh nhân, chỉ sau một tuần điều trị, bệnh nhân đã có thể đi lại được. Được biết, trong quá trình cấp cứu và theo dõi, anh Dũng phát hiện bệnh nhân được điều trị không đúng cách nên dẫn đến bị suy nhược cơ thể, nằm liệt gường. Cùng với việc kê đơn thuốc cho bệnh nhân, anh Dũng còn hướng dẫn cho người nhà bà cụ cách chăm sóc, chế độ ăn uống hợp lý. Nhờ vậy, bệnh nhân hồi phục sức khỏe nhanh chóng, sau một tuần đã có thể tự đi lại trong niềm vui mừng khôn tả của gia đình. Và kể từ ngày đó, hễ ốm đau là gia đình bà cụ lại lặn lội từ Cam-pu-chia sang phòng khám tìm chú Dũng. Một trường hợp khác, bệnh nhân bị suy tim cấp, khó thở được đưa đến cấp cứu vào lúc đêm khuya, trời mưa to. Hôm đó, phòng khám chỉ có một mình anh Dũng trực. Biết là rất khó xoay xở, nhưng anh bình tĩnh tiến hành các biện pháp kỹ thuật kết hợp với tiêm thuốc trợ tim. Sự nỗ lực của anh đã giúp bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch, sau đó bệnh nhân được chuyển lên bệnh viện tuyến trên tiếp tục điều trị kịp thời.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều việc làm thể hiện y đức của “thầy thuốc quân hàm xanh” Hoàng Văn Dũng mà chúng tôi nghe được khi về công tác tại Đồn BP Dinh Bà. Và chúng tôi đã quyết định tìm về nơi công tác mới của anh Dũng. Trong Phòng khám quân dân y kết hợp Thường Phước (do Đồn BP Thường Phước quản lý), tôi bắt gặp một y sĩ đang khám cho một bà cụ. Từng lời nói, cử chỉ của anh đều toát lên sự tận tụy thân thiện. Đại úy Nguyễn Trường Thi, Chính trị viên phó Đồn BP Thường Phước giới thiệu với tôi đó là Trung úy Dũng, người vừa được tăng cường về phụ trách phòng khám. Rất khiêm tốn khi kể về mình, nhưng khi hỏi về công tác chăm sóc sức khỏe cho bà con khu vực biên giới, anh Dũng trở nên sôi nổi hẳn. Anh bảo: Ở biên giới Đồng Tháp, nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân rất cao, trong đó, 2/3 là người Cam-pu-chia. Bà con chủ yếu mắc các bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp. Thời gian khám chữa bệnh của bà con cũng rất đặc biệt, thường là vào sáng sớm, buổi trưa và chiều tối nên cả phòng khám phải điều chỉnh lịch làm việc theo bệnh nhân. Ngoài việc khám chữa bệnh, anh Dũng và đồng nghiệp còn gián tiếp làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương... Anh luôn tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa mới, phát triển tình đoàn kết, hữu nghị với nhân dân Cam-pu-chia.
Bằng những việc làm y đức, tình người của một “thầy thuốc quân hàm xanh”, Trung úy Hoàng Văn Dũng vinh dự được Bộ Quốc phòng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp và các cấp, các ngành tặng Bằng khen; được Ban Tuyên giáo tỉnh chọn là điển hình tiên tiến thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” khu vực Nam bộ và vinh dự đi dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII tại Hà Nội.