Trong trận chiến đấu ác liệt ngày 3-10-1973 của Trung đoàn 207 (Quân khu 8 cũ) tại ấp Đá Biên (Thạnh Phước, Thạnh Hóa, Long An), chiến sĩ của ta hy sinh phần lớn, chỉ duy nhất một người trở về là Thiếu tá Nguyễn Trần Oanh.
Vợ chồng CCB Nguyễn Trần Oanh.
Những ngày đầu tháng 9 này, chúng tôi có dịp tìm gặp ông trong căn nhà nhỏ ở quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) để nghe ông kể về câu chuyện của 40 năm về trước.
Quê ông ở Hưng Yên. Tháng 10-1970, đang học năm thứ 3 Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thì có lệnh tổng động viên, chàng sinh viên Nguyễn Trần Oanh cùng nhiều sinh viên các trường đại học ở Hà Nội xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ. Kết thúc khóa huấn luyện chiến sĩ mới, ông cùng một số đồng đội được biên chế về các đơn vị chiến đấu. Nhớ lại trận chiến đấu không cân sức giữa bộ đội ta và quân địch diễn ra ở tại ấp Đá Biên, ông Oanh, kể:
- Ngày 2-10-1973, đơn vị tôi được lệnh hành quân qua vùng Đá Biên (Thạnh Hóa, Long An) để vào tham gia chiến đấu tại chiến trường Đồng Tháp Mười. Do hành quân từ 5 giờ sáng hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau (ngày 3-10-1973) nên bộ đội tỏ ra khá thấm mệt. Bởi vậy, chỉ huy đơn vị quyết định cho bộ đội nghỉ lại ở một cánh rừng tràm tại ấp Đá Biên; đồng thời đợi đến đêm sẽ tiếp tục hành quân. Nào ngờ, địch phát hiện, huy động máy bay trực thăng và pháo bắn vào đội hình trú quân của ta làm đơn vị tổn thất rất nặng nề. Riêng tôi bị thương khắp cơ thể, may mắn là còn đầu và cánh tay trái lành lặn.
Sau trận đánh, địch tiếp tục bao vây khu rừng tràm suốt 10 ngày mới chịu rút quân. Cả cánh đồng im ắng, nước nhuộm đỏ máu. Dù bị thương nặng nhưng ông Oanh vẫn cố gắng bò vào bụi cây mọc giữa đồng vắng để ẩn náu. Hằng ngày, ông ăn cỏ dại để sống. Cũng may, vùng này đầm lầy và toàn là nước phèn mặn, nên giúp các vết thương của ông có thể cầm máu và không gây nhiễm trùng. Do ông núp giữa đồng rộng, nên khi đồng đội vào tìm xác liệt sĩ thì không phát hiện được và cho rằng ông Oanh đã hy sinh. Vì vậy, trong danh sách liệt sĩ của đơn vị hy sinh tại ấp Đá Biên có tên Nguyễn Trần Oanh. Ông Oanh xúc động kể tiếp:
- Tôi nấp trong bụi gai và ngâm mình dưới nước đến ngày thứ 19 thì thấy có tiếng động. Tưởng địch đến gần, tôi chuẩn bị lựu đạn để quyết tử với chúng; tuy nhiên, đó lại là mẹ con người nông dân đi làm ruộng. Tôi thều thào: “Tôi là bộ đội đây…”. Nhìn thấy tôi máu đầy mình, quần áo rách nát, mẹ con chị liền dùng mái chèo nâng bụi cây để tôi chui ra.
Ông Oanh được mẹ con người nông dân đưa về một chiếc lán bí mật gần bờ sông nuôi giấu. Hằng ngày, mẹ con chị tìm cách bí mật mang cơm và thuốc giúp ông Oanh chữa lành vết thương. Sau một tuần được mẹ con người nông dân tận tình chăm sóc, ông Oanh được Chính trị viên đại đội trinh sát Phạm Hậu tìm gặp và đưa về đơn vị. Khi các vết thương đã lành, sức khỏe ổn định, Nguyễn Trần Oanh tiếp tục chiến đấu cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Trong dịp đóng quân ở Đồng Tháp, ông đem lòng yêu thương và kết duyên với một cô gái ngoan hiền. Giờ đây, trong căn nhà nhỏ ở TP Cần Thơ, vợ chồng ông sớm tối quây quần có nhau. Gần 40 năm đã qua, nhưng mỗi khí nhớ lại trận chiến ấy, Thiếu tá Nguyễn Trần Oanh vẫn không kìm được xúc động. Ông cũng đã trở lại ấp Đá Biên tìm mẹ con chị nông dân để cảm ơn (vì hồi đó bị thương không kịp hỏi tên mẹ con chị) nhưng không gặp. Bây giờ, dẫu tuổi đã cao, lại thường xuyên bị các vết thương hành hạ, nhưng CCB Nguyễn Trần Oanh vẫn luôn phát huy phẩm chất tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ để nuôi dạy con cháu, giúp đỡ láng giềng và tham gia công tác xã hội.