Trang chủ Liên hệ       Thứ bẩy, Ngày 23/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người > Con Người Việt Nam >
  Quân đoàn 3: Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên Quân đoàn 3: Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

Trong không khí mùa thu cách mạng, đoàn nhà văn Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có cuộc gặp gỡ ấn tượng với Thiếu tướng Đậu Đình Toàn - Tư lệnh Quân đoàn 3 tại Tây Nguyên. Cuộc đối thoại giữa các nhà văn với đồng chí Tư lệnh sôi nổi nhưng cũng có những lúc trở nên thâm trầm.

Dáng dấp ung dung, bình thản, cách đặt và lý giải vấn đề thẳng thắn, bộc trực nhưng cũng rất mềm mại, nhân văn. Là người am tường vùng đất và con người Tây Nguyên, đặc biệt là những chiến sĩ đang ngày đêm rèn luyện và công tác ở đây, Thiếu tướng Đậu Đình Toàn, qua cái nhìn toàn cảnh của buổi trò chuyện, đã cho các nhà văn Quân đội và bạn đọc hiểu thấu đáo và rộng mở hơn về người chiến sĩ Quân đoàn 3, về những con người luôn sáng ngời phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ nơi địa bàn chiến lược này. Văn nghệ Quân đội xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc nội dung cuộc đối thoại.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Thưa đồng chí Tư lệnh! Các nhà văn Quân đội trong đợt trở lại Tây Nguyên này rất ấn tượng với cán bộ chiến sĩ Quân đoàn 3. Khi đi thực tế ở các đơn vị Quân đoàn, chúng tôi thấy rõ một điều: Sự chính quy và hiện đại được biểu hiện từ những chi tiết nhỏ nhất, cả trong huấn luyện và phong cách ăn ở hàng ngày của mỗi người chiến sĩ. Với địa bàn trải rộng, nhiều địa điểm thuộc vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nhiễm độc bom mìn, chất độc hóa học nhưng đời sống vật chất và tinh thần của bộ đội là khá tốt. Do đâu Quân đoàn có được bộ mặt như hôm nay? Điều cốt lõi nhất để duy trì và phát huy các giá trị truyền thống, thành quả đạt được của Quân đoàn với đồng chí Tư lệnh là gì?

Thiếu tướng Đậu Đình Toàn

Thiếu tướng Đậu Đình Toàn: Tôi may mắn trưởng thành từ người chiến sĩ đến cương vị Tư lệnh Quân đoàn. Khó trả lời hết các ý cho câu hỏi của các nhà văn nhưng nói gọn lại thì thế này. Quân đoàn được như hôm nay trước tiên chúng ta phải biết ơn nhân dân Tây Nguyên đã yêu thương đùm bọc, kề vai sát cánh từ những buổi đầu cách mạng, qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, tiễu trừ Phulrô, giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng và hôm nay đang vươn mình mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới. Chúng ta càng phải ghi nhớ và trân trọng sự hy sinh máu xương của hàng vạn liệt sĩ từ khắp các vùng miền cả nước đã góp cho Tây Nguyên, cùng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đứng lên làm chủ đời mình, xây dựng độc lập, tự do, hạnh phúc và hiện giờ đang phát triển bền vững. Người chiến sĩ Quân đoàn 3 luôn gắn bó mật thiết với bà con các dân tộc Tây Nguyên, là máu hòa trong máu, sắt son, bền chặt, là một khối thống nhất không thể tách rời. Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng luôn dành cho Tây Nguyên sự quan tâm đặc biệt. Không riêng gì cơ sở vật chất mà tình cảm sâu sắc, tin yêu hết mực như một yếu tố hàng đầu luôn dành cho Tây Nguyên. Chính những điều đó hợp lại đã tạo lên bộ mặt vạm vỡ và vững chắc của Quân đoàn. Về phía chúng tôi, các thế hệ cán bộ chiến sĩ hôm nay luôn xác định, điều cốt lõi nhất để duy trì và phát huy các giá trị truyền thống, thành quả đạt được chính là điều mà Bác Hồ đã dạy, đó là phải Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc tập tự do của Tổ quốc. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

Nhà văn Phùng Văn Khai: Truyền thống của Quân đoàn 3 rất hào hùng. Chiến đấu dũng cảm, lập công xuất sắc. Những người lính Quân đoàn luôn có mặt ở những chiến trường nóng bỏng nhất trong các thời điểm bước ngoặt, tham gia chiến đấu lập công trong các chiến dịch then chốt. Xin đồng chí Tư lệnh khái quát những nét tiêu biểu, những thành tích xuất sắc trong quá trình chiến đấu trưởng thành của Quân đoàn?

Thiếu tướng Đậu Đình Toàn: Cách đây 38 năm, ngày 26 tháng 3 năm 1975, Quân đoàn 3 - Binh đoàn Tây Nguyên được thành lập trên cơ sở hợp thành các đơn vị thuộc khối chủ lực của mặt trận B3, một mặt trận cực kỳ quan trọng trong các cuộc chiến tranh vệ quốc. Như các nhà văn đã biết, trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Tây Nguyên không những là nơi che chở, nuôi dưỡng bộ đội và nhân dân để duy trì lực lượng, bám giữ chiến trường, chiến đấu giải phóng địa bàn mà còn là căn cứ bàn đạp của những đoàn quân lớn tiến xuống vùng duyên hải miền Trung Trung Bộ, vào Đông Nam Bộ, sang Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia.

Tuy ra đời vào tháng 3 năm 1975, nhưng các đơn vị hợp thành Quân đoàn đều có bề dày lịch sử, có truyền thống đánh Pháp, đặc biệt là 11 năm đánh Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên và khu 5. Vì vậy, chúng tôi luôn khẳng định, lịch sử ra đời của Mặt trận Tây Nguyên (B3) ngày 1 tháng 5 năm 1964 là điểm khởi đầu của truyền thống Quân đoàn, là dòng chảy không ngừng của lịch sử để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ luôn ghi nhớ, mang theo những chiến công đó trong hành trang cuộc sống, chiến đấu, học tập của mình.

Sau khi thành lập, Quân đoàn đã tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Sau ngày miền Nam giải phóng, Quân đoàn tham gia xây dựng chính quyền cách mạng, ổn định đời sống nhân dân, truy quét bọn phản động Phulrô, giữ vững an ninh chính trị ở Sài Gòn - Gia Định và nam Tây Nguyên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Từ tháng 12 năm 1978 đến tháng 6 năm 1979 làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Từ tháng 7 năm 1979 đến tháng 10 năm 1987 làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trong đó có đổi mới tư duy về quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tháng 11 năm 1987, Quân đoàn nhận nhiệm vụ trở lại địa bàn chiến lược Tây Nguyên.

38 năm qua, Quân đoàn đã kế thừa, phát huy phẩm chất tốt đẹp và truyền thống vẻ vang của dân tộc, của quân đội và của các dân tộc Tây Nguyên anh em. Đó là lòng tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, triệt để chấp hành mệnh lệnh, đoàn kết thống nhất, chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn. Trong chiến đấu thì dũng cảm, ngoan cường, không ngại hy sinh, ác liệt, dám đánh, quyết đánh và quyết thắng, chiến đấu trên mọi địa hình, giỏi đánh tập trung quy mô lớn, khi cần thì đánh nhỏ, đánh lẻ có hiệu suất chiến đấu cao, đã vào trận thì dũng cảm, kiên cường, mưu cao, kế sâu, kiên quyết, khẩn trương, táo bạo, chiến thắng mọi đối tượng kẻ thù. Trong xây dựng, biết khắc phục khó khăn, thiếu thốn, gian khổ, nghiêm túc, kiên trì, bền bỉ, tự lực, tự cường, cần cù, sáng tạo, khoa học, đoàn kết, dân chủ, quyết tâm cao. Trong bất cứ tình huống nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với truyền thống: “Quyết thắng - Sáng tạo - Đoàn kết - Thống nhất - Nghiêm túc - Tự lực”.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làm nhiệm vụ quốc tế, cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Quân đoàn vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và được tặng thưởng 2 Huân chương Hồ Chí Minh, 56 Huân chương Quân công và 245 Huân chương Chiến công các hạng, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Trong Quân đoàn có 51 tập thể, 32 cá nhân được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong đó có 2 Sư đoàn, 4 Trung (Lữ) đoàn được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lần thứ hai; 1 Trung đoàn và 1 Lữ đoàn được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lần thứ ba trong thời kỳ đổi mới.

Các chiến sĩ xe tăng Lữ đoàn 273, Quân đoàn 3 hành quân huấn luyện - Ảnh: Xuân Thủy

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Từ khái quát của đồng chí Tư lệnh, từ thực tế vừa có được ở các đơn vị, chúng tôi thấy rất rõ một điều: Những người lính Quân đoàn 3 luôn tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh cấp trên, sẵn sàng cơ động nhận nhiệm vụ trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Chúng tôi cũng được biết các anh luôn và đang có những cuộc chuyển quân. Chuyển địa bàn đóng quân thời bình hôm nay có khó khăn gì không? Các anh đã xử lý việc này như thế nào?

Thiếu tướng Đậu Đình Toàn: Xin nói thẳng với các nhà văn. Quân đoàn 3 là Quân đoàn luôn phải cơ động, liên tục cơ động và cơ động nhiều nhất trong toàn quân. Không phải hôm nay mà từ thời đánh Pháp đánh Mỹ đã có đặc thù ấy rồi. Đánh giặc, nhất là đánh Mỹ, sức cơ động yếu kém là chết ngay. Năm 1987, khi nhận nhiệm vụ trở lại Tây Nguyên, toàn Quân đoàn lập tức lên đường. Từ tuyến biên giới Vị Xuyên - Hà Tuyên, những người lính Quân đoàn lại ngược hàng ngàn ki lô mét về với đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ. Khó nói hết những khó khăn của cuộc hành quân ấy. Anh em toàn người miền Bắc, cứ nghĩ hết giặc sẽ được ở gần nhà. Cán bộ chiến sĩ nhiều người đã có gia đình cũng tâm tư lắm. Người lính cũng là con người, cũng có những suy nghĩ như mọi người ở các nghề nghiệp khác. Tâm tư thì tâm tư thế nhưng cũng còn có những suy nghĩ khác. Đã là bộ đội, nhất là bộ đội Cụ Hồ, thì phẩm chất đầu tiên là sẵn sàng chiến đấu hy sinh, sẵn sàng vì lợi ích của Tổ quốc và nhân dân mà không quản ngại bất kỳ khó khăn gian khổ nào. Cho nên cuộc hành quân trở lại Tây Nguyên khi ấy cũng là cuộc hành quân trên dưới một lòng, ai cũng nhận thức tốt, thậm chí nhận phần gian khổ về mình, không có người chiến sĩ nào lùi bước thối chí. Bây giờ cũng vậy, các nhà văn vừa thực tế ở Sư đoàn 10 chắc cũng nắm được. Chúng tôi đang thực hiện cuộc di chuyển Trung đoàn 66 đến vùng biên giới Ea H’leo - Đăk Lăk cách đơn vị cũ 140km. Khi giao nhiệm vụ, các thủ trưởng Bộ Quốc phòng rất tin tưởng. Cấp trên càng tin tưởng những người lính Quân đoàn càng phải nghiêm minh. Các cuộc chuyển quân trong thời bình cũng gặp rất nhiều khó khăn. Người lính sẵn sàng đấy nhưng còn gia đình người lính? Vợ con học hành công tác ở đâu? Cha mẹ người lính nữa, vừa đón các cụ hàng ngàn ki lô mét vào mới ấm chân lại động viên di chuyển liệu sẽ ra sao? Đơn vị nào đi đơn vị nào ở? Rồi nơi đến? Nhân dân có vui lòng ủng hộ không? Chính quyền mới thời cơ chế thị trường sẽ tiếp nhận việc này ra sao? Trăm ngàn thứ dồn lên đôi vai khối óc người chiến sĩ. Bản thân tôi vừa trực tiếp tham gia chỉ đạo vừa trực tiếp xuống tận cơ sở bám nắm, lắng nghe anh em, lắng nghe nhân dân hàng năm trời để cùng với Bộ Tư lệnh đưa ra những quyết định đúng đắn nhất, thấu tình đạt lý nhất.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Chắc chắn trong cuộc chuyển quân này các anh có nhiều câu chuyện, tình tiết, phương án và không ít kinh nghiệm quý. Xin anh bộc bạch để bạn đọc Văn nghệ Quân đội hiểu sâu hơn về những người lính Quân đoàn hôm nay?

Thiếu tướng Đậu Đình Toàn: Tôi càng ngày càng thấm thía lời dạy của Bác Hồ: Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu… Điều gì có lợi cho dân thì hết sức làm, điều gì có hại cho dân thì hết sức tránh… Điều giản dị ấy luôn làm tôi trăn trở và coi đó như một mệnh lệnh khi chính mình đang thực hiện các nhiệm vụ, các mệnh lệnh trên giao. Khi mới đến, do chưa hiểu, người dân ở Ea H’leo phản đối quyết liệt lắm. Họ kiên quyết không giao đất, không giao ruộng nương cho bộ đội làm doanh trại. Lý lẽ thì nhiều lắm, đòi hỏi điều kiện cũng nhiều, thậm chí có cái rất vô lý. Chúng tôi xác định ngay từ đầu là rất khó khăn nhưng cũng rất tin tưởng sẽ giải quyết được. Đối với nhân dân, cái tình phải đi trước. Hòa bình rồi, giải phóng rồi, phải đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu. Quân đoàn chỉ đạo các tổ làm công tác dân vận phải đến từng người dân, thấu hiểu từng suy nghĩ trong một con người, phân định rạch ròi và sẻ chia cùng họ. Phải đặt mình là người sẽ bàn giao đất để từ đó xác định thỏa đáng quyền lợi, cái lý, cái tình, cái được và cái không được. Bây giờ mọi thứ đã hanh thông. Trên 800 héc ta đang dần trở thành doanh trại chính qui, hiện đại. Thậm chí dân sẵn sàng bàn giao tiếp nếu bộ đội có nhu cầu. Câu chuyện dài lắm. Có tổ công tác nằm hàng năm trời ở Ea H’leo. Có đêm, người dân chưa hiểu bị bọn xấu kích động, lợi dụng vào gây rối, có lúc đổ cả những thứ xú uế lên người cán bộ chiến sĩ đội công tác. Có hộ nhận tiền không giao đất. Có hộ không có đất giao cũng đòi nhận tiền. Có hộ rời đi đã bảy, tám năm nghe tin quay trở lại đòi quyền lợi. Chính quyền địa phương xử lý vụ việc nhiều lúc còn lúng túng khiến công việc bị rối. Chúng tôi xác định, mình sẽ ở lâu dài với dân nên kiên trì nguyên tắc phải để dân đồng thuận một cách tự nguyện. Qui trình đền bù phải khoa học và nhất là phải tuyệt đối minh bạch. Phải kiên quyết lo bằng được đời sống của trên 200 hộ dân chuyển giao đất, không để một người, một hộ đói kém hay bị ảnh hưởng từ việc chuyển giao. Càng làm càng hiểu dân. Càng làm càng thấy mừng dân ta thời nào cũng thế, ở đâu cũng vậy, đều hết lòng hết sức với bộ đội, đùm bọc yêu thương và mong muốn bộ đội đến với mình. Bộ đội Quân đoàn luôn khắc cốt ghi tâm điều giản dị ấy.

Nhà văn Phùng Văn Khai: Về phía cán bộ chiến sĩ ta thì sao? Ở trên các anh đã từng trăn trở về những cuộc chuyển quân thời bình hôm nay với nhiều vấn đề đặt ra. Qua cuộc này, đồng chí thấy bản lĩnh bộ đội, nhất là các đảng viên trẻ, sĩ quan trẻ như thế nào?

Thiếu tướng Đậu Đình Toàn: Rất vững vàng. Rất bản lĩnh. Từ xưa đến nay vẫn thế và từ nay về sau chắc chắn càng như thế. Cán bộ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp có đến trên 90% người miền Bắc. Anh em đã chọn Tây Nguyên là quê hương thứ hai thì việc dịch chuyển một vài trăm cây số, cho dù là đến những nơi khó khăn gian khổ nhất, thiếu thốn trăm bề cũng đều sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Ngay như bản thân tôi và một số anh trong Bộ Tư lệnh, khối các cơ quan, cán bộ các Sư đoàn, Lữ đoàn, Trung đoàn cũng luôn xác định sẵn sàng đi bất cứ đâu, nhận bất cứ nhiệm vụ gì cấp trên giao. Cũng rất tự hào và tin tưởng vào thế hệ đảng viên trẻ, sĩ quan trẻ hôm nay. Lương thiếu úy trung úy đâu có nhiều nhặn gì. Cả năm dành dụm cho một cuộc đi phép mà khi về quê đồng quà tấm bánh cũng phải tính toán lắm. Rồi công việc, học hành của vợ, của con. Việc bên nội bên ngoại ở nơi xa hàng nghìn cây số. Tôi rất hiểu tâm tư anh em và thực ra rất khâm phục anh em trẻ đang phải giáp mặt với cuộc sống sôi động hôm nay. Có đi có đến. Mình ngày xưa cũng thế. Khổ mãi thành quen nhưng lẽ nào bây giờ bắt anh em phải khổ như mình. Làm người chỉ huy, là cấp trên chúng tôi cũng trăn trở lắm nên cố gắng tạo điều kiện cái gì làm được là làm hết mình cho anh em. Chất thép của bộ đội Cụ Hồ phải được xây nên từ những điều nhỏ nhất, từ sự vững vàng, yên ấm của từng người lính, của mỗi gia đình người lính. Bộ đội Quân đoàn nổi tiếng là khổ nhất nhưng cũng rất tự hào là luôn tạo sức hút lớn nhất, luôn có nhiều cán bộ trưởng thành, trở thành những tướng lĩnh cao cấp của quân đội ta. Thế hệ chúng tôi đã trải qua những bước gian nan càng thấy rõ người lính Cụ Hồ không khó khăn nào không thể vượt qua. Có những điều không cần nói ra nhưng tôi biết anh em cán bộ chiến sĩ trẻ đã làm và sẽ làm được xứng đáng với truyền thống, nhất là với xương máu của người đi trước.

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Nói đến đội ngũ các đơn vị Quân đoàn, chúng tôi nhận thấy các anh có nhiều sắc thái hòa trong một tổng thể chung, một khối kết đoàn vững chắc. Xin đồng chí Tư lệnh cho biết những đơn vị điển hình, cá nhân tiêu biểu của Quân đoàn thời gian qua trên các mặt công tác?

Thiếu tướng Đậu Đình Toàn: Đặc thù công tác thi đua của Quân đoàn 3 cũng có nhiều nét khác các đơn vị. Mục đích giống nhau nhưng chúng tôi xác định cách làm phải mới và phải sát với thực tiễn. Thi đua phải thoải mái, tự nguyện kết quả mới cao. Nếu không, dễ dẫn đến hình thức chủ nghĩa, nặng về phô diễn, ít tính hiệu quả. Với bộ đội Quân đoàn, thi đua luôn phải đặt hiệu quả công tác lên hàng đầu. Nói gì thì nói, anh có nói hay nhưng kết quả yếu kém cũng là lý thuyết suông. Là người lính, muốn trưởng thành vững chắc phải biết lắng nghe, gạn lọc, đôi khi âm thầm xác lập cách làm. Sáng kiến đến từ đời sống, từ thực tiễn thao trường chứ đến từ đâu. Câu trả lời của người lính Quân đoàn luôn nằm ở thao trường, nằm ở mỗi viên đạn trúng đích.

Những thành tích tiêu biểu của các tập thể trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thời gian qua có: 

Lữ đoàn Xe tăng 273, tiêu biểu trên các mặt công tác. Là một đơn vị binh chủng, trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu luôn phải đối mặt với sự mất an toàn về người cũng như trang thiết bị, nhưng hai năm qua Lữ đoàn luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Năm 2011 và 2012 được Chính phủ và Bộ Quốc phòng tặng cờ “Đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua quyết thắng”. Chủ tịch nước tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. 

Lữ đoàn Pháo phòng không 234, tiêu biểu về công tác tăng gia sản xuất. Nỗ lực đi từ không đến có, đến nay, Lữ đoàn đã có mô hình tăng gia sản xuất tập trung với hệ thống “vườn, ao, chuồng, giàn, rừng”, cả tập trung và phân tán. Năm 2011 và 2012 đã có thu hoạch hơn 80 tấn rau xanh, vượt xa chỉ tiêu trên giao. Từ một đơn vị yếu kém về tăng gia sản xuất, đến nay Lữ đoàn đã trở thành đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua: “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”. Năm 2012 tham gia Hội thi “Đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt” đạt giải Nhất Quân đoàn. 

Cục Kỹ thuật, tiêu biểu trong công tác bảo đảm kỹ thuật. Hai năm qua, ngành Kỹ thuật đã có nhiều chủ trương biện pháp quán triệt, cụ thể hóa việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết số 382 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới và cuộc vận động “50”. Ngành đã bảo đảm tốt vũ khí thiết bị khí tài, đạn và đồng bộ vũ khí thiết bị khí tài cho thực hiện các nhiệm vụ. Chất lượng bảo quản, niêm cất bảo dưỡng, sửa chữa nâng cấp vũ khí trang bị kỹ thuật và thực hiện chế độ ngày, giờ kỹ thuật từng bước được nâng lên. Không để xảy ra mất mát, cháy nổ. Tích cực nghiên cứu sáng kiến, cải tiến kỹ thuật phục vụ cho công tác quản lý và bảo đảm vũ khí thiết bị khí tài, đáp ứng tốt cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân đoàn. Năm 2012, được Bộ Quốc phòng tặng Cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua quyết thắng”.

Trung đoàn 24 - Sư đoàn 10 tiêu biểu trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua. Nét nổi bật ở Trung đoàn 24 là cụ thể hóa tiêu chí “Nêu gương, tình thương, trách nhiệm” trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên gắn với phong trào thi đua “4 nhất” và các phong trào thi đua đột kích, được lồng ghép với các phong trào, các cuộc vận động lớn của quân đội một cách đồng bộ và đạt hiệu quả cao.

Ngoài ra còn nhiều tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến nữa mà tôi không thể kể ra hết ở đây, sau một tuần công tác ở các đơn vị, chắc các nhà văn cũng đã nắm được cả.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Nhiều đơn vị có hiện tượng đội ngũ cán bộ trẻ, nhất là các cán bộ mới ra trường hiện nay khi đảm đương nhiệm vụ đã gặp nhiều lúng túng trong xử lý công việc. Ở Quân đoàn có hiện tượng này không và các anh có hướng khắc phục như thế nào, thưa đồng chí Tư lệnh?

Thiếu tướng Đậu Đình Toàn: Nói không có là không đúng. Nhưng tỷ lệ cán bộ mới ra trường đảm đương nhiệm vụ ở cơ sở còn có chệch choạc cũng không nhiều đâu. Chỉ thời gian đầu anh em bỡ ngỡ thôi. Ngày xưa mình cũng thế chứ. Rồi cuộc sống, bom đạn chiến trường hôm qua và hôm nay là thao trường bãi tập, ngay người chiến sĩ mà anh quản lý sẽ rèn luyện bản thân anh. Thực tế là khi đào tạo, nhất là đối với cán bộ chính trị, ta vẫn còn nặng về lý thuyết, ít truyền thụ kinh nghiệm, đào tạo kỹ năng nên ngày đầu quản lý rèn luyện bộ đội, anh em lúng túng là đương nhiên. Nhưng cũng phải thấy ngay một điều, tinh thần tự học của anh em luôn rất cao. Không ai rèn mình hiệu quả bằng mình tự rèn. Với Quân đoàn, chúng tôi luôn chú trọng tới việc tìm mọi cách nâng cao năng lực toàn diện các mặt chứ không riêng gì mảng chính trị. Thường thì chỉ hai đến ba năm, đội ngũ cán bộ sĩ quan trẻ trưởng thành rõ rệt. Đó cũng là truyền thống của Quân đoàn, của Quân đội ta.

Nhà văn Phùng Văn Khai: Xin hỏi đồng chí Tư lệnh, công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của Quân đoàn hiện nay ra sao? Nếu có một cuộc chiến tranh công nghệ cao nổ ra, sức chiến đấu và khả năng tác chiến của các đơn vị thuộc Quân đoàn sẽ ra sao?

Thiếu tướng Đậu Đình Toàn: Trước hết phải nói ngay dân tộc Việt Nam không muốn chiến tranh với bất kỳ ai, với bất cứ lý do gì. Các cuộc chiến tranh của ta là để giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, quân và dân ta không xác định gây chiến với bất kỳ đối tượng nào. Nhưng cũng không vì thế, chúng ta lơ là mất cảnh giác, mơ hồ ảo tưởng. Xuất phát từ nhận thức ấy, việc huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của Quân đoàn luôn diễn ra liên tục, chất lượng, hiệu quả theo sự chỉ đạo của cấp trên gắn với đặc thù địa bàn Tây Nguyên. Nằm giữa bán đảo Đông Dương, Tây Nguyên là vùng chiến lược cực kỳ quan trọng về kinh tế, chính trị, an ninh - quốc phòng của cả nước, là cầu nối giữa hai miền Bắc - Nam. Hiện nay, Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng. Với vị trí chiến lược như vậy, việc Quân đoàn được cấp trên giao nhiệm vụ đứng chân nơi đây đã cho thấy vai trò và trách nhiệm là hết sức nặng nề. Chính vì thế, chúng tôi luôn xác định mỗi người lính Quân đoàn phải ý thức hết trọng trách của mình, phải biết nâng mình lên để hoàn thành nhiệm vụ.

Còn về chiến tranh công nghệ cao, tôi muốn nói thế này. Xưa nay các kẻ thù đánh ta vũ khí trang bị kỹ thuật bao giờ cũng vượt ta rất xa nhưng chúng đều thất bại. Vì sao lại thế? Trước hết do ta là chính nghĩa. Nhân dân ủng hộ, thế giới ủng hộ người chính nghĩa thì mới có chiến thắng. Nói thế không phải để chủ quan nhưng để xác định rằng cái tất thắng phải là của người chính nghĩa. Đương nhiên để có chiến thắng một cách giảm thiểu máu xương nhất thì người lính trên chiến trường hôm nay phải khác. Đó là những trăn trở liên tục của chúng tôi, trong đổi mới phương pháp huấn luyện phải sát sườn với chiến tranh công nghệ cao. Quân đoàn hiện nay đang điều chỉnh công tác huấn luyện rất mạnh mẽ. Bộ đội ra thao trường nhiều hơn, hành quân dã ngoại nhiều hơn, bắn đạn thật nhiều hơn và kết thúc vòng diễn tập tổng hợp bằng bắn chiến đấu. Bộ Tham mưu năm nay đã tổ chức năm cuộc diễn tập lớn cho các đơn vị. Bản thân tôi trực tiếp đi cùng anh em. Tôi luôn xác định: Bản lĩnh và kỹ năng của bộ đội chỉ có được thông qua rèn luyện và rèn luyện ở cường độ cao, thường xuyên, liên tục. Quân đoàn đang tổng kết báo cáo lên trên, tiếp tục bằng mọi biện pháp nâng cao mảng công tác này.

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Đồng chí Tư lệnh nói thế tức là chúng ta luôn đặt yếu tố chính nghĩa lên hàng đầu như tổ tiên ta đã dạy. Trên chiến trường, yếu tố con người là quyết định. Vậy xin hỏi thời gian tới, mỗi cán bộ chiến sĩ Quân đoàn sẽ tiếp tục phấn đấu rèn luyện như thế nào để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao? 

Thiếu tướng Đậu Đình Toàn: Cán bộ chiến sĩ Quân đoàn có nhiều việc phải làm lắm nhưng việc quan trọng nhất, xuyên suốt nhất là phải luôn giữ vững phẩm chất bộ đội Cụ Hồ trong mọi hoàn cảnh, mọi nhiệm vụ được giao. Phải không ngừng làm sáng rõ thêm phẩm chất ấy từ những việc làm nhỏ nhất, từ vị tướng tới đồng chí binh nhất binh nhì. Xã hội ngày một phát triển, đời sống nhân dân trong đó có đời sống bà con các dân tộc Tây Nguyên đang từng bước được nâng cao thì sự thương yêu đoàn kết, gắn bó với nhân dân, tình đồng chí đồng đội phải được rèn giũa từng ngày. Cái chúng tôi mong muốn nhất là chúng ta phải thực sự thương yêu nhau, không thể vô cảm với đồng chí đồng đội và nhân dân trong bất cứ tình thế nào. Chúng ta đã có nhiều bài học sâu sắc, cả thành công và chưa thành công về vấn đề này. Cuộc sống phía trước luôn phong phú và phức tạp, đòi hỏi người chiến sĩ trong đó có người chiến sĩ Quân đoàn phải biết chiến thắng chính bản thân mình, làm tốt phần việc của mình, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang. Từ nhận thức trên, chúng tôi, những người lính Quân đoàn 3 - Binh đoàn Tây Nguyên xin hứa luôn kết thành một khối vững chắc trong đội hình Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Xin cảm ơn đồng chí Tư lệnh Đậu Đình Toàn đã dành cho các nhà văn quân đội cuộc trao đổi thân tình, cởi mở và lý thú này.

PHÙNG VĂN KHAI ghi

Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội


  Các Tin khác
  + 7 điều tuyệt diệu khiến bạn luôn tự hào khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam (11/08/2024)
  + Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/07/2024)
  + Ai là người đặt tên đất nước ta là Việt Nam: Ý nghĩa là gì? (30/06/2024)
  + Hình ảnh thiêng liêng lễ diễu binh ở Thị trấn Trường Sa (08/06/2024)
  + Trường Sa luôn đặc biệt từ những điều nhỏ nhất (26/05/2024)
  + Thế trận Đường Trường Sơn góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch mùa Xuân 1975 (18/05/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/2024)
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
  + Hiệp định Paris - thành quả đấu tranh kiên cường, bất khuất và hy sinh to lớn của quân dân Việt Nam (17/01/2023)
  + Cánh đồng Tà Pạ đẹp lạ như phim, dân mạng đang “phát sốt” tìm xem ở tỉnh nào của miền Tây (23/12/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 65158026

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July