Nói đến con gái Hà Nội, người ta liên tưởng ngay đến những thiếu nữ xinh đẹp, trang điểm cầu kỳ, mặc những bộ đồ thời trang, bó sát để tôn lên từng đường cong cơ thể. Đó được gọi là vẻ đẹp của người phụ nữ hiện đại và hiếm người nào có thể cầm lòng trước vẻ đẹp ấy. Nhưng rồi trong cái nhộn nhạo, xô bồ của nhịp sống gấp gáp, nhiều người lại bất chợt thấy nhớ đến nao lòng dáng vẻ nhẹ nhàng, lịch thiệp mà tinh tế của người con gái Hà thành xưa.
Vẻ duyên dáng của thiếu nữ Hà thành trong bộ áo dài tân thời vào thế kỷ 20.
Dù không khoe da, khoe thịt, không sặc sỡ, màu mè nhưng ở người con gái Hà Nội ngày ấy luôn chứa đựng nét duyên thầm khó nói. Đó là nét đẹp dịu dàng, tao nhã và thanh lịch.
Vẻ đẹp người con gái Hà Nội xưa đến từ tổng thể của sự hài hòa, thanh lịch.
Họ thường dùng son nhưng rất nhẹ, làn môi chỉ hơi hồng hồng một chút tạo vẻ cuốn hút. Nếu có chải lông mày, các cô, các chị chỉ tô thêm nét cho đậm đôi chút. Những cô gái lãng mạn còn kín đáo nhỏ một giọt nước hoa nơi bàn tay, trong khăn mùi xoa hoặc dưới mang tai, chỉ thoảng nhẹ như hương hoa nhài thơm xa, đủ khiêu khích một cách mơ hồ chứ không quá nồng, quá hắc. Vẻ đẹp thanh tao ấy khiến nhiều người không khỏi xao xuyến
Tứ đại mỹ nhân Hà thành xưa.
Một trong những nét đẹp đặc trưng của các thiếu nữ Hà Thành xưa là mái tóc thề dịu dàng.
Phong cách đi đứng, giao tiếp trong văn hóa ứng xử của người con gái Tràng An cũng có bao điều đáng nói. Nét đoan trang, nhã nhặn thể hiện từ bước chân khẽ khàng, từ đôi tay nhỏ nhắn, móng cắt ngắn đến cái cười che miệng đầy duyên dáng. Điều lạ lùng là phụ nữ thời ấy thường đi guốc mộc, mà guốc mộc thường phát tiếng động lớn. Ấy thế mà bước chân của cô gái Hà thành vẫn nhẹ nhàng, thanh thoát làm sao.
Một phụ nữ quý tộc ở Bắc Kỳ. Ảnh chụp những năm 1930 - 1954.
Phụ nữ Hà thành xưa đi lại rất nhẹ nhàng, khoan thai.
Sáng sớm, người phụ nữ bao giờ cũng dậy sớm quét dọn nhà cửa, đun ấm nước sẵn để ai dậy thì có ngay nước nóng pha trà, rửa mặt. Bữa cơm quây quần của cả nhà, người vợ luôn ngồi đầu nồi để xới cơm cho các thành viên trong gia đình và không bao giờ quên tiếp thức ăn cho bố mẹ, chồng con.
Nét đoan trang, đằm thắm không thể trộn lẫn.
Cách chọn thực phẩm cũng là cả một nghệ thuật của những phụ nữ gốc Hà Nội sành ăn. Chẳng hạn như rau cần chỉ ăn vào tháng chạp, tháng một. Khi ấy ngọn rau mới mới trắng, mới mềm và ngọt.
Sang tháng hai, ba có mưa rào, trứng cóc nở đầy ruộng, rau ăn cứng và nhạt. Cá rô thì lại ngon nhất vào tháng ba. Rau húng thì phải chọn húng Láng mới thơm. Đậu thì phải mua sao cho được loại đậu mơ vừa mịn vừa ngậy. Rau muống ngon phải là thứ rau muống nước, cọng xanh, nhỏ.
Với con cái, những bà mẹ người Hà Nội ngày ấy đặc biệt quan tâm đến vấn đề giáo dục nhân cách cho trẻ. Tự bản thân họ luôn cố gắng làm thật tốt mọi việc để các con lấy đó làm gương mà học tập. Họ uốn nắn con trong từng cử chỉ, lời nói, nhất là con gái.
Chính nhờ thế, cho đến bây giờ, con gái Hà Nội nhiều người vẫn giữ lại được ít nhiều vẻ đằm thắm, duyên dáng được kế tục từ mẹ, từ bà mình. Và hy vọng rằng, nét đẹp rất riêng, rất khó trộn lẫn ấy sẽ còn tiếp tục được lưu truyền cho các thế hệ tiếp theo.
Theo Trí thức trẻ