Hơn 20 năm nhận nhiệm vụ cử cán bộ, nhân viên luân phiên công tác tại đảo Trường Sa Lớn, đến nay, các bác sĩ quân y thuộc BV Quân y 175 vẫn ngày đêm tận tụy chăm lo, đảm bảo sức khỏe cho chiến sĩ, người dân trên đảo, ngư dân trên biển.
Nhân dịp chuyến công tác trong tháng 4/2013, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến thăm gia đình cháu Nguyễn Ngọc Trường Xuân - cháu bé đầu tiên được sinh mổ tại Trường Sa.
Đại tá, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc BV Quân y 175 cho biết, năm 1992, đoàn cán bộ đầu tiên được BV cử đi nhận công tác tại quần đảo Trường Sa gồm có 3 đồng chí (1 bác sĩ, 1 y sĩ và 1 y tá). Sau hơn 20 năm, từ tổ quân y này, Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn đã được thành lập với biên chế gồm 10 cán bộ, nhân viên luân phiên thực hiện nhiệm vụ trong thời gian từ 12-18 tháng. Tính đến tháng 2/2013, đã có 26 lượt bác sĩ và 42 lượt y sĩ, điều dưỡng của BV Quân y 175 được cử ra công tác tại Trường Sa.
Với quân số trên, trong 5 năm (từ 2007 - 2012), Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn đã khám và điều trị cho trên 4.400 lượt bệnh nhân, trong đó gần một nửa số bệnh nhân là người dân trên đảo. Riêng năm 2012, Bệnh xá đã cấp cứu điều trị thành công cho 12 ngư dân bị tai nạn trên biển, điều trị và cấp phát thuốc cho trên 1.000 lượt bệnh nhân cả quân và dân trên đảo. Với nhân lực hạn chế và trang thiết bị còn rất thiếu thốn, song các thầy thuốc mặc áo lính trên đảo đã thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật phức tạp. Điển hình như ca phẫu thuật cho một ngư dân bị viêm phúc mạc khu trú do ruột thừa hoại tử và một ngư dân khác bị dập nát gần hoàn toàn nửa trước ngoài bàn chân trái do tai nạn lao động. Bệnh xá cũng đã tiếp nhận xử trí cấp cứu bước đầu tốt cho 2 nạn nhân bị tai nạn do lặn sâu (bệnh giảm áp do lặn) trước khi được tổ cấp cứu vận chuyển bằng máy bay trực thăng về BV 175 để tiếp tục điều trị và phục hồi chức năng với kết quả khá tốt. Vào tháng 3/2011, dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn của các cán bộ chuyên khoa BV 175 qua cầu truyền hình, các y bác sĩ trên đảo Trường Sa Lớn đã tổ chức và thực hiện thành công ca sinh mổ đầu tiên trên đảo, không chỉ mang lại niềm hạnh phúc cho gia đình sản phụ mà còn tạo được niềm tin của người dân và cả những chiến sĩ đang sinh sống và làm nhiệm vụ trên đảo.
Có được những kết quả như trên, ngoài nỗ lực của chính những bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng được phân công công tác trên đảo còn có sự chỉ đạo sâu sát của Ban giám đốc và các khoa, phòng chức năng của BV Quân y 175. Để chuẩn bị nhân lực và huấn luyện đào tạo nhân lực cho công tác quân y phục vụ biển đảo, ban lãnh đạo đã chỉ đạo chuẩn bị trước nhân lực cho 2 - 3 nhiệm kỳ để sẵn sàng các phương án thay thế. Trước khi ra đảo, các bác sĩ chuyên khoa được tập huấn thêm về các chuyên khoa khác để trở thành bác sĩ đa khoa theo đúng nghĩa. Các điều dưỡng thì được tập huấn theo danh mục các trang thiết bị đang được sử dụng tại Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn. ThS.BS. Nguyễn Hà Ngọc - Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, BV 175 nhận nhiệm vụ Bệnh xá trưởng đảo Trường Sa Lớn từ ngày 16/4/2010 – 28/5/2011 cho biết: Ở Trường Sa không có khái niệm “Kính chuyển” như ở các BV trong đất liền, những bệnh nhân nặng, ngoài chuyên khoa sâu của mình thì BV tuyến dưới có thể chuyển lên tuyến trên hoặc BV đa khoa có thể chuyển qua chuyên khoa sâu hơn. Còn các y bác sĩ ở Trường Sa thì phải bằng mọi cách, mọi nỗ lực xoay sở để hoàn thành, chữa bệnh cho từ người lớn đến trẻ em, từ nóng sốt, đau đầu, đau bụng đến khâu nối gân, mổ ruột thừa, cắt u, đặc biệt là “đỡ đẻ” và thậm chí còn kiêm luôn nhiệm vụ... bác sĩ thú y. Cũng nhờ có các y bác sĩ của Bệnh xá thường xuyên thực hiện công tác vệ sinh phòng dịch mà trong suốt những năm qua không có dịch bệnh xảy ra trên đảo.
Đóng góp không ít công sức và tâm huyết cho biển đảo, Đại tá, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn vẫn đau đáu với việc làm sao để phát triển Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn trở thành Bệnh viện Huyện đảo, không chỉ phục vụ quân dân trên đảo mà còn là trung tâm dịch vụ sức khỏe cho tất cả các đối tượng hoạt động trên khu vực quần đảo. Làm sao để giải quyết vấn đề nhân lực chuyên khoa, tập huấn cho các y bác sĩ công tác trên đảo về y học biển, cách xử trí các bệnh lý và các tai nạn đặc thù ở ngành nghề hoạt động trên biển đảo... Theo Đại tá, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, trước mắt có thể đầu tư cho BV Trường Sa bằng việc kêu gọi các BV, mỗi BV hỗ trợ một thiết bị cho BV Trường Sa. Còn vấn đề nhân lực cho BV Trường Sa có thể thông qua nguồn tình nguyện từ các BV, bác sĩ nội trú, bác sĩ tốt nghiệp sau đại học và cần có chế độ đãi ngộ thích hợp. Để đảo Trường Sa Lớn thực sự là một “thủ đô” trên biển và để quân dân trên quần đảo Trường Sa vững tâm gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, rất cần một trung tâm y tế có đầy đủ năng lực cả về trang thiết bị và con người.