Hơn 4 năm ở đảo Trường Sa, trở về đất liền, Trung úy Nguyễn Ngọc Sơn, (SN 1982) trở nên xa lạ với hai đứa con. Vợ anh, chị Lê Thị Hồng Đào, (SN 1982), thành sợi dây kết nối, thắp lên ngọn lửa hạnh phúc của gia đình nhỏ.
Anh Sơn, chị Đào và con gái.
Mặc dù chuẩn bị tinh thần đi Trường Sa trước đó cả năm nhưng đến khi nhận quyết định anh Sơn không khỏi quyến luyến, bởi ngày anh đi, vợ mới sinh con gái đầu lòng được 13 ngày tuổi. Chị Lê Thị Hồng Đào, vợ anh đang thời gian ở cữ nên cũng không thể ra ngoài tiễn anh. “Bao cảm xúc xen lẫn, giằng xé, nhớ gia đình, đặc biệt là nhớ con gái quay quắt nhưng tôi phải dằn lòng ra đi”, anh Sơn tâm sự.
Nửa năm con mới gọi “bố”
Hai con của anh Sơn, chị Đào. |
Hồi đó, đảo Trường Sa chưa có sóng điện thoại nên mọi liên lạc chỉ bằng thư tay. Sau 9 tháng xa gia đình, anh mới nhận được lá thư đầu tiên của vợ. Con gái lớn lên thế nào anh chỉ biết tưởng tượng qua từng câu chữ của vợ. “Ngày đó, lúc nào tôi cũng hình dung về con gái”, anh Sơn bộc bạch.
Ra đảo 18 tháng liền, anh mới được nghỉ phép về thăm gia đình. Lần đầu tiên sau 18 tháng xa cách, anh được gặp con gái, cả nhà trêu anh bằng cách giấu con gái đi và thay vào là một bé gái cùng tuổi khác. Nhưng bằng linh cảm của người bố, khi nhìn thấy con, anh đã nhận ra ngay. Tuy nhiên, con gái không chịu theo anh. Nhìn thấy bố, con bé lẩn trốn rồi khóc thét lên. “Cuộc chiến” làm quen, lấy lại tình cảm của con nhiều lúc khiến anh bật khóc. Con bé nhất quyết không theo bố, cứ thấy bố là nó khóc. Thương chồng, chị Đào cũng nỗ lực tạo mọi cơ hội cho 2 bố con gần gũi nhau. Tất cả mọi việc tắm giặt, ăn uống, rồi đưa con đi chơi, mua quà cho con chị Đào đều để anh Sơn làm.
Ba tháng nghỉ phép trôi nhanh, ngày anh xách ba lô lên đường, một điều kỳ diệu đã xảy ra. Thấy bố xách ba lô vẫy tay tạm biệt, con gái khóc ré lên gọi tên bố, rồi níu lấy vai áo bố. “Nhưng lúc đó, tôi không thể nán lại lâu. Để tôi kịp giờ đi, vợ tôi bế con trốn vào nhà nhưng con bé cứ trườn xuống, lững chững chạy theo. Trái tim tôi như thắt lại”, anh Sơn nghẹn ngào. Sau lần về phép đó vợ anh mang thai đứa con thứ 2.
Đứa con thứ 2 của anh chị sinh vào một ngày giáp tết, là bé trai. “Hôm đó, trời mưa phùn, giá rét. Ở ngoài đảo, anh ấy bộn bề với công việc chuẩn bị tết cho anh em và rất nhiều công việc khác nên không thể chia sẻ được với tôi. Chắc con hiểu được hoàn cảnh của bố mẹ nên con chào đời thuận buồm, xuôi gió”, chị Đào cười.
Anh chỉ tưởng tượng ra con trai của mình qua những tấm hình vợ gửi.
Khi con trai được 2 tuổi, cũng là ngày anh nhận quyết định về hẳn đất liền công tác. Niềm vui đoàn tụ chưa trọn thì anh lại phải đối mặt với “cuộc chiến” làm quen với con trai còn “khốc liệt” hơn lần trước. Con trai gọi anh bằng “chú” và nhất quyết không cho anh đụng vào người. Ở nhà, chị Đào sợ con quên mặt bố nên thường chỉ bố trên tấm hình cưới của hai vợ chồng. Nên đến khi anh về, hỏi bố đâu thằng bé cứ chỉ lên tấm hình cưới. Con trai rất bướng, không dễ “rủ rê” như con gái. Dù làm mọi cách để gần con như mua đồ chơi, chơi trò chơi cùng con… nhưng anh đều thất bại. Chỉ khi nào ngồi lên xe máy bấm còi bíp bíp thì con trai mới vui. Hơn nửa năm con trai mới chịu gọi anh là bố.
Hạnh phúc giản đơn
Giờ anh Sơn là đại úy, đang làm giảng viên tại trường ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội, cách nhà gần 40 km (nhà anh ở Ứng Hòa, Hà Nội). Mỗi tuần, anh về thăm vợ con một lần nên có nhiều thời gian ở bên con hơn. Bởi thế, hai đứa con của anh ngày càng quấn bố, đặc biệt là con gái. “Suốt ngày con gái gọi điện nói chuyện với bố mà quên luôn sự có mặt của mẹ. Bé rất thích mặc bộ hải quân của bố mua cho”, chị Đào kể.
Chị Đào tâm sự, hơn 4 năm chồng ở đảo Trường Sa, nỗi lo lớn nhất của chị là con quên mặt bố nên chị thường dạy con hát, đọc những bài thơ liên quan người lính đảo. Con bé thuộc rất nhiều thơ. Bởi thế, trước đây, khi anh đang ở đảo, mỗi lần gọi điện ra con gái hết hát lại đọc thơ cho bố nghe. Có những câu hát ngộ nghĩnh con gái tự chế như: Nào cùng nhau ta hát lên/Bố Sơn là chiến sỹ/ Nào cùng nhau ta hát lên/Bố Sơn yêu cuộc đời. Hay những câu thơ: Bố em là bộ đội/Ở tận vùng đảo xa/Chưa lần nào về phép/Mà luôn luôn có quà./Bố gửi nghìn cái nhớ/Gửi cả nghìn cái thương/Bố gửi nghìn lời chúc/Gửi cả nghìn cái hôn/Bố cho quà nhiều thế/Vì biết em rất ngoan/Vì em luôn giúp bố.
Trước khi là vợ chồng, anh Sơn và chị Đào có 7 năm hẹn hò, yêu đương. Trải qua bao thử thách, nên giờ dù trong hoàn cảnh cách xa nào chị cũng luôn thấu hiểu và cảm thông cho anh, không một lời phàn nàn. Tâm sự về cuộc sống hiện tại, chị Đào cười: “Hạnh phúc tưởng như rất lớn lao, rất khó tìm nhưng lại thật giản dị khi chỉ cần gia đình nhỏ của mình được quây quần bên nhau những ngày anh nghỉ phép”.