Nguồn gốc dòng họ Nguyễn Gia xuất phát từ làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn (nay thuộc huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa). Vào khoảng giữa thế kỷ XVI, Thọ đương Hầu Nguyễn Hựu (khi ấy đang theo Nguyễn Kim sang Ai Lao kết lập nghĩa đảng, dấy binh mã đón con cháu nhà Lê lập hoàng đế Nguyên Hòa tức vua Lê Trang Tông 1533 - 1548 trở về Lam Kinh lo việc khôi phục đế nghiệp) lấy vợ người xã Liễu Ngạn, sau này con trai là Nguyễn Xiến chuyển gia đình về quê ngoại sinh sống từ đó cho tới nay. Để ghi nhớ gốc tích của mình, dòng họ lấy tên đệm là “Gia” trong chữ “Gia Miêu” nhằm nhắc nhở con cháu hậu duệ trong dòng tộc không quên nguồn cội quê hương đất tổ. Dưới thời Lê - Trịnh dòng họ Nguyễn Gia thuộc hàng “Danh gia vọng tộc” ở xứ Kinh Bắc, nối đời có người làm quan, làm tướng đóng góp nhiều công lao to lớn với nước với dân.
Ông nội Nguyễn Gia Thiều tên là Nguyễn Gia Châu, một vị quan võ nhưng tinh thông kinh sử được phong tước Công (Siêu quận công), sau khi mất được thờ làm Tôn thần Ý túc đại vương tại đình làng Liễu Ngạn. Cha Nguyễn Gia Thiều là Nguyễn Gia Ngô một võ quan cao cấp được phong tước Hầu (Đạt Vũ Hầu), mẹ là quận chúa Quỳnh Liên (Trịnh Thị Ngọc Tuân) con gái thứ sáu của chúa An Đô Vương Trịnh Cương. Nguyễn Gia Thiều gọi chúa Trịnh Doanh đương cầm quyền lúc bấy giờ là cậu ruột và là anh em “con cô con cậu” với chúa Trịnh Sâm. Vợ Nguyễn Gia Thiều là con gái trưởng của quan Chưởng phủ sư Đại tư đồ Bùi Thế Đạt. Vốn gia đình bên ngoại thuộc dòng dõi nhà Chúa cho nên ngay từ nhỏ Nguyễn Gia Thiều được vào học trong phủ Chúa.
Năm 1759 khi mới 18 tuổi ông giữ chức Hiệu úy quản trung mã tả đội, sau thăng làm Chỉ huy thiêm sự, Chỉ huy đồng trị. Đến năm 30 tuổi thăng lên chức Tổng binh đồng trị, ông được chúa Trịnh rất tin dùng và phong tước Hầu (Ôn Như Hầu). Năm Nhâm Dần (1782) xung chức Lưu thư xứ Hưng Hóa. Năm 1786 khi quân Tây Sơn kéo ra Đàng Ngoài chấm dứt triều đình Lê – Trịnh, Nguyễn Gia Thiều trốn lên vùng miền núi xứ Hưng Hóa. Năm 1789 vua Quang Trung đánh thắng quân Thanh lập ra nhà Tây Sơn, Nguyễn Gia Thiều được mời ra làm quan nhưng ông cáo bệnh từ chối và về quê nhà sinh sống ở đấy cho tới khi qua đời ngày mồng 9, tháng 5 năm Mậu Ngọ (tức ngày 22-6-1798), thọ 58 tuổi.
Nguyễn Gia Thiều là người đa tài hiểu biết sâu rộng về văn học, sử học và triết học. Ông còn tinh thông nhiều bộ môn khác như âm nhạc, hội họa, kiến trúc, trang trí. Về âm nhạc sở trường của Nguyễn Gia Thiều là các bài ca, bài tán, ông là tác giả của các bản “Sơn trung âm”, “Sở từ điệu”. Về hội họa ông có bức tranh “Tống sơn đồ” dâng vua xem được nhà vua khen ngợi và ban thưởng. Về kiến trúc, trang trí ông là người được chúa Trịnh tin tưởng giao cho trông coi việc trang hoàng, phủ Chúa và chỉ đạo công việc xây dựng tháp chùa Tiên Tích. Rất tiếc do thời gian, chiến tranh loạn lạc các công trình nghệ thuật của Nguyễn Gia Thiều không còn lưu lại đến ngày nay.
Đặc biệt hơn cả ông có tài về văn học, ngoài tập thơ chữ Hán “Ôn Như thi tập” (hiện đã thất truyền) còn nhiều tác phẩm thơ chữ Nôm khác như “Tây Hồ thi tập” và “Tứ Trai thi tập” sáng tác cùng với 3 người anh em của ông (Tâm Trai - tức Nguyễn Gia Thiều, Kỷ Trai - tức Nguyễn Gia Cơ, Hòa Trai - tức Nguyễn Gia Diễm và Thanh Trai-tức Nguyễn Gia Chu), tập thơ này hiện cũng chỉ còn vài bài chép trong tập “Xuyết thập tạp ký” của Lý Văn Phức (1785-1849) một nhà thơ lớn nửa đầu thế kỷ XIX. Trong đó nổi tiếng và kiệt xuất nhất là tác phẩm “Cung oán ngâm khúc” gồm 356 câu thơ Nôm làm theo thể “song thất lục bát”. Tác phẩm “Cung oán ngâm khúc” của ông là tiếng thét oán hờn của người cung nữ sống trong hoàng cung, lời tố cáo và phản kháng chế độ phong kiến đương thời đã đối xử tàn ác đối với phẩm giá và những tình cảm cao quý của người phụ nữ. Cung nữ chính là nạn nhân bi thảm của chế độ phong kiến ích kỷ và vô nhân đạo, họ bị vua chúa biến thành thứ đồ chơi thỏa mãn thú tính hoang dâm của mình rồi bị ném đi không thương tiếc vào quên lãng. Cung oán ngâm khúc là tiếng nói gay gắt, quyết liệt đầy phẫn nộ nhưng cũng đầy lo âu sầu cảm, nhà thơ viết về nỗi oán hờn của người cung nữ trong cung cấm nhưng cũng chính là viết về cuộc đời chung lúc bấy giờ. Tuy không dựng lên bức tranh cụ thể về đời sống hiện tại khi đó nhưng người đọc lại cảm nhận sâu sắc bản chất của xã hội hiện thực đương thời. Bằng tài năng và tinh thần nhân đạo của mình Nguyễn Gia Thiều dồn hết tâm huyết và văn tài viết lên một tác phẩm bất hủ để lại cho hậu thế. Với kiệt tác này Nguyễn Gia Thiều trở thành nhà thơ nổi tiếng trên đàn văn học Việt Nam vào cuối thế kỷ XVIII.
Năm 1981 nhân dịp kỷ niệm 240 năm ngày sinh, Nguyễn Gia Thiều được nhà nước phong tặng danh hiệu “Danh nhân văn hóa”. Ngày nay tại quê hương ông vẫn còn nhà thờ dòng họ Nguyễn Gia khởi dựng từ thế kỷ XVIII do Quận Công Nguyễn Gia Châu đứng ra tổ chức quyên góp xây dựng. Năm 1947 nhà thờ bị giặc Pháp đốt phá, sau này gia tộc lấy phần gỗ còn lại của công trình cũ dựng thành hai nếp nhà làm nơi thờ các vị liệt tổ, liệt tông của dòng họ cùng danh nhân văn hóa Nguyễn Gia Thiều. Nhà thờ được Bộ văn hóa thông tin xếp hạng Di tích lưu niệm danh nhân theo QĐ số 28/VH - QĐ, ngày 28-1-1988.
Với những đóng góp lớn lao về mặt văn hóa, nghệ thuật, tên tuổi Danh nhân văn hóa Nguyễn Gia Thiều hiện nay được đặt cho nhiều tuyến phố và trường học ở các thành phố lớn trên phạm vi cả nước.
Nguyễn Văn An (BNO)