Suốt 15 năm qua, người dân ở thôn Bỉ, xã Ngọc Thiện (Tân Yên, Bắc Giang) ai ai cũng thấy hình ảnh của cô thôn nữ Nguyễn Thị Loan sáng sáng cắp sách tới trường, chiều về mò cua bắt ốc nuôi mẹ bại liệt.
Chân dung cô bé Nguyễn Thị Loan 15 năm qua chăm mẹ bại liệt
Tấm lòng hiếu thảo của cô thôn nữ khiến nhiều người cảm phục.
Tuổi thơ bị đánh cắp
Về thôn Bỉ, xã Ngọc Thiện vào những ngày hè oi ả. Nơi đây đồng lúa cũng xanh mướt đang thì con gái bên dòng kênh chảy đôi bờ như bao làng quê khác. Hỏi thăm tới nhà em Nguyễn Thị Loan nuôi mẹ bại liệt ai ai cũng chỉ rất tường tận và không quên bày tỏ sự cảm thương về gia cảnh bất hạnh của em. Đi dọc con kênh xẻ đôi cánh đồng tới trung tâm của xã, tấp vào quán nước ngồi tránh cái nắng gay gắt và tiện thể hỏi đường.
Thấy có người hỏi về em Loan, cô hàng nước chuyện như lâu ngày chưa được nói. Số Loan khổ nhất cái xã Ngọc Thiện này vì mất cha sớm, mẹ lại bị bại liệt. Trong khi các bạn bè trang lứa được bố mẹ chăm lo ăn học đầy đủ thì nó phải tự lập trong việc ăn học và chăm sóc mẹ. Biết là ngày ngày Loan đi làm tối mới về, một mình người mẹ nằm một chỗ nên cô hàng nước chỉ cho tôi vào nhà người bác ruột Phạm Văn Dương.
Gặp bác Dương trong căn nhà nhỏ của gia đình, thấy tôi tới có ý muốn được biết về trường hợp em Loan bác như trải được nỗi lòng. Chưa để ấm trà kịp nguội, bác Dương trầm lắng kể về hoàn cảnh người em gái. “Em gái tôi là Phạm Thị Hợi lập gia đình và sinh được mỗi cháu Loan (1992), không may mắn hai năm sau chồng mất vì bị cảm. Khi đó Loan mới chỉ chập chững biết đi, chưa cả nói được. Vì thương chồng thương con, Hợi cũng chăm chỉ ruộng nương. Nhưng số phận thật chớ trêu, 4 năm sau khi mất chồng giờ lại mắc phải căn bệnh bại liệt quái ác. Chân tay không thể vận động được, và bắt đầu có triệu chứng không kiểm soát được hành vi. Lúc đó, anh em họ hàng tập chung gom góp tiền đưa đi khám từ các bệnh viện lớn ở Hà Nội đến các thầy lang đông y cũng không ai biết đó là bệnh gì. Sau mấy năm điều trị không có kết quả, nguồn kinh phí cũng cạn mọi người đành nhìn Hợi nằm một chỗ như vậy.”
Từ ngày mẹ bị liệt, lúc đó bé Loan mới chỉ học qua lớp 1. Mấy năm đầu, vì cháu quá nhỏ chưa thể hiểu được gia cảnh của chính mình chứ chưa nói chuyện lo cho bản thân và người mẹ bại liệt nên mấy anh em tính đưa về nhà bà ngoại cháu gần đó để bà tiện bề chăm sóc, đồng thời chung tay mỗi người một chút tiền bạc, rau gạo hỗ trợ hai mẹ con. Không chỉ có mấy anh em chúng tôi, những người hàng xóm nhà Loan thường xuyên sang cho thức ăn, rau quả để cháu có cái nấu bát cháo cho mẹ. Hàng ngày, sáng sáng nó cứ cắp sách đi học để mẹ ở nhà một mình, trưa về thổi cơm cho mẹ ăn, tới chiều ra kênh lớn mò cua bắt ốc, bắt trai trai về nấu canh thay đổi bữa ăn hay đi chặt củi ở vườn bạch đàn phía sau nhà. Loan rất ngoan hiền, suy nghĩ chín chắn hơn các nhiều bạn cùng trang lứa vì thế mà tôi không bao giờ thấy cháu dành thời gian đi chơi hay nô đùa với trẻ con trong xóm. Mỗi dịp nghỉ hè hay vào những ngày chủ nhật, nó lại đi cấy thuê, làm thuê bất cứ việc gì ở quanh xóm để lấy tiền mua thuốc giảm đau cho mẹ. Thương con bé nên nhiều cô chú ở quanh đây có việc gì đều sang nhờ cháu làm. Mỗi khi trái gió, trở giời mà mẹ bị lên cơn đau đầu, co giật nó nhanh nhẹn đun nước gừng đường cho mẹ uống và xoa nắn chân tay. Điều đặc biệt là, cuộc sống khó khăn từ nhỏ và cháu cứ quần quật quanh năm suốt tháng chăm mẹ ốm trong cảnh thiếu thốn đủ thứ nhưng chưa một lần tôi nghe cháu than thân trách phận mà cứ lặng lẽ cố gắng vươn lên. – bác Dương kể.
Ước mơ dang dở
Đang trong câu chuyện, bác Dương ngước lên đồng hồ và bỗng giật mình vì tới giờ sang cho em gái ăn trưa. Dẫn tôi qua lối mòn vào nhà Loan, vừa đi bác Dương vừa bộc bạch. Sáng nào trước khi đi làm cũng nấu cơm cho mẹ ăn và mua sẵn bánh mỳ để ở đầu giường và dặn tôi sang cho mẹ ăn trưa. Có những hôm có việc đi xa, tôi quên đến tối cháu về cứ sốt ruột sợ mẹ đói không có sức khỏe.
Tranh thủ lúc nghỉ trưa được 30 phút, bác Dương vội vàng đưa tôi lên huyện. Vừa gặp Loan đã vồn vã hỏi liên tục “mẹ cháu có gì không bác?”. Ngồi ngay bên cạnh cổng ra vào nơi làm việc Loan chia sẻ cuộc sống hiện tại. Từ khi tốt nghiệp cấp 3, em xin việc vào công ty làm công nhân vì có tiền ổn định thuốc thang cho mẹ. Hàng ngày dậy nấu cơm sớm cho mẹ ăn rồi đi làm từ 7h sáng đến 18h chiều, nhiều tuần em làm tăng ca mãi đến tối mịt mới về. Về nhà lại dọn dẹp vệ sinh và nấu cơm cho mẹ ăn. Mẹ bị bại liệt nặng, thần kinh không ổn định và thường xuyên bị đau đầu nên phải uống thuốc đều đặn. Vì thế, cố gắng nấu cơm để mẹ ăn no, có sức khỏe chống chọi với bệnh tật.
Trước kia khi còn đi học được nhà trường miễn học phí, được thầy cô bạn bè tặng sách vở, được các cô chú ở làng giúp đỡ nhiều lắm. Khi đó ước mơ của em được đi học ở thành phố trở thành bác sĩ để có cơ hội tìm người chữa lành cho mẹ nhưng vì không thi đậu đại học và nghĩ tới cảnh mẹ ở nhà một mình nên không theo học cao đẳng nữa. Giờ cả làm thêm, tăng ca vất vả một tháng thu nhập khoảng 3.000.000 vnđ cũng có tiền thuốc thang mỗi khi trái gió dở giời và có tiền mua đồ ăn thường xuyên cho mẹ - Loan tâm sự.
Chia sẻ về ước mơ lớn nhất của mình, Loan nói: “Hiện tại em chưa muốn nghĩ gì khác ngoài mẹ em cả, mong sao gặp được một thầy thuốc có thể chữa được bệnh cho mẹ em, để mẹ em khỏe đi lại được.”
Tiếng chuông báo đến giờ làm ca chiều, Loan vội vàng xin phép vào xưởng không quên dặn bác Dương lúc nào qua thì ghé thăm mẹ thế nào và nhanh chóng hòa lẫn trong nhóm công nhân.
Ông Bùi Đình Hơn – Cán bộ Lao động Thương binh và xã hội của xã Ngọc Thiện cho biết: “Trường hợp gia đình em Nguyễn Thị Loan (mẹ là Phạm Thị Hợi) thuộc diện gia đình khó khăn (thuộc diện 1) cần được sự hỗ trợ của các cá nhân tập thể từ thiện xã hội. Đoàn thể Lao động Thương binh xã hội và Hội Phụ nữ xã cũng có hỗ trợ về mặt vật chất là 150kg thóc/ năm, hàng năm đến những ngày kỷ niệm, lễ Tết đều xuống thăm hỏi gia đình và tặng quà động viên cháu Loan cố gắng vươn lên.”