Người dân ở khu phố 2A, phường Tân Thới Hiệp, quận 12, TP HCM, vẫn luôn nhắc đến gia đình ông Trần Quý (68 tuổi) và bà Hồ Thị Hiếu (59 tuổi) như một tấm gương mẫu mực vì sự tần tảo nuôi 7 người con ăn học đại học. Đáng trân trọng hơn ông Quý lại là thương binh hạng ¼, một mắt không còn và mắt kia thì mờ dần và tối hẳn.
Vợ chồng thương binh Trần Quý trong đám cưới người con thứ 3.
Ông bà Quý sinh ra ở Bình Định, trên mảnh đất giàu truyền thống Cách mạng. Năm 18 tuổi, ông Quý gia nhập đội du kích xã. Năm 1967, trong một trận đánh tại Núi Bà, ông bị thương, phải bỏ con mắt bên phải, con mắt bên trái khi ấy cũng bắt đầu không nhìn rõ mọi vật. Chiến tranh kết thúc, ông Quý trở về nhà và một năm sau nên duyên vợ chồng với bà Hiếu.
Bà Hiếu vốn là vợ liệt sỹ, khi gặp ông Quý, nghĩ rằng trước đây ông cũng lành lặn, khỏe mạnh như bao nhiêu người, nhưng rồi vì Tổ quốc, ông không ngại hy sinh thân mình nên mới mang thương tật, nghĩ vậy bà Hiếu thương cảm nên đã gắn bó với ông.
Hạnh phúc với niềm vui gia đình chưa bao lâu thì tai họa ập tới với người thương binh này. Con mắt còn lại của ông Quý bỗng dưng nhìn mọi vật mờ dần và mấy tháng sau thì không thấy hẳn. Ông muốn đi đâu, làm gì cũng phải có người dắt. Ngay cả đứa con đầu lòng chào đời, ông Quý cũng chưa kịp nhìn mặt. Cứ như vậy trong suốt 17 năm, ông nhận biết và phân biệt các con bằng cách duy nhất là qua giọng nói.
Cũng trong ngần ấy năm, khi người chồng ốm yếu bệnh tật trở nên mù lòa, bà Hiếu đã vất vả nay càng cực hơn khi mọi công việc lớn nhỏ đều phải đến tay bà quán xuyến. Để nuôi được chồng và 3 người con cùng với một đứa đang nằm trong bụng, bà Hiếu không quản vất vả, ai thuê gì dù việc khó đến mấy bà cũng ráng làm mong kiếm được vài lon gạo mang về.
Thế rồi, dù có cố gắng làm lụng nhưng gia đình cũng không đủ ăn, bà Hiếu bàn với chồng dời lên Đắk Lắk với mong muốn cuộc sống sẽ bớt cực khổ hơn. Ở trên đây, ba đứa con nữa lần lượt chào đời, bà hết đi làm thuê ở rẫy lại nấu chè, làm bánh mang vào sâu trong buôn làng để bán. Người dân ở buôn không có tiền trả, bà đổi lấy lúa, lấy bơ, lấy cà phê rồi mang ra chợ bán lại lấy lời.
Lúc này các con của ông bà cũng đã đến tuổi đi học nên để có tiền đóng học phí, bà lại tất tả đi xa hơn, băng đèo lội suối, đạp xe vào sâu trong các buôn làng lấy trái cây về bán lại. Thương cha mẹ vất vả, mấy đứa con xin nghỉ học, đi làm lấy tiền phụ giúp nhưng ông bà cương quyết "cha mẹ cực khổ thế nào cũng được chỉ mong các con ăn học nên người".
Năm 1993, niềm vui lớn trong đời đến với ông Quý khi ông biết được Bệnh viện Quân y 13, ở Quy Nhơn có thể mổ cho mắt ông sáng lại được. Mấy hôm sau, gửi con cho hàng xóm, bà Hiếu thu vén tiền bạc để dẫn chồng xuống Quy Nhơn thực hiện ca phẫu thuật.
Ngày chiếc xe thồ chở ông về nhà với bên mắt sáng, ông vui mừng khôn xiết, thấy mấy đứa con nít lạ hoắc chạy ra kêu "ba về, ba về" ông đứng ngờ ngợ, tần ngần không biết có phải là con mình. Sau rồi 7 đứa con đứng thành hàng và cất tiếng chào, thông qua giọng nói ông mới biết đứa nào là thằng hai, đứa nào là thằng ba, đứa nào là con út của mình. Khi ấy, vợ chồng, con cái ông ôm nhau khóc vỡ òa trước nhà vì hạnh phúc.
Cũng năm đó, vợ chồng ông tằn tiện chi tiêu thì mua được 1ha đất trồng cà phê, tích cực làm lụng cũng có tiền cho các con ăn học. Nhìn con mình, ông Quý động viên và dặn dò: "Các con muốn nên người, muốn xây dựng cuộc sống tốt, không là thành phần tử xấu cho gia đình và xã hội thì phải ráng mà học". Lúc ấy, ông đầu tư tâm sức nhiều nhất là vào người con cả vì ông quan niệm khi đứa đầu học tốt thì sẽ là tấm gương dẫn dắt các em noi theo.
Thế rồi, không phụ lòng cha mẹ, các con của ông đứa nào cũng ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành và lần lượt tiếp bước nhau đậu đại học. Người con trai lớn Trần Chí Thân (35 tuổi) đã tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TP HCM, hiện là Giám đốc Công ty Thiết kế xây dựng Phương Đông; người con tiếp là Trần Chí Vinh (33 tuổi) tốt nghiệp Đại học Bách khoa, cũng là Giám đốc công ty kinh doanh thiết bị điện; anh Trần Chí Phương (30 tuổi) tốt nghiệp Đại học Kinh tế, Khoa Tài chính Ngân hàng hiện đang công tác tại Ngân hàng An Bình; em Trần Chí Nam (26 tuổi), Trần Chí Việt (25 tuổi) đang học Đại học Mở, khoa Xây dựng; Trần Chí Minh (22 tuổi) hiện đang học Đại học Quốc gia, Khoa Tài chính Ngân hàng và cô con gái út Trần Thị Hồng Vân (21 tuổi) đang là sinh viên năm 2, Khoa Kế toán Trường Đại học Mở.
Ngồi uống nước trà bên căn nhà hai lầu tại quận 12 do tiền ông bà bán ruộng đất trên Đắk Lắk và công sức các con đi làm tích cóp lại, ông bà Quý cảm thấy hạnh phúc khi các con đã trưởng thành và hiếu thảo. Nhưng theo suy nghĩ của chúng tôi, ông bà chính là tấm gương sáng về nghị lực vươn lên trong cuộc sống để các con ông bà noi theo và học tập