Cùng cảnh ngộ bị mù từ nhỏ, ông Rết và bà Nhàn kết duyên vợ chồng, cùng nương tựa vào nhau để sống. Bất chấp số phận, họ đã lo cho hai con ăn học nên người bằng những đồng tiền lương thiện.
Đôi vợ chồng mù: ông Lưu Xà Rết và bà Trương Thị Nhàn.
Một ngày đầu tháng 7, PV Báo đến ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, hỏi thăm nhà hai vợ chồng ông Lưu Xà Rết và bà Trương Thị Nhàn. Ở xã vùng sâu này, vợ chồng ông Rết - bà Nhàn rất nổi tiếng bởi cả hai người đều bị mù nhưng lại nuôi dạy được 2 đứa con gái ăn học thành tài.
Cưới nhau để dựa nhau mà sống
Ông Rết (69 tuổi) sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Xà Phiên, huyện Long Mỹ. Năm lên 4 tuổi, sau một lần bị bệnh đậu mùa, ông đã không thể nhìn thấy ánh sáng. Bà Nhàn (65 tuổi, quê Bạc Liêu) cũng bị mù sau một cơn bạo bệnh khi mới 13 tuổi.
Trò chuyện với PV Báo, vợ chồng ông Rết - bà Nhàn cùng cho biết, do bị mù từ nhỏ nên mọi sinh hoạt của ông bà chỉ biết dựa vào cảm giác quen thuộc của bản thân để có thể sinh hoạt như mọi người. Ông Rết chia sẻ, có lẽ ông trời thương tình khi mà những năm tháng còn chiến tranh, bao trận bom rơi, đạn lạc đã không lấy đi được tính mạng của ông.
Không nhìn thấy là một nỗi thiệt thòi quá lớn. Nhưng điều đó không quật ngã được ông Rết, bà Nhàn. Và rồi duyên phận đã gắn kết ông bà lại với nhau. Ngày ấy thấy ông Rết tuổi đã cao, mắt lại mù nhưng luôn cần mẫn, một người quen đã giới thiệu bà Nhàn cho ông với những lời khen ngợi “cô Nhàn tuy mù nhưng giỏi giang, lại đảm đang, tháo vát”. Tuy vậy, để đến được với nhau, hai người cũng trải qua không ít trăn trở. “Lúc ấy tôi không hề có niềm tin vào chuyện dựng vợ gả chồng này. Một người mù sống đã có biết bao nhiêu vất vả, giờ hai người không thể nhìn thấy thì chúng tôi phải bám víu vào nhau như thế nào”, ông Rết nói.
Ông Rết cho biết, lúc đầu, ông chỉ nghĩ đến chuyện bà Nhàn và ông kết nghĩa làm anh em chứ không nên kết duyên vợ chồng. Nhưng rồi, bằng linh cảm của người cùng cảnh ngộ, bà Nhàn đã “thu phục” được ông bằng một lời… chắc như đinh đóng cột, bà nói: “Cả tôi và ông đều mù, về già nếu không dựa dẫm nhau để sống thì còn biết dựa vào ai”.
Thế là đám cưới của hai con người mù ấy diễn ra trong sự mừng tủi của hai bên gia đình. Ông bà dắt nhau về ra mắt hai bên nội ngoại rồi cùng nhau lợp mái nhà nhỏ che nắng che mưa sống qua ngày. May mắn là trước khi lấy ông Rết, bà Nhàn có học nghề làm men nấu rượu từ người quen nên cuộc sống mưu sinh của vợ chồng bà chủ yếu là công việc này cho đến nay. Dù cực khổ nhưng hai ông bà đều muốn tự mình kiếm sống, không muốn dựa dẫm nhờ vả nhiều đến ai.
Cho con đi học để bù đắp thiệt thòi
Lấy nhau về được một năm thì hai ông bà đón niềm vui rất lớn đó là sự chào đời của cô con gái Hữu Nhân, và hai năm sau thêm đứa con gái thứ Ái Nhân ra đời. “Lúc đó không thể nhìn thấy con, chỉ nghe tiếng con khóc rồi đưa đôi bàn tay sờ sờ nắn nắn con, tôi vui hết biết”, bà Nhàn chia sẻ.
Bà Nhàn cho biết thêm, niềm vui cũng chóng qua khi nỗi lo không biết phải chăm sóc con cái như thế nào cứ làm bà thấp thỏm. “Nhưng rồi được sự giúp đỡ của bà con, tôi cũng quen dần và hai đứa con đều lớn lên mạnh khỏe, xinh xắn, ngoan hiền”, bà Nhàn tự hào.
Hai đứa con ra đời, thêm gánh nặng miếng ăn đè lên đôi vai của đôi vợ chồng mù. Nhưng nghĩ đến tương lai hai đứa con, ông bà nhất quyết cho con đến trường đi học dù vợ chồng có vất vả nhiều thêm nữa. Khi con gái lớn Hữu Nhân đến tuổi đi học, cứ sáng sáng ông lại dắt con ra đứng trước cửa nhà hễ có ai đi qua thì nhờ họ dẫn con đến trường rồi sau đó thì con nó nhớ đường và tự đi. Còn cô em gái Ái Nhân lớn lên đi học thì đã có chị gái chăm lo. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng hai chị em biết đảm đang mọi chuyện trong nhà, luôn cố gắng học tập sao cho thật tốt và rất yêu thương cha mẹ.
Nói đến chuyện cho con đi học, ông Rết bộc bạch: “Đời mình đã không có tương lai nên tất cả những tốt đẹp đều dành cho con để bù đắp cho chúng nó thiệt thòi khi sinh ra trong gia đình mà cả cha lẫn mẹ đều bị mù. Cho con đi học cho bằng bạn bằng bè, cho chúng thấy sự yêu thương, vất vả của cha mẹ để chúng cố gắng vươn lên sau này có thể nên người như cái tên của cả hai chị em nó”.
Thấy được sự khó nhọc của cha mẹ, vượt qua mặc cảm gia đình, bằng tất cả cố gắng của mình, hai chị em Hữu Nhân, Ái Nhân đều học rất tốt. Cô chị Hữu Nhân đã học xong trung cấp, hiện đang làm việc tại Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ và tiếp tục học liên thông lên đại học; còn cô em Ái Nhân cũng vào được đại học và đang là sinh viên của Trường Đại học Cần Thơ.
Hai vợ chồng ông Rết- bà Nhàn cũng đã ở cái tuổi xế chiều, khi được hỏi mong ước lớn nhất của mình, ông bà lặng lẽ đưa đôi mắt mù hướng về con gái út, mò mẫm tìm bàn tay con mình nắm chặt rồi nói: “Mong sao vợ chồng tôi được khỏe mạnh để có thể lo cho đứa con gái út học xong đại học. Nhưng giờ chúng tôi cũng đã già rồi sợ không còn đủ sức lực để nuôi nó nữa nên vợ chồng tôi cũng mong ai đó giúp đỡ thêm, được nhìn thấy chúng nó trưởng thành thì chúng tôi mới an tâm”. Nói đến đây chúng tôi chợt thấy đôi mắt không còn mở của ông bà như đang dâng lên một ánh cười hạnh phúc.