Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 06/01/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người > Con Người Việt Nam >
  Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng và chuyện ít người biết - PHÙNG VĂN KHAI Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng và chuyện ít người biết - PHÙNG VĂN KHAI , Người xứ Nghệ Kiev
 

  

LTG: Do nhiệm vụ và cơ duyên, trong công tác cũng như đời sống hàng ngày, tôi được tiếp xúc, làm quen, thân thuộc với nhiều vị tướng. Nhưng với tôi, được gần gũi, có thể nói tất thảy những suy nghĩ, công việc, kể cả là riêng tư, những khúc quanh, bước ngoặt, chuyện vui chuyện buồn một cách thoải mái thân tình nhất chính là Trung tướng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Sinh Hưởng.

1. Dòng dõi danh thần Đoàn Nhữ Hài

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng sinh năm 1949, nhập ngũ năm 1966, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở giai đoạn gay go, quyết liệt và có nhiều hy sinh. Ông quê xã Bình Ngọc, thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, nơi địa đầu đất nước. Đoàn Sinh Hưởng nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1975 lúc 26 tuổi khi mang quân hàm Thiếu úy. Cùng đợt với ông chỉ có 6 cá nhân được phong anh hùng.

Có lẽ không nhiều người biết Đoàn Sinh Hưởng chính là hậu duệ của Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài, danh thần dưới triều vua Trần Anh Tông. Vương triều Trần nổi tiếng với những võ công và cách trọng dụng người hiền cho đến hôm nay vẫn đang là một nét son của lịch sử Đại Việt. Thời triều Trần trị vì đất nước, người hiền tài bất kể là xuất thân ở tầng lớp nào có thực tài đều được trọng dụng. Đoàn Nhữ Hài sinh năm 1280, là con Tướng quốc Đoàn Phúc Trung. Ông nổi tiếng thông minh đĩnh ngộ. Từ rất sớm, khi mới bảy, tám tuổi, Đoàn Nhữ Hài đã vang danh là một thần đồng. Khi về chốn kinh kỳ, tài trí của Đoàn Nhữ Hài đã được những bậc thầy rèn rũa và tỏa sáng. Ông đặc biệt nổi tiếng với bức biểu tạ tội khi Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông đột xuất về kinh thành thấy triều đình bê trễ, vua Anh Tông say rượu đã toan phế truất song nhờ sự xuất sắc của bức biểu tạ tội do Đoàn Nhữ Hài soạn thảo đã tha tội cho vua con. Trần Nhân Tông, vị vua Phật hiền minh của dân tộc Việt Nam khi xem bài biểu đã phải tấm tắc ngợi khen đồng thời vì nể văn tài mà không bắt tội Anh Tông.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng (ngoài cùng bên phải) với lính tăng

 

2. Dũng sĩ diệt Mỹ mười chín tuổi, Anh hùng hai mươi sáu tuổi

Đoàn Sinh Hưởng được phong dũng sĩ diệt Mỹ và được kết nạp Đảng ngay tại trận địa từ rất sớm, khi mới mười chín tuổi. Đó là trận đánh Khe Sanh trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Khi ấy Đoàn Sinh Hưởng là Tiểu đội trưởng kiêm Trung đội phó Đại đội Cối 82 ly thuộc Trung đoàn 88. Trận đó, lính thủy đánh bộ Mỹ tuyên bố sẽ cho Cộng quân đo ván. Vốn dũng mãnh thiện chiến và có phần khát máu, lính thủy đánh bộ Mỹ lúc đó rất huênh hoang. Bộ đội ta quyết tâm dạy cho chúng một bài học. Trận đánh vô cùng ác liệt. Những cái bóng vằn vện của thủy quân lục chiến Mỹ đổ sầm sập trước những đường đạn, nhát lê của các chàng trai rực chí căm thù. Kẻ khát máu đã kinh hoàng tháo chạy để lại vô số xác chết. Những người lính quả cảm trong đó có không ít người đã ngã xuống. Mỗi khi nhắc đến trận đánh ấy, tôi thấy vị tướng luôn nghẹn lại.

Vào Tây Nguyên, với cương vị Đại đội trưởng Đại đội 9 Trung đoàn xe tăng 273, Đoàn Sinh Hưởng đã chỉ huy Đại đội Tăng đánh trận nổi tiếng - Trận Đắc Pét trên đường số 14. Trận này cũng là một trận nhớ đời. Đội hình Tăng ta gầm vang xung trận. Tiếng đạn pháo tăng át những tiếng nổ khác trong trận đánh đã tạo ra uy lực lớn để bộ đội xung phong làm chủ từng cụm cứ điểm. Trận này, quân ta tiêu diệt gọn Tiểu đoàn biệt động 88 ngụy thuộc cụm cứ điểm liên hoàn. Thắng lợi giòn giã nhưng Đoàn Sinh Hưởng suýt bị kỷ luật vì một chuyện nghĩ bây giờ ai cũng phải bật cười. Đó là khi xông vào Sở chỉ huy địch, Đại đội trưởng nhảy khỏi xe chỉ huy tiêu diệt mấy tên địch đang chống cự thấy hai cái chảo nấu ăn bèn đem về cho anh em đại đội. Trên quyết định kỷ luật vì nguyên tắc Đại đội trưởng không được rời xe chỉ huy. Sau này có người nói vui: Đoàn Sinh Hưởng huân chương không nhận nhận hai cái chảo.

Đại đội xe tăng 9 đã tham gia những trận đánh then chốt, quan trọng mà tiêu biểu nhất là trong chiến dịch Buôn Mê Thuột. Cấp trên biết Đoàn Sinh Hưởng là một Đại đội trưởng quả cảm và có đầu óc chỉ huy nhạy bén đã giao cho Đại đội 9 nhiệm vụ đánh thẳng vào trung tâm thị xã Buôn Mê Thuột. Trên đường thọc sâu vào thị xã, Đại đội 9 đã đánh tan quân địch ở kho Mai Hắc Đế, bắn cháy 2 chiếc M113, bắt sống Đại tá Luật, Phó tỉnh trưởng tỉnh Đắc Lắc, bắt sống hơn 100 tên địch, đánh khu truyền tin, khu Bộ tham mưu rồi đánh thẳng vào trung tâm chỉ huy Sư bộ 23 ngụy. Mười một giờ ba mươi ngày 11-3-1975, quân ta cắm lá cờ chiến thắng lên nóc Sư bộ 23 ngụy. Chiếc xe tăng 980 do Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng trực tiếp lái khét lẹt mùi thuốc súng.

Chiến trường phát triển nhanh chóng. Địch tan rã từng mảng. Thất thủ Buôn Mê Thuột, địch hoảng loạn rút theo đường số 7 về Phú Yên. Đại đội 9 lập tức lên đường truy kích địch đã bắn cháy, bắt sống hàng trăm xe tăng, xe cơ giới địch. Đại đội 9 còn có sáng kiến sử dụng pháo tăng tiêu diệt, bắn cháy hai tàu chiến của địch ở trên biển Phú Yên.

Sau khi giải phóng Phú Yên, nhận mệnh lệnh quay về Buôn Mê Thuột để hành quân vào Sài Gòn theo đường số 14. Cả Đại đội xiết chặt đội hình hành quân nhằm hướng Sài Gòn. Trời lờ mờ tối. Tiếng súng đạn rộ lên tứ phía. Phía trước là Cầu Bông, một đường vào cửa ngõ tây bắc Sài Gòn bất ngờ Đại đội 9 gặp 24 xe tăng địch dàn đội hình tiến về phía ta. Lúc này Đại đội 9 chỉ còn 4 xe tăng. Đoàn Sinh Hưởng lập tức cho đội hình xe lùi lại ém sang hai bên đường. Khi đoàn xe địch lọt vào tầm ngắm, Đại đội trưởng hạ mệnh lệnh bắn cháy chiếc đầu và chiếc cuối khiến đội hình địch hoảng loạn dạt xuống cánh đồng điên cuồng bắn trả. Với số xe ít hơn nhưng thiện chiến và quả cảm gấp bội bọn địch đang hoảng loạn, Đoàn Sinh Hưởng bình tĩnh chỉ huy đại đội bắn tỉa từng xe địch. Khi cháy đến chiếc thứ mười hai thì địch hoảng loạn mất khả năng chiến đấu, chúng đầu hàng hoặc trốn chạy và bị tiêu diệt. Trận đánh kết thúc, Đại đội 9 củng cố đội hình tiếp tục tiến đánh trại Quang Trung tại ngã tư Bảy Hiền. Tiếp đó Đại đội 9 đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu Ngụy.

9 giờ 30 tối ngày 12 tháng 9 năm 1975, khi Đoàn Sinh Hưởng bật đài bán dẫn nghe chương trình thời sự thì bất ngờ nghe tin mình được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Khi ấy người lính xe tăng tròn 26 tuổi.

 

3. Bị "vặt" huân, huy chương, ký lên bụng fan hâm mộ

Mùa hè năm 1978, Đoàn Sinh Hưởng vinh dự có mặt trong Đoàn Đại biểu Thanh niên Việt Nam tham dự Festivan thanh niên thế giới tại Cu Ba. Trong đoàn có 12 anh hùng, dũng sĩ là: Phạm Tuân, Đinh Tía, Trịnh Tố Tâm, Bùi Quang Thận, Hoàng Kim Nông, Vũ Trung Thướng, Nguyễn Minh Chữ, Đoàn Ánh Tuyết, Phan Văn Quý, Võ Thị Thắng… Những khoảnh khắc giao lưu với bạn bè thế giới đã để lại ấn tượng thật đẹp, đủ đầy, trọn vẹn của tinh thần quốc tế cao cả, của những tấm lòng năm châu bốn biển hướng về Việt Nam, điều này đã cho nhãn quan của các chị các anh thêm rộng mở.

Một điều rất đặc biệt và thú vị là, mỗi khi giao lưu, ở các diễn đàn thường đông nghịt người hoan hô các anh hùng dũng sĩ Việt Nam. Những tiếng hô: Viva Việt Nam! Viva Hồ Chí Minh... Đoàn Sinh Hưởng lên kể chuyện chiến đấu, đặc biệt đến trận Cầu Bông bạn bè rất khâm phục. Xen lẫn tiếng hô, bạn bè Cu Ba trong đó có rất nhiều cô gái công kênh Đoàn Sinh Hưởng tung lên. Huân huy chương người anh hùng đeo trên người đều bị người hâm mộ vặt sạch. Đã được dự báo từ trước, Đoàn Sinh Hưởng mang bốn bộ Huân - Huy chương nhưng đến ngày cuối chẳng còn một chiếc nào. Hết huân, huy chương, bạn xin mũ, xin bút, xin bất cứ thứ gì có thể và đặc biệt là xin chữ ký. Có một trường hợp rất oái oăm, một cô gái châu Phi da màu cứ nằng nặc xin chữ ký Đoàn Sinh Hưởng. Khốn nỗi chị chàng lại mặc bộ váy đen nên không sao ký được. Loay hoay một lúc bất ngờ cô gái vạch bụng ra hiệu ký lên đó. Người anh hùng đỏ mặt lúng túng. Đồng chí phiên dịch dịch rằng cô gái rất thiết tha đề nghị người anh hùng ký lên bụng cô. Cực chẳng đã, Đoàn Sinh Hưởng nhắm mắt nhắm mũi ký lên. Bút bi mài trên da bụng rất khó ra mực. Phải mất mấy phút mới ký xong. Đoàn Sinh Hưởng mồ hôi mồ kê nhễ nhại nhận một nụ hôn của cô gái da màu.

 

4. Vị tướng tiễu phỉ giữa thời bình

Đối với Tư lệnh Đoàn Sinh Hưởng, các vùng đất Quân khu 4 trong những năm ông giữ trọng trách ở đây có nhiều điều rất đặc biệt. Trong nhiều vấn đề phải giải quyết ở Quân khu 4 lúc đó, thì vấn đề giải quyết một hành lang biên giới ổn định để bà con nhân dân hai bên yên tâm sản xuất, tạo dựng đời sống là một vấn đề lớn được đặt ra. Nhiều vùng đất của bạn giáp với biên giới Quân khu 4 phỉ trỗi dậy hoạt động rất phức tạp.

Đầu năm 2004, bạn Lào tổ chức chiến dịch truy quét phỉ, làm trong sạch địa bàn các huyện có chung đường biên với Quân khu 4 - trọng tâm là các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương (miền tây Nghệ An). Bộ Tham mưu Quân khu đã chỉ đạo một số đơn vị trực thuộc và lực lượng vũ trang các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, bộ đội biên phòng, Đoàn kinh tế quốc phòng phối hợp cùng bạn tổ chức truy quét 19 đợt, diệt và bắt gần 200 tên, thu nhiều vũ khí; làm tan rã nhiều cụm phỉ, bước đầu đập tan âm mưu của địch nhằm tập hợp người H’Mông ở Lào, Việt Nam tới đón “vua” về để thành lập cái gọi là “quốc gia người H’Mông” ở Lào.

Không chỉ gây dựng cơ sở, hoạt động chống phá ở đất bạn Lào, phỉ còn xâm nhập, móc nối chống phá ở địa bàn các huyện Quế Phong, Kỳ Sơn miền tây Nghệ An. Có những thời điểm hoạt động của phỉ rầm rộ, công khai, thậm chí có lúc phỉ hoạt động quá mạnh ở Kỳ Sơn, Quế Phong, táo bạo phục kích đánh cướp xe trên đường số 7 đoàn biên giới Việt Lào.

Quân khu 4 đã tổ chức một đợt truy quét phỉ khá quy mô ở Quế Phong, Kỳ Sơn. Hàng chục điểm nóng đã được xử lý, hàng trăm tên phỉ đã bị bắt và tiêu diệt. Về phía ta, Trung úy bộ đội biên phòng Và Bá Giải đã anh dũng hy sinh.

Mường Mộc được xem như sào huyệt của phỉ. Chúng xây dựng cơ sở rất vững chắc ở đây với hàng trăm tay súng và lừa gạt, khống chế hàng chục nghìn dân. Trong ba mươi năm, bạn Lào nhiều lần đánh cụm phỉ này nhưng không thành công. Phương án tác chiến được đưa ra. Không chỉ dùng súng, bộ đội Việt Nam còn tổ chức khám bệnh, cấp thuốc, làm nhà ở, xây trường học cho vùng dân đã bị phỉ lôi kéo. Kết quả là hàng nghìn dân đã thoát khỏi sự kiểm soát, khống chế của phỉ, nhiều tên phỉ đã ra hàng số còn lại bị cô lập bị ta tiến công tiêu diệt.

Trong khoảng thời gian ông đảm đương cương vị Tư lệnh Quân khu, tuyến hành lang biên giới Việt - Lào đã và ngày càng ổn định. Các tỉnh, thành phố Viêng Chăn, Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay, Hủa Phăn, Khăm Muộn... đều có quan hệ chặt chẽ, mật thiết với Quân khu. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội hai bên đều thấy rõ hơn tầm quan trọng của mối quan hệ chiến lược Việt - Lào mà nòng cốt gây dựng là những người lính Quân khu 4.

Tôi đã rất nhiều lần chuyện trò, phỏng vấn ông. Có những lúc ở chốn ba quân ngay tại thao trường khét lẹt mùi pháo xe tăng, có lúc chỉ hai thầy trò bên chén rượu giữa đêm khuya tiếng dế kêu rỉ rả với những chuyện lần đầu được kể. Thì những khoảnh khắc ấy luôn là những khoảnh khắc đẹp nhất, đáng nhớ nhất của một người lính thế hệ sinh sau, được hưởng hòa bình từ máu xương của cha anh như lứa chúng tôi.

P.V.K

                       Theo tạp chí Văn nghệ Quân đội


  Các Tin khác
  + Chân dung 2 giáo sư Việt được bầu là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (06/12/2024)
  + Gia đình danh giá bậc nhất Việt Nam: Con cháu thừa hưởng "mã gen tài năng" (02/12/2024)
  + 7 điều tuyệt diệu khiến bạn luôn tự hào khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam (11/08/2024)
  + Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/07/2024)
  + Ai là người đặt tên đất nước ta là Việt Nam: Ý nghĩa là gì? (30/06/2024)
  + Hình ảnh thiêng liêng lễ diễu binh ở Thị trấn Trường Sa (08/06/2024)
  + Trường Sa luôn đặc biệt từ những điều nhỏ nhất (26/05/2024)
  + Thế trận Đường Trường Sơn góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch mùa Xuân 1975 (18/05/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/2024)
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 66357161

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July