Không chỉ làm ăn giỏi, anh Nguyễn Văn Nam (37 tuổi), ở thôn Tiên An, xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Linh, Quảng Trị còn có công trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Chợ Tiên An do anh Nam đầu tư xây dựng.
Anh Nam sinh ra trong một gia đình nghèo có 3 anh em. Học xong cấp 3, anh lên đường nhập ngũ. Ra quân được 2 năm, anh lấy vợ. Họ chịu thương chịu khó, làm đủ nghề để mong có cái ăn, nhưng cái nghèo cứ mãi đeo bám. Nhìn vợ con sống kham khổ, anh Nam ngày đêm suy nghĩ tìm cách thoát nghèo.
Đưa tôm sú về xã
Năm 2002, một mình anh tay cuốc tay đào hơn 1.600m2 ao, rồi anh lặn lội vào Đà Nẵng học nghề nuôi tôm sú. “Hồi đó, người dân ở đây chưa ai biết nuôi tôm sú là gì, một mình tôi nuôi nên rất lo lắng. Tiền vốn thì vay ngân hàng, hai vợ chồng làm quần quật mới có tiền trả lãi hàng tháng. Lỡ tôm mà chết thì chỉ có nước ra ở bụi tre” - anh Nam nhớ lại.
Nhưng, trời không phụ công người, 2 năm anh nuôi tôm sú đều lãi lớn. Năm 2004, người dân xã Vĩnh Sơn thấy hướng làm ăn của anh Nam có hiệu quả, chính quyền nơi đây cũng hết sức ủng hộ nên đã đưa dự án nuôi tôm sú về địa phương để bà con làm giàu.
Cũng từ đó, anh tập trung vốn liếng mua đất, mở rộng hồ nuôi. Anh còn làm đại lý thức ăn chăn nuôi thủy sản, vừa để cung cấp thức ăn cho tôm của gia đình, vừa phục vụ nhu cầu nuôi tôm của bà con địa phương. Đến nay, gia đình anh đã có 4 hồ nuôi tôm sú với diện tích 4.000m2, mỗi năm cho thu nhập trên dưới 600 triệu đồng. Đại lý thức ăn chăn nuôi thủy sản cũng cho anh số lãi trên 50 triệu đồng/năm.
Không dừng lại ở đó, năm 2006, nhận thấy nhu cầu chuyên chở thức ăn cho tôm của người dân tăng cao, anh Nam đầu tư mua một xe tải phục vụ chuyên chở cho bà con, mỗi năm thu về hơn 80 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn mở xưởng gỗ, chuyên nhận cắt xẻ gỗ, đóng bàn ghế… cho bà con địa phương, cho thu nhập gần 60 triệu đồng/năm.
Hiện, anh đang giải quyết việc làm cho 4 lao động tại địa phương với thu nhập 2,5-3 triệu đồng/người/tháng.
Bỏ tiền túi xây chợ
Hàng chục năm nay, thôn Tiên An không có chợ. Người dân nơi đây phải sang thôn khác để mua bán. Chợ gần nhất là chợ Kên, nằm ở thôn Võ Xã, xã Trung Sơn (Gio Linh, Quảng Trị), cũng cách thôn Tiên An hơn 5km. Hàng ngày chứng kiến nỗi vất vả của bà con, anh Nam quyết định tự bỏ 700 triệu đồng xây chợ ngay bên hông nhà, lấy tên là chợ Tiên An. Sau 2 tháng thi công, chợ Tiên An được hoàn thành trên khu đất rộng hơn 100m2 của gia đình anh, trong niềm hân hoan của bà con lối xóm. Anh Nam kể: “Ngày tôi đổ đất xây chợ, bà con không ai biết, cứ tưởng làm gì. Sau khi chợ hoàn thành, ai nấy đều hết sức vui mừng”.
Chị Nguyễn Thị Hường - người dân thôn Tiên An, cho biết: “Trước đây đi chợ xa nên mỗi lần đi tôi đều phải mua cho vài ngày ăn, cực lắm. Giờ có chợ anh Nam xây rồi, thuận tiện lắm”. Ông Nguyễn Văn Hiệp - Trưởng thôn Tiên An, phấn khởi: “Trước đây, trong vườn người dân không trồng gì, vì trồng rồi biết bán cho ai. Nhưng từ ngày có chợ Tiên An, nương vườn nhà ai cũng đầy rau, củ, quả. Chợ Tiên An luôn tấp nập người mua bán, đời sống người dân từ đó được cải thiện rất nhiều”.
Không thu tiền của bà con đến bán hàng nên anh Nam không thuê người làm vệ sinh. Sau mỗi buổi tan chợ, vợ chồng anh lại cùng nhau quét dọn để đảm bảo vệ sinh môi trường.