Chiều nào mẹ cũng ngồi đó, mái tóc bạc phơ thả đôi mắt mờ đục về cõi xa xăm để nhớ về chồng và người con trai độc nhất đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc…
Mẹ VNAH Phạm Thị Nhớn với khẩu súng mà liệt sĩ Đặng Huy Thuật để lại sau khi tử thủ với giặc.
Đó là Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Nhớn, 85 tuổi đời, 53 tuổi Đảng đang sống trong ngôi nhà ven hồ làng Nhân Lý, huyện Nam sách, tỉnh Hải Dương. Mới 12 tuổi, cô bé Phạm Thị Nhớn đã phải ở đợ để trừ nợ hai thúng thóc nếp mà cha mẹ cô vay không trả nổi. Lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, cô sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng và bí mật tham gia hoạt động cách mạng.
Trong quá trình đó, cô quen biết anh Đặng Huy Mỹ là du kích xã và nên duyên vợ chồng. Anh cứu cô thoát cảnh ở đợ và cô cùng anh tham gia kháng chiến. Dù sống sát đồn địch nhưng hàng ngày cả hai vẫn ngụy trang bí mật mang vũ khí và tiếp tế lương thực cho Việt Minh. Nhưng rồi một hôm có tin sét đánh rằng anh hy sinh trên đường công tác. Vậy là chỉ sau 3 năm chung sống, anh đã mãi mãi bỏ lại người vợ trẻ mới 22 tuổi. Và mãi gần 50 năm sau kể từ năm 1954 đến năm 2002, người chồng mới được truy tặng liệt sĩ.
Nén nỗi đau riêng và những thiệt thòi mất mát trong chiến tranh, mẹ vừa một mình nuôi con, vừa tiếp tục hoạt động cách mạng. Rồi mẹ được kết nạp Đảng, trở thành một trong những cán bộ nữ chủ chốt gương mẫu của địa phương. Năm 1967, khi Nhà nước phát lệnh tổng động viên thanh niên lên đường vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ, mẹ động viên đứa con trai duy nhất tên Đặng Huy Thuật nhập ngũ. Ngày tiễn con lên đường, mẹ không quên dặn con chiến đấu giỏi…
Rồi ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đến, mẹ như vỡ òa trong niềm vui của cả dân tộc. Thấy người người làng trên, xóm dưới nô nức đón chồng con từ chiến trường miền Nam trở về, lòng mẹ rạo rực. Ngày nào mẹ cũng mong ngóng đứa con trai duy nhất trở về. Hòa bình rồi mà ngày nào mẹ cũng vẫn âm thầm khóc con. Rồi vào một ngày cuối năm 1985, mẹ bỗng nhận được giấy báo tử muộn màng gửi về: Anh Đặng Huy Thuật đã hy sinh tại mặt trận phía Nam. Mẹ lại khóc vì mặt trận phía Nam bao la, biết con ở đâu mà tìm?
Một hôm, một người bà con của mẹ đưa thông tin tìm kiếm hài cốt liệt sĩ lên mạng, không ngờ sau đó có đồng đội của con trai mẹ tìm đến báo tin nơi chôn cất hài cốt con trai mẹ tại mặt trận Tây Nguyên. Anh kể cho mẹ nghe về trận đánh ác liệt tại đồn Ngọc Rinh Rang, tỉnh Kon Tum, nơi mà con trai mẹ đã trực tiếp cầm súng chiến đấu và anh dũng hy sinh vào ngày 13-4-1971. Đồng đội của con trai mẹ còn tặng mẹ tấm sơ đồ của Quân đoàn 3 ghi rõ tên tuổi, địa chỉ, từng phần mộ của 31 liệt sĩ hy sinh trong trận đánh đó với ước mong nhiều bà mẹ liệt sĩ khác cũng sớm tìm thấy con.
Thế là sau 40 năm tìm kiếm, mẹ đã được gặp lại đứa con trai yêu quý. Mẹ đưa hài cốt con trai về nằm cạnh mộ chồng trong Nghĩa trang liệt sĩ của xã. Nghe lời người mẹ Việt Nam anh hùng bé nhỏ mà kiên cường, bất khuất, nước mắt chúng tôi cũng ứa ra vì xúc động.