Cách đây 50 năm, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong Quân đội, cụ Nguyễn Xuân Việt phục viên về định cư ở thôn Tân Phúc, thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang từ đó đến nay.
Mặc dù cụ có 11 chắt nội, ngoại; các con đều khá giả, bảo đảm cho cụ sống đầy đủ, an nhàn, nhưng cụ không ở chung với ai mà thích tự lập, lấy nghề rừng làm niềm vui cuộc sống. Sự ham thích lao động và qua rèn luyện đã cho cụ sức khỏe dẻo dai. Ở tuổi 86, cụ vẫn đi xe máy khi cần; có lần cụ còn đi xe máy từ Tuyên Quang về Hà Nội dự Hội nghị "Những hộ làm vườn rừng giỏi" do CLB Trang trại Việt Nam mời.
Năm 1990, hưởng ứng phong trào "trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc", cụ làm đơn xin UBND thị trấn Sơn Dương, Lâm trường Sơn Dương và UBND huyện Sơn Dương nhận đất rừng ở gần nơi gia đình ở và được giao trên 20ha đất rừng cùng sổ lâm bạ với thời hạn sử dụng 30 năm.
Để bảo đảm kế hoạch trồng rừng, vào thời vụ sản xuất, cụ thuê thêm nhân công, mỗi ngày có 10 người đến giúp cụ phát cỏ, đốt dọn thực bì, cuốc hố trồng cây. Khi cây trồng được 2 tháng tuổi bắt đầu làm cỏ xung quanh gốc lần thứ nhất, một năm làm cỏ 3 lần. Năm đầu cụ trồng được 5ha, các năm tiếp theo mỗi năm trồng 6 đến 7ha.
Đến năm 2001, cụ thu hoạch 10ha cây bạch đàn. Nhận thấy bạch đàn phát triển chậm, lại ăn bạc màu đất, cụ chuyển sang trồng keo lai sinh trưởng nhanh, chịu hạn, không làm bạc màu đất, thời gian thu hoạch nhanh, giá trị kinh tế cao hơn. Từ năm 2003 đến 2005 cụ trồng được 20ha cây keo lai, phát triển tốt, nay đã 8 đến 10 năm tuổi. Với kết quả trên, cụ được ghi vào "Danh sách vàng" những hộ trồng rừng nhiều và đạt hiệu quả cao của huyện. Qua trồng rừng, cụ thấy người khỏe ra, ăn ngon, ngủ ngon, làm việc khỏe.
Năm 2013, cụ Nguyễn Xuân Việt sang tuổi 90, thấy mình đã "chân chậm, mắt mờ", cụ gọi con trai đến bảo: "Bây giờ bố giao lại cánh rừng một thời bố đã gắn bó, vun trồng cho con chăm sóc và bảo vệ. Bác Hồ dạy: “Rừng là vàng” đấy con ạ!".