Chị Cát Lệ vốn khiêm nhường, lặng lẽ. Chị chỉ có một quán cơm nhỏ rộng chưa đầy 8m2 để kiếm sống, nuôi gia đình. Hơn nữa, bát cơm từ thiện cho các bệnh nhân ở Hà Nội và một số TP đã có rất sớm.
ảnh minh họa
Chị Nguyễn Cát Lệ tỏ bày: Gia đình tôi đưa suất cơm vào BV K hàng tuần, không có gì to tát. Đã có nhiều người hảo tâm, làm từ thiện ở các BV Hà Nội. Đơn giản là chúng tôi muốn được bày tỏ tình cảm, sự chia sẻ, muốn cùng chung tay với cộng đồng, hy vọng làm vơi đi ít nhiều khó khăn, đau khổ cho người bệnh hiểm nghèo, ấm lòng giữa cộng đồng đầy tình thương mến. Từ nỗi đau riêng của gia đình, chúng tôi hiểu bệnh ung thư thật sự nghiệt ngã đối với con người. Món quà chúng tôi đem đến cũng bình thường như nhiều suất cơm từ thiện của các tổ chức, cá nhân khác. Nhưng chúng tôi muốn tự mình đưa bàn tay ấm áp, sẻ chia cùng những số phận nghèo, khổ đau vì bệnh tật.
Chị Cát Lệ vốn khiêm nhường, lặng lẽ. Chị chỉ có một quán cơm nhỏ rộng chưa đầy 8m2 để kiếm sống, nuôi gia đình. Hơn nữa, bát cơm từ thiện cho các bệnh nhân ở Hà Nội và một số TP đã có rất sớm. Nhưng khi tiếp xúc với những người trong gia đình, chúng tôi mới thấm thía thêm những gì chị đã làm. Mẹ chị thổn thức nhớ lại:
- Tôi có 4 người con, 3 gái 1 trai. Đứa con trai duy nhất không may sớm bị ung thư gan và không qua khỏi. Cháu “đi” khi tuổi còn quá trẻ. Nghĩ thương con, xót xa cho số phận…
Từ nỗi đau riêng của gia đình, khi chị Cát Lệ bày tỏ ý định từ thiện, hàng tuần đưa cơm vào BV K, cả nhà hưởng ứng nhiệt thành. Mẹ chị Lệ luôn cùng con gái thức đêm hôm, chợ búa, bếp núc để kịp đưa suất ăn vào cho bệnh nhân. Bà bày tỏ nỗi lòng mình:
- Tiếc là tay chúng tôi ngắn, chỉ đủ với tới được một BV. Nếu trời cho cánh tay dài hơn, mẹ con tôi sẽ với tới nhiều BV, nơi có nhiều bệnh nhân cần được kịp thời đỡ đần, cưu mang…
Thời gian đầu mấy mẹ con, chị em chỉ làm được 100 suất cơm. Sau mấy tháng, nhiều người trong gia đình và hơn 20 tình nguyện viên chung tay chia sẻ công việc, “Cơm Nhân ái” của chị Cát Lệ đã tăng lên trên 200 suất. Thứ 5 hàng tuần cơm được đưa vào BV K. Bệnh nhân ung thư phải kiêng khem nhiều thức ăn. Các tình nguyện viên tìm đến từng người, hỏi han để có thể phục vụ tốt nhất, phù hợp với chế độ ăn, với khẩu vị, thói quen của mỗi bệnh nhân. Ngoài suất cơm hàng tuần, chị còn tặng quà cho các bệnh nhân nhỏ tuổi nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6.
Để có nguồn kinh phí rộng rãi, quán cơm của chị Cát Lệ đặt thêm hộp đựng kẹo cao su. Ai mua, tự động bỏ tiền vào hòm “Từ thiện”.
Bác sĩ Xuân hàng ngày điều trị cho bệnh nhân, cảm kích trước nghĩa cử của các tình nguyện viên “Cơm Nhân ái” của chị Cát Lệ nói:
- BV bố trí mặt sân để tiện phân phát suất cơm. Nhưng một số bệnh nhân không dễ dàng đi lại. Các tình nguyện viên xin được đưa suất ăn đến tận giường bệnh, chăm sóc tận tình, dọn dẹp sạch sẽ sau khi ăn. Nhiều bệnh nhân vừa ăn vừa gạt nước mắt. Tôi thực sự mong nhiều BV cũng được tiếp nhận những bàn tay nhân ái của cộng đồng. Không chỉ tiền hỗ trợ thuốc men, suất ăn, hay quần áo. Nhiều khi chỉ cần tiếng đàn tiếng hát, lời hỏi thăm ân cần cũng ấm lòng người bệnh.