Nếu có nhận xét các đời vua của phong kiến Việt Nam để tìm ra những kỷ lục thì có lẽ vua Lý Nhân Tông sẽ là vị vua có nhiều kỷ lục nhất. Ông là vị vua ở ngôi lâu nhất, người mở đầu cho giáo dục ĐH và cũng trong thời ông trị vì, sử sách ghi nhận nhiều điềm lành nhất.
Lý Nhân Tông tên là Lý Càn Đức, sinh năm 1066, là con của Lý Thánh Tông và Nguyên Phi Ỷ Lan. Ông lên ngôi khi mới 7 tuổi. Ông làm vua đến năm 1127 thì mất, trị vì được 56 năm, trở thành ông vua trị vì lâu nhất trong lịch sử Việt Nam. Thời kỳ Lý Nhân Tông trị vì là thời kỳ đất nước thái bình thịnh trị vào bậc nhất trong triều Lý và cũng là của lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam.
Lý Nhân Tông là người mở đầu cho nền giáo dục ĐH ở Việt Nam. Năm 1075, ông cho thi khoa Minh Kinh Bác Học hay còn gọi là khoa tam trường đầu tiên trong lịch sử. Khoa thi đó lấy đỗ 10 người, có thủ khoa Lê Văn Thịnh là trạng nguyên đầu tiên của lịch sử khoa bảng nước nhà. Đến năm sau (1076) lại cho xây Văn Miếu Quốc Tử Giám để thờ Khổng Tử và các bậc tiên hiền của Nho giáo và là nơi dạy học ở bậc cao giành cho thái tử và những người tài giỏi của đất nước. Văn Miếu Quốc Tử Giám từ đó trở thành trường ĐH đầu tiên của nước ta.
Cũng trong triều đại Lý Nhân Tông, chúng ta tự hào về nghệ thuật quân sự của cha ông khi Thái Úy Lý Thường Kiệt dẫn quân đánh thẳng sang ba châu Ung, Khâm, Liêm của nước Tống để ngăn chặn cuộc xâm lược sắp diễn ra của quân Tống, theo tư tưởng “ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân đi đánh trước để chẹn mũi nhọn của giặc”. Trong lịch sử dựng và giữ nước, dân tộc ta luôn bị các thế lực xâm lược phương bắc chèn ép, đây là lần đầu tiên quân đội chính quy của nước Nam đánh sang phương Bắc.
Đặc biệt nhất, triều đại Lý Nhân Tông cũng là triều đại có nhiều điềm lành được ghi vào sử sách nhất. Sách Đại Việt sử ký toàn thư, kỷ Lý Nhân Tông chỉ có 20 trang mà có tới 23 lần ghi chép các việc thần dân, quan lại dâng vua những cỏ cây, chim thú có hình kỳ lạ. Trong 23 lần ấy thì có 4 lần ghi việc rồng vàng hiện, 3 lần có móc ngọt (mưa ngọt) và có tới 5 lần nhắc tới những con rùa mắt có 6 con ngươi, hoặc rùa 3 chân, hoặc rùa ngũ sắc. Thậm chí có khi chỉ một cây ưu bát đàm (cây sung) có hoa hoặc cây cau một gốc có 9, 10 thân cây cũng được ghi chép vào quốc sử. Ở thời đó, đây là các sự lạ và thường coi là điềm lành.
Tiến Đức (Đất Việt)