- “Điện Biên Phủ trên không” và nỗi trăn trở của các cựu binh
- "Điện Biên Phủ trên không" qua góc nhìn của nhạc sỹ 8X
Thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng luôn tự hào về Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. 59 năm đã trôi qua, nhưng tinh thần anh dũng, kiên cường của cha ông vẫn còn nguyên giá trị. Với công việc của mình, Quàng Thị Kim Nhung, thuyết minh viên của Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ đang nỗ lực để mong sao hào khí của chiến thắng ấy luôn sống mãi với thời gian.
Sinh ra và lớn lên tại xã Thanh Minh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, ngay trong lòng chảo Điện Biên Phủ, lại có ông nội là cán bộ của xã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, Quàng Thị Kim Nhung luôn mơ ước làm được một việc gì đó gắn với mảnh đất lịch sử này.
Vậy là khi tốt nghiệp cấp 3, Nhung đã thi vào khoa Văn sử của trường Cao đẳng sư phạm Điện Biên. Sau đó, Nhung học tiếp 4 năm khoa Ngữ văn của Đại học sư phạm Hà Nội. 7 năm đi học là 7 năm Nhung miệt mài tìm hiểu và tham khảo nhiều sách, tư liệu về chiến thắng Điện Biên Phủ. Năm 2008 sau khi tốt nghiệp, Nhung xin vào làm ở Bảo tàng và trở thành thuyết minh viên từ đó.
Hình ảnh trưng bày tại Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ |
Nhung tâm sự: “Bản thân tôi là người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Điện Biên Phủ nên nắm rõ phong tục tập quán của các dân tộc. Đặc biệt, Điện Biên Phủ là mảnh đất có chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, nên tôi không chỉ muốn du khách ở địa phương, trong nước biết đến chiến thắng này, mà còn muốn du khách ở nước ngoài biết đến chiến thắng Điện Biên Phủ. Bản thân tôi luôn luôn tìm hiểu, trau dồi kiến thức không chỉ về dân tộc, văn hóa, mà cả kiến thức về lịch sử, địa phương, đặc biệt là chiến thắng Điện Biên Phủ để tuyên truyền với du khách trong nước, quốc tế”.
Theo Nhung, để trở thành những thuyết minh viên, nhất là thuyết minh viên ở Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ thì đòi hỏi phải thực sự tận tâm, yêu nghề và chịu khó. Với mỗi kỷ vật lưu giữ trong Bảo tàng, hay tại các điểm di tích, Nhung đều tìm hiểu cặn kẽ, tỷ mỷ và khoa học.
Hơn nữa, những địa chỉ mà Nhung hay tìm đến là các bác cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Với Nhung đây là kho tư liệu vô cùng quý giá, những con người thực, việc thực của chiến thắng sẽ giúp Nhung có thêm lư liệu để làm công việc này tốt hơn.
Bên cạnh đó, là người dân tộc Thái của Điện Biên, Nhung am hiểu sâu sắc về văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Điện Biên, nên khi giới thiệu với du khách về lịch sử, những chiến công của cha ông, Nhung còn giới thiệu thêm về mảnh đất và văn hóa của người dân nơi đây.
Giờ giấc đi làm của thuyết minh viên không như các ngành khác, đi sớm, về muộn là chuyện hàng ngày. Nhưng Nhung đã sắp xếp công việc gia đình ổn thoả, để không ảnh hưởng đến công việc hàng ngày. Nhung tâm sự: Nhiều người cho rằng, hàng ngày đều làm công việc này có khi nhàm chán, nhưng với Nhung, mỗi ngày là một ngày mới thú vị và bổ ích. Nhung có thể giúp du khách hiểu hơn, hình dung rõ hơn về những trận đánh, sự chỉ đạo tài tình, sự linh hoạt, anh dũng trong chiến thắng Điện Biên Phủ của cha ông ta.
Là tổ trưởng của 13 thuyết minh viên của Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ, Nhung luôn tạo cho các đồng nghiệp một sự tự tin, một niềm đam mê công việc. Dịp này, mỗi ngày gần 2.000 du khách đến thăm Bảo tàng và các điểm di tích, điều đó có nghĩa hàng trăm đoàn du khách đang trở về Điện Biên Phủ để tham quan và tìm hiểu thêm về chiến thắng và mảnh đất con người nơi đây.
Nhung và các thuyết minh viên của Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ đang nỗ lực hết mình để viết tiếp trang sử hào hùng của Điện Biên./.