Sống trong gông xiềng
Ông Nguyễn Văn Đồng đã bước sang tuổi 84 nhưng vẫn còn minh mẫn, quắc thước lắm. Biết tin nhà báo đến thăm và hỏi chuyện chiến đấu ngày xưa, ông nhanh chóng sửa soạn các tư liệu cũ để cung cấp cho chúng tôi và kể lại thật tỉ mỉ những gì mà ông còn nhớ.
Năm 1944, khi phong trào Việt Minh lan tới Hải Phòng, ông Đồng may mắn quen biết người đảng viên đầu tiên của huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) là đồng chí Phạm Đình Ngự (ông Ngự sau này là Phó Bí thư và Phó Chủ tịch tỉnh Kiến An cũ – PV) và được giác ngộ cách mạng.
Sau này, khi đã được đào tạo bài bản về đường lối và phương hướng đấu tranh, ông Đồng được phân công thâm nhập vùng Mạo Khê. Năm 1946, ông Đồng được cấp trên phân công làm trung đội trưởng rồi chỉ 2 năm sau là đại đội trưởng của một đơn vị tinh nhuệ đóng trên địa bàn huyện Thủy Nguyên. Trong một nhiệm vụ bí mật nhằm tiêu diệt sỹ quan Pháp, đại đội trưởng Nguyễn Văn Đồng bị Pháp vây bắt khi nhiệm vụ sắp hoàn thành.
Chúng đưa ông vào một căn phòng tối kín mít để tra khảo bắt ông khai ra địa điểm đóng quân của đơn vị và các chiến sỹ bí mật đang hoạt động trên địa bàn. Chúng treo ngược ông lên và tra tấn rất dã man nhưng người chiến sỹ kiên trung vẫn không hé nửa lời.
Không còn cách nào khác, chúng điều tàu chiến đưa ông ra Côn Đảo giam giữ cùng với các tù nhân Cộng sản khác. Ở trong tù, chúng tiếp tục hành hạ ông, khi thì treo ngược, lúc lại bắt ông “bó gối” trong thùng phuy cả ngày trời không cho ăn uống, vệ sinh.
Đại đội trưởng Nguyễn Văn Đồng (thứ 2 từ trái sang) và các chiến sỹ đầu tiên của huyện Thủy Nguyên năm 1948
Hết cách, chúng lại đưa ông vào “chuồng cọp” để biệt giam, đó là hình phạt dã man nhất mà bọn thực dân Pháp thực hiện trong nhà tù Côn Đảo. “Chuồng cọp” có hai khu, mỗi khu 60 chuồng và 30 hầm đá, giam giữ trên 400 người, cứ 5 người bị nhốt vào một chuồng có bề ngang 1,45m, dài 2,5m. Anh em phải thay phiên nhau kẻ ngồi người đứng. Đêm phải thay phiên nhau kẻ thức người ngủ, thường xuyên nằm đè lên nhau như cá mòi xếp hộp.
Chuẩn bị
Sau đó một thời gian, bọn Pháp đưa ông Đồng và 99 chiến sỹ khác ra khu vực bìa rừng để đập đá làm đường và lán trại. Chúng chia 100 tù nhân Cộng sản ra làm hai tốp, mỗi tốp 50 người làm ở khu vực đầu đường, tốp kia làm ở cuối đường.
Ở khu cuối, chúng bắt một số tù nhân vào rừng đốn gỗ làm lán trại bên bìa rừng để bọn chúng nghỉ ngơi. Ông Đồng thuộc tốp vào rừng kiếm gỗ nên ngay lập tức, trong đầu ông đã nảy ra ý định vượt ngục bằng chính những tấm gỗ dài do các tù nhân xẻ ra.
Tối hôm đó, sau khi “lọc” ra những tên gián điệp “nằm vùng” của quân Pháp, ông Đồng đã tập trung chi bộ Đảng trong tù và một cuộc họp bí mật để bàn bạc kế hoạch vượt ngục.
Kế hoạch như sau, tuyến đường do 100 tù nhân Cộng sản làm sẽ xong trong vòng 3 tháng. Bọn lính canh gồm tổng cộng 50 tên được trang bị súng và dùi cui là điểm đáng lo nhất. Chi bộ Đảng phân công 2 tù nhân khống chế một lính Tây. Nhóm lấy gỗ có nhiệm vụ bí mật đưa các tấm gỗ giấu vào các vị trí gần khu vực bờ biển chờ ngày vượt ngục.
Côn Đảo hôm nay. Ảnh: PHÚ KHÁNH
Vượt ngục
Cây bung linh – một loại gỗ mà các chiến sỹ chọn kết bè vượt biển được tập kết đủ để làm 5 chiếc bè lớn tải 100 người. Ở Côn Đảo, cứ đến tháng 10 âm lịch được gọi là mùa gió chướng – mùa vượt ngục, bởi khi ấy, gió sẽ chuyển hướng thổi từ đảo vào đất liền và quần áo của các tù nhân sẽ được kết thành những cánh buồm lớn.
Cấp ủy chi bộ nhà tù Côn Đảo đã thống nhất kế hoạch vượt ngục vào ngày 12/12/1952. Và vào đúng 4h chiều hôm đó, các chiến sỹ đã lần lượt khống chế 50 tên lính canh và trói lại trong rừng. Chưa hết, để cho vẹn toàn, lãnh đạo chi ủy đã làm công tác dân vận với đám lính canh: “Chúng tôi không bắt giết các anh nhưng chúng tôi phải vượt ngục để chiến đấu với thực dân”.
Ngay lập tức cứ 20 người một nhóm gấp rút đóng tàu. Nhóm thì kết bè, nhóm lại kết áo thành buồm, nhóm khác gọt mái chèo phòng khi gió đổi hướng. Chỉ trong hơn một tiếng đồng hồ, 5 chiếc bè lớn đã hoàn thành và cuộc vượt ngục trên biển được tiến hành, đối mặt với những hiểm nguy đang rình rập ngoài biển khơi.
Trong khi 5 chiếc bè gỗ đang lênh đênh trên biển thì bất chợt gặp một tàu hàng từ Ấn Độ Dương qua. Các chiến sỹ bị phát hiện do bọn chủ tàu điện báo cho Pháp nên chỉ một lúc sau, tàu chiến của bọn thực dân đã được điều đến.
Các chiến sỹ nhanh chóng chèo thuyền nhưng 3 chiếc bị đắm, các nhóm này phải bơi vào một hòn đảo nổi giữa biển. Thuyền của ông Đồng và chiếc còn lại hôm sau bị đuổi kịp và chúng bắt nhốt tất cả vào nhà tù Chí Hòa, cuộc vượt ngục dũng cảm bất thành.
Cũng trong năm đó, thực dân Pháp đưa ông Đồng và các chiến sỹ vượt ngục ra xử tại Sài Gòn. Lúc này, với sự chỉ đạo của cấp trên và sự đấu tranh mưu trí của luật sư Nguyễn Hữu Thọ, các tù nhân Côn Đảo được trả tự do hoặc được thả trong các cuộc trao đổi tù binh giữa ta và thực dân Pháp. |